19/11/2012 04:14 GMT+7

Trời thương thì nhờ...

TR.HUY
TR.HUY

TT - Cậu bé Nguyễn Anh Khôi đoạt chức vô địch U-10 cờ vua thế giới, đó là một trong những thông tin vui hiếm hoi của thể thao VN trong tuần.

TT - Cậu bé Nguyễn Anh Khôi đoạt chức vô địch U-10 cờ vua thế giới, đó là một trong những thông tin vui hiếm hoi của thể thao VN trong tuần.

Những tin còn lại là việc nữ VĐV Hà Thanh đoạt HCV thể dục dụng cụ châu Á, là tay bơi Ánh Viên đoạt HCB bơi lội châu Á - huy chương đầu tiên của thể thao VN trên đường đua xanh của đấu trường châu lục.

Với chiến thắng của Anh Khôi, đây là lần thứ hai cờ vua VN có HCV lứa tuổi U-10 thế giới. Người trước đó là Nguyễn Ngọc Trường Sơn vào năm 2000. Cũng ở giải đấu dành cho các lứa tuổi trẻ của thế giới này, cờ vua VN từng có Đào Thiên Hải vô địch U-16 năm 1993, Nguyễn Thị Dung vô địch U-12 năm 1994, Lê Quang Liêm vô địch U-14 năm 2005...

Tuy nhiên, trong số những ngôi sao cờ vua VN vừa nêu, Thiên Hải và Trường Sơn có vẻ chững lại, chỉ mỗi mình Lê Quang Liêm đang tiến xa. Không phải Hải, Sơn kém tài mà cái họ thua Liêm là sự hỗ trợ của gia đình. Do gia đình của Hải, Sơn không có điều kiện được như Liêm, nên họ đành trông mong vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ liên đoàn. Mà sự hỗ trợ đó ở VN chẳng khác nào người nông dân ngẩng mặt cầu trời mưa: trời thương thì nhờ, giận thì chịu!

Từ chuyện cờ vua bỗng lan man nhớ đến tâm sự buồn của Hà Thanh. Sau HCĐ thế giới đoạt được tại Nhật, sự đầu tư cho cô gần như chẳng có gì. Rồi tiếp đến là thất bại tại Olympic lại càng khiến Thanh gần như bị quên lãng. Chiến tích mà cô làm được tại giải châu Á vừa rồi là nhờ tài năng và sự nỗ lực cá nhân cũng như trợ giúp của HLV ruột, chứ chẳng có dấu ấn đầu tư nào của bộ máy tổ chức từ liên đoàn đến tổng cục.

Lại chợt nhớ trong tuần rồi cũng man mác buồn với câu chuyện nữ võ sĩ taekwondo Chu Hoàng Diệu Linh nộp đơn xin nghỉ khi chỉ mới 18 tuổi vì ngán ngẩm thể thao.

Tất cả chuyện đó nói lên điều gì? Bộ máy quản lý thể thao của chúng ta làm ăn theo kiểu nông dân đời cũ, trông vào lòng thương của ông trời. Ai may mắn có gia đình hỗ trợ, có tài năng và nghị lực đặc biệt thì bươn chải vươn lên, chứ một kế hoạch đầu tư bài bản gần như không có.

Lại chợt nhớ trong một lần trò chuyện cùng tay vợt bóng bàn một thời khuấy động thế giới Lê Văn Tiết đã nghe ông kể rằng: Sau khi thất bại trước các tay vợt VN vào cuối thập niên 1950, người Nhật đã lao vào nghiên cứu các tay vợt của chúng ta hết sức kỹ lưỡng. Họ nghiên cứu từ thói quen, từ bộ di chuyển của chân đến kỹ thuật đánh bóng. Và kết quả, không đầy mười năm sau thì đừng mong chiến thắng khi gặp các tay vợt hàng đầu của Nhật.

Nói chuyện nay, nhắc chuyện xưa để thấy rằng đừng hi vọng tiến xa nếu không làm ăn một cách thật khoa học.

TR.HUY

TR.HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: c