Thông thường các nắp cống được đặt ở mép và ngang với mặt vỉa hè. Vậy mà chả hiểu sao khối hộp bê-tông, nghi là cống này lại nhô cao giữa lối đi bộ (gần ngã tư Hai Bà Trưng - Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM) theo kiểu trái khoáy (ảnh). Không biết “của nổi” đó thuộc về đơn vị nào, nhưng hiện đã thấy rõ việc tác dụng của... bẫy. Còn sự phản cảm thì cũng dễ dàng đập vào mắt mọi người.
![]() |
Cả làng đều điếc
Từ lâu, qui định về chế tài trong sai phạm gây ồn, gây mất trật tự đô thị đã được đặt ra. Song ở TP Cần Thơ thì “chuyện nhỏ như con thỏ”. Bằng chứng là mỗi khi có cửa hàng kinh doanh tổ chức lễ khai trương là đường phố lại náo loạn bởi sự góp mặt của các đoàn lân sư rồng. Còn chuyện cửa hàng mở âm thanh hết vô-lum để quảng cáo kinh doanh đã thành chuyện thường ngày ở huyện. Điều ngạc nhiên là vi phạm công khai thế, nhưng cơ quan chức năng vẫn bình thản như không nghe thấy gì.
Thủy tặc lộng hành
Hàng trăm ngư dân xã Quảng Phước (Quảng Điền) lâm vào cảnh lao đao khi các đầm hồ nuôi thủy sản trên phá Tam Giang của họ bị “thủy tặc” cướp phá trắng trợn. Vào đêm cao điểm, có đến vài chục tên cùng tràn vào dùng vũ khí, xung điện uy hiếp chủ đầm, buộc bà con phải “bỏ của chạy lấy người”. Bọn “thủy tặc” hết sức manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng truy bắt khi biết rõ lực lượng chức năng vừa mỏng vừa thiếu phương tiện hỗ trợ. Sự hoành hành của chúng khiến nhiều gia đình phải bỏ nghề, đi nơi khác kiếm sống. Đã đến lúc phải ra tay quyết liệt để bảo vệ người dân.
Nghiện chặt
Vừa qua, đơn vị quản lý môi trường của TP Kon Tum đã cho đốn chặt hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố. Người dân rất ngạc nhiên khi các cây có 10 năm tuổi này vừa mới ra tán, bắt đầu phát huy vai trò che nắng và cải tạo không khí thì bị chặt bỏ. Được biết, điệp khúc trồng - chặt đã trở thành quen thuộc với bà con. Trước đây từng diễn ra việc chặt hàng loạt cây phượng vĩ để trồng cây hoa sữa. Nhưng rồi mùi hoa sữa quá nồng nặc, người ta lại chặt bỏ hoa sữa, thay bằng cây khác. Nay lại chặt tiếp và cũng chẳng biết việc chặt giữa chừng bao giờ chấm dứt.
Mèo vẫn hoàn mèo
Dọc đường Tân Sơn (P.12, Q.Gò Vấp) từ lâu đã hình thành những điểm mua bán dâm trá hình. Các quán cà phê ôm, cắt tóc thanh nữ, mát-xa mọc cứ như nấm. Về đêm, các nhóm gái mại dâm có phương tiện xe máy đứng đầy đường. Tình trạng này cho thấy có sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng. Điều tức cười là trước đây ở khu vực này có biểu ngữ “Địa bàn đang chuyển hóa tệ nạn xã hội” được treo rất lâu. Chả hiểu theo đánh giá thì tình hình “chuyển hóa” đến đâu mà về sau thấy biểu ngữ được tháo gỡ, chỉ còn sự hiện diện của... tệ nạn. Rốt cuộc mèo vẫn hoàn mèo!
Cò là tất cả
Ở Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM lúc nào cũng có đông bệnh nhân và lúc nào cũng thấy sự hiện diện của “cò”. Người đi khám bệnh xếp hàng từ rất khuya, tầm 3g sáng nhưng vẫn không thể có được số thứ tự nhỏ bởi có sự “can thiệp” của “cò”. Muốn lấy sổ khám bệnh nhanh thì cần có số thứ tự nhỏ, mà muốn có số thứ tự nhỏ thì cần đến “cò”, cứ 150.000đ là xong ngay. Còn muốn siêu âm, X-quang, nội soi, xét nghiệm nhanh thì 250.000đ. Nói chung, muốn nhanh thì phải chịu tốn và nói chung là “cò” kiếm tiền khỏe re. Người bệnh nghĩ về “cò” lại buồn 5 phút!
__________________
Rác tấn công cầu
Không ai nhớ rác bắt đầu được đổ xuống chân cầu Thăng Long khi nào, chỉ biết bây giờ rác ở khu vực dốc phía Bắc cầu đã muốn lút đường. Rác không chỉ tấn công vệ đường mà toàn bộ khu vực gầm cầu cũng được rác “phủ sóng” dày đặc. Lượng rác khổng lồ qua năm tháng tích tụ đã sản sinh ra một loại mùi khó chịu đặc trưng lan tỏa khắp vùng. Người lưu thông qua đây dù đã bịt mũi vẫn không chịu nổi. Bà con mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết cái bô rác đầy ô nhiễm này.
Trên cả quá đáng
Gần một năm nay, ngôi chùa cổ Duệ Tú (Q.Cầu Giấy) đang từ bầu không khí êm ả bị chuyển sang sự huyên náo ồn ào. Ngay sát cổng chùa, bỗng dưng mọc lên một cái chợ tạm. Phông bạt lợp quán giăng san sát, muốn bịt kín lối dẫn vào chùa khiến các phật tử rất phiền lòng. Cư dân cũng bức xúc khó chịu vì cảnh tắc đường mỗi sáng. Khu vườn chùa ngay trước cổng tam quan thì biến thành bãi đậu xe. Quá đáng nhất là lắm khi các xe chở thịt, chở cá dính đầy máu me vẫn được đưa vào khuôn viên nhà chùa một cách vô tư. Nếu nói được thì chắc tượng bụt cũng phải lên tiếng rồi!
Phản hồi
Trên TTC (số 456) có bài “Trạm một bên, bò một bên” phản ảnh tình trạng mất vệ sinh, gây phản cảm do nhốt bò gần trạm y tế phường Lam Sơn (TP. Hưng Yên). Sau khi báo đưa tin, đơn vị chức năng đã cho phá bỏ chuồng bò đặt sai chỗ, trả lại cảnh quan sạch đẹp cho khu vực. Xin hoan nghênh tinh thần tiếp thu của đơn vị quản lý.
Bình An hóa bất an
Cầu Bình An (xã Bình An, Thăng Bình) nằm trên trục giao thông quan trọng của khu vực. Tuy nhiên, hiện cầu đã bị xuống cấp trầm trọng mà không thấy đơn vị nào để ý tới. Thành cầu thì đoạn mất, đoạn còn, mặt cầu thì bị bong tróc sụt lún cả mảng lớn. Đến nỗi người dân phải đặt cành cây để cảnh báo nguy hiểm. Gần đó có cây cầu Hai cũng có “bệnh lý” tương tự và cũng bị bỏ quên từ lâu. Người dân thắc mắc: Biết bao giờ mới hết bất an đây?
“Hoa hậu” cột điện
Từ lâu, trên đường Rặng Xoan (TP Nam Định) có hơn chục cột điện to đùng nối đuôi nhau nằm chình ình gần giữa đường. Người ta có cảm tưởng thành phố dành riêng con đường này để tổ chức cuộc thi “hoa hậu cột điện”. Cái cột nào xứng danh ngôi hậu thì chưa rõ nhưng giải “nguy hiểm nhất” được xác định là... đồng hạng. Bởi cột nào cũng đều có thành tích trong việc gây u đầu cho người đi đường. Người dân hy vọng cuộc thi sớm kết thúc cho bà con đỡ khổ.
Mặt tiền thành tiền mặt
Nhà mặt tiền luôn luôn có lợi thế trong kinh doanh buôn bán nên lúc nào cũng có giá. Bởi thế không ít cơ quan, đơn vị có trụ sở đóng trên các tuyến đường Trần Phú, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai... đã cho thuê mặt bằng làm ki-ốt. Vi phạm nhiều nhất là Sở Công thương, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Sở Tư pháp và Sở GD-ĐT. Mặc dù UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về chấm dứt việc cho thuê và có phương án sử dụng tài sản công đúng mục đích, nhưng mãi vẫn chưa thấy ki-ốt được tháo dỡ. Tìm hiểu mới biết, thì ra các Sở đã trót nhận tiền, trót ký hợp đồng cho thuê dài hạn nên sai phạm cứ “giậm chân tại chỗ”.
Uốn theo chiều ổ
Trong giao thông, có những qui định về đường hai chiều, đường một chiều, còn người tham gia giao thông luôn đi về mé tay phải. Riêng ở Quốc lộ 14 (đoạn gần chợ Duy Hòa, TP Buôn Ma Thuột) thì không cần theo thông lệ này, người và phương tiện cứ tùy hứng, liên tục lượn trái lượn phải. Bất kể xe xuôi hay ngược, xe to hay nhỏ đều biểu diễn màn đánh võng kiểu dích - dắc, trông phát chóng mặt. Thật ra, chẳng phải họ ngang ngược mà tại đường có lắm ổ voi ổ trâu, tay lái buộc phải “uốn theo chiều... ổ”. Tuy nhiên cũng lắm trường hợp “uốn” không khéo đã bị lọt hố. Người ta đã dự tính nâng cấp cho con đường cửa ngõ thành phố này, nhưng việc thi công chỉ là đổ đá rồi... để đó.
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận