27/10/2012 06:27 GMT+7

Trên từng cây số

THẠCH BÀN
THẠCH BÀN

TTC -QUẢNG NAMBịt mắt bắt dê

Tuyến đường từ Azich Lăng đi qua các địa phương tới xã Lăng (huyện Tây Giang) dài 20km, có nhiều đèo, dốc và khúc cua che khuất tầm nhìn. Để tránh tai nạn bất ngờ do bị khuất tầm nhìn, ngành giao thông đã cho lắp đặt các gương cầu lồi. Song, do nhiều nguyên nhân, tới nay một số gương đã bị mờ hoặc bể vỡ, không còn tác dụng quan sát. Tài xế giống như bị bịt mắt, chỉ biết chạy xe theo cảm tính. Điều này rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, cần được sớm khắc phục.

Nỗi lòng người đi

Nếu người ta có tổ chức một cuộc thi lập kỷ lục về các con đường xấu thì chắc chắn tỉnh lộ 424 (Cao Thắng, Lương Sơn) phải lọt vào vòng chung kết. Từ lâu đường này đã bị xuống cấp nghiêm trọng với các loại “ổ voi” chi chít, rộng 3-4m và sâu hoắm. Tuy chỉ dài chừng 2 cây số nhưng nó đủ trình độ kiểm chứng lòng kiên nhẫn của người đi đường, buộc họ phải trổ tài lạng lách quanh các miệng “ao, hồ”. Nó cũng buộc người đi đường phải biết chịu đựng cảnh bùn văng tung tóe (mùa mưa) lẫn bụi bốc mù mịt (mùa nắng). Sở dĩ đường này “tan nát đời hoa” là do hàng ngày bị cả trăm xe khai thác đá quần thảo, cày xới.

CẦN THƠ

Phản hồi

Trang TTCS (số 452) có đăng bài Chơi trò ú tim, phản ánh việc người dân đập phá con lươn dưới chân cầu Rạch Ngỗng (P.An Khánh, Q.Ninh Kiều) để mở lối đi tắt, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Sau khi báo ra, đơn vị chủ quản đã cho sửa chữa lại rất kiên cố, hiện tượng nguy hiểm đã được khắc phục. Hoan nghênh sự tiếp thu và tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ quản.

PHÚ YÊN

Trạm bơm “rắn ráo”

Đó là trạm bơm nước Bình Sơn (Hòa Phú, Tây Hòa) do Ban Quản lý các công trình Đầu tư và xây dựng huyện Tây Hòa tạo dựng lên. Sở dĩ có tên “rắn ráo” bởi đã 7 năm nay nó khô hơn cả ngói. Với kinh phí 3,2 tỉ đồng, trạm bơm dự định tưới cho khoảng 250ha lúa, hoa màu trong vùng. Tuy nhiên từ khi xây dựng, bàn giao xong (năm 2005) thì nó vẫn đắp chiếu chờ sửa chữa, nâng cấp. Bà con chỉ biết trông mong vào trời, hết dám trông mong vào trạm bơm nữa.

Đau nam chữa bắc

Năm nay tỉnh Đắk Lắk lại thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Năm học trước, mỗi đối tượng này được nhận 630.000đ nên đã giải quyết một phần gánh nặng cho gia đình. Thế nhưng năm nay tiền hỗ trợ khó khăn được qui ra sách vở. Thành thử, em nào có anh chị thì thừa sách giáo khoa, chả biết cất vào đâu. Trong khi sách thừa thì tiền đóng học vẫn thiếu. Phụ huynh cũng lăn tăn chả rõ sự qui đổi giữa sách vở với 630.000đ có “môn đăng hộ đối” không, vì chả thấy nhà trường nói năng gì cả.

HÀ NỘI

Biến ghế thành giường

Từ lâu, vườn hoa ở cuối phố Nhà Chung (Q.Hoàn Kiếm) với nhiều cây xanh mát mẻ đã là nơi nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng của cư dân trong khu vực. Do gần Nhà thờ Lớn nên người nước ngoài qua lại nơi này cũng khá đông. Phiền một nỗi, đây cũng là điểm đến của những người lang thang, hành khất. Họ nhanh chóng biến các ghế đá trong vườn hoa thành cái giường ngả lưng. Cái cảnh người nằm ngủ la liệt giữa vườn hoa trông thật phản cảm. Ta còn quen mắt, chứ Tây trông thấy chỉ biết lắc đầu!

Bảo tàng rác

Tới đây, cả nước sẽ cùng thủ đô kỷ niệm trọng thể 40 năm sự kiện Điện Biên Phủ trên không. Lúc ấy, hồ Hữu Tiệp (Q.Tây Hồ), nơi giữ gìn chứng tích sống là xác chiếc B52 bị bắn rơi giữa làng hoa sẽ trở thành tâm điểm của du khách. Tuy nhiên, lâu nay cái bảo tàng sống này đã trở thành bảo tàng rác. Chung quanh hồ, rác thải và vật liệu xây dựng chiếm hết lối đi. Còn mặt hồ cũng lềnh bềnh đủ loại rác và chuyển sang màu đen vì nước thải sinh hoạt. Mùi hôi thối khiến du khách không còn lòng dạ nào tham quan ngắm cảnh mà chỉ muốn chạy cho nhanh.

TP.HCM

Chảy đi rác ơi!

Đó không chỉ là niềm mong mỏi của cư dân, mà còn là ước nguyện của người qua đường khi nhìn thấy con kênh Tân Hóa (đường Hòa Bình, Q.Tân Phú). Rác ở đây dày đặc đến nỗi không nhìn thấy nước đâu, chỉ thấy chất thải sinh hoạt (ảnh). Do rác chồng lên rác nên rác không thể... chảy nổi. Cũng vì thế mùi xú uế cứ lưu cữu quanh năm, đều đặn phân phát ra môi trường chung quanh. Hiện thời chưa ai rõ bao giờ thì rác “chảy” đi.

cVHYdssg.jpgPhóng to

HẢI PHÒNG

Vỉa hè “nhiệm kỳ”

Phố Quang Trung và Nguyễn Đức Cảnh nằm dọc hai bờ hồ Tam Bạc nên được chính quyền để ý chăm chút cảnh quan. Điều này cũng dễ hiểu, tuy nhiên cứ vài năm thì vỉa hè hai tuyến phố lại bị đào lên lát lại. Các bồn hoa cây cối cũng chỉ được 1 “nhiệm kỳ” là bị thay thế. Tính ra, với 4km vỉa hè này mỗi lần làm mới ngốn vô khối tiền. Dân xót quá!

Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ

Dự án khu dân cư đô thị Tân Thành (An Dương) được khởi công rầm rộ khiến người dân mừng thầm, tin tưởng sớm có nhà mới, đô thị sẽ có khuôn mặt mới. Tuy nhiên sự mừng thầm ấy đã đi vào dĩ vãng. Sau 10 năm khởi công đến nay công trình vẫn bỏ hoang, việc xây cất đáng kể nhất chỉ là... cái cổng. Báo hại cho người dân, do khi san nền lấp hết cống rãnh mương máng nên nay xảy ra tình trạng tù đọng gây hôi thối ô nhiễm môi trường. Trong khi đất dự án bị bỏ hoang thì dân lại không có đất canh tác.

NGHỆ AN

Vi phạm chồng vi phạm

Tuyến đê dọc sông Lam có ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo vệ cũng như ngăn chặn lũ lụt cho các huyện thị Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh... Việc đảm bảo an toàn cho tuyến đê là việc ưu tiên hàng đầu trong mùa mưa lũ. Thế nhưng hiện có nhiều cá nhân, tổ chức đang ngang nhiên lấn chiếm, xâm hại, gây mất an toàn trong công tác phòng hộ. Vi phạm nặng nhất phải kể đến Công ty Bắc Sơn (Hưng Nguyên), khi đơn vị này cho đào các hố lớn ngay sát chân đê để dùng vào việc tuyển quặng. Đáng tiếc là vi phạm này chỉ bị lập biên bản thôi, nên vi phạm cứ chồng vi phạm.

Xập xí xập ngầu

Trước đây trạm thu phí Bến Thủy được xây dựng để thu phí cầu Bến Thủy (bắc qua sông Lam). Sau khi cầu này hết hạn thu phí thì trạm được “tận dụng” làm nơi thu phí cho đường tránh TP.Vinh (theo hình thức BOT). Từ đó bắt đầu xảy ra điều tréo ngoe: Tất cả các ô-tô đi qua cầu Bến Thủy đều phải nộp phí, mặc dù qui định chỉ thu phí cho xe đi vào đường tránh TP.Vinh. Tức cười hơn, trên bảng điện tử của trạm thì mang dòng chữ “thu phí hoàn trả vốn tuyến đường tránh Vinh”, còn ở quầy người ta lại thu phí cầu Bến Thủy! Tình trạng lập lờ này khiến người đi đường bị mất tiền oan, còn doanh nghiệp thì siêu lợi nhuận.

NQKR4x1w.jpgPhóng to
Tuổi Trẻ Cười số 462 ra ngày 15/10/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

THẠCH BÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên