Phóng to |
Tuy nghe như than nhưng lại có ý vui. Can có cái tật lớn, không nói, không nghe, không đọc chuyện buồn. Nhất là ngày Tết lại càng không nên ủ dột, vì vậy mà Can kể chuyện vui “Trâu ơi, Cải ơi!” này ăn Tết.
Chuyện kể rằng có một người nhỏ con, cái mặt tức cười, trong làng điện ảnh, y là chuyên gia đóng vai phụ, vai phụ xuyên suốt nhiều chục năm, con người chịu khó này, không ai khác hơn là thằng Mạc Can tôi đây, vui thay.
Cớ sự như vầy: Vào một ngày đẹp trời, thằng tôi liên tiếp được mời vào hai vai chính. Vai chính đàng hoàng nha, của những hai phim, chiếu trên màn ảnh truyền hình, đều được bà con xa gần ngợi khen. Thiệt mà, khen ngợi nội dung phim có ý nghĩa, và diễn xuất tự nhiên.
Đó là phim “Xóm Suối Sâu” và phim “Cải ơi!”. Phim chuyển thể từ hai truyện ngắn “Biển đời mênh mông” và “Cải ơi!” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, khi gửi đi dự thi, phim “Cải ơi!” được giải thưởng ngon lành. Nguyễn Ngọc Tư điện thoại cho “cây bút trẻ” Mạc Can nghe cảm động: “Chú ơi khi viết về ông Tư Đèo cháu nghĩ tới chú, ông Tư Đèo y chang chú. Nhưng cháu không ngờ khi làm phim “Cải ơi!” chú lại được hãng phim chọn đóng vai ông Tư. Cháu coi chú diễn thấy thương, cháu khóc quá trời!”. Nghe cháu nhà văn nói vậy Can cũng mít ướt khóc thút thít như con nít.
Phóng to |
Lâu nay thiệt sự là hiếm thấy ai đóng phim mà trong miệng không có cái răng nào, cười lòi hai cái nướu, coi tức cười như em bé, như là thằng con tui mới 1 tháng tuổi. Nhưng mà trời thương, tổ nghiệp đãi, Can vào vai ông Tư Đèo ngon lành. Bây giờ Can kể chuyện đóng phim “Cải ơi!”, kể bằng chữ cho độc giả Tuổi Trẻ Cười đọc chơi cho vui.
Các bạn biết không, kỳ cục lắm nha, người ta không quay từ A sau đó là B. Mà nhiều khi quay ngược, sau đó vào hậu kỳ lồng tiếng, lồng nhạc mới có trật tự. Đáng lý ông Tư Đèo ăn cắp trâu trước, rồi mới là dẫn hai, ba con trâu xuống sông (thiệt ra không phải sông mà là cái hồ nước) tắm cho tụi nó. Mà kỳ cào chưa, người ta quay cảnh tắm trâu rồi mới quay cảnh đi ăn cắp trâu.
Sáng sớm mù sương còn đầy trên con đường dẫn tới cái hồ nước, cây tre hay đụn rơm cũng nhạt nhòa. Đạo diễn Phương Điền cho quay phim đặt máy cách ông Tư nhà mình chừng 1 cây số. Ông Tư dẫn ba con trâu bự hung dữ, mướn trâu trong lò mổ, dẫn ra cho nó đóng phinh. Máy quay phim đặt gần hơn, tức là trên bờ hồ nước, còn Can tui với ba con trâu đứng dưới nước. Nào giờ Can tui chỉ thấy con trâu trên hình lịch, tranh phong cảnh thôn quê, mục đồng cỡi trâu thổi sáo này nọ, chớ có khi nào đứng gần tắm cho trâu, hay là biết tánh nết nó đâu. Cho nên ông Tư Đèo bị trâu đạp. Đau điếng. Nhưng đạo đức diễn viên không cho phép ngừng diễn. Tư Đèo vẫn diễn tốt nhiều pha, lấy rơm cọ cọ lưng trâu, hồi tưởng nhớ con, lại còn làm duyên xoay ba ông trâu chuyển đội hình.
Xong cảnh diễn, Can tui mới la “ui da”. Và cà nhắc lết lên bờ, mu bàn chân bị trâu đạp tét một đường dài, lúc sau sưng vù như cái mo cau lật úp. Chị chủ nhiệm Chi Phạm lo xức dầu cho Can. Một bác nông dân người địa phương nói: “Cũng may cho chú Can, trâu nó đạp khi chú đứng dưới sình, lún xuống được, chớ còn nếu như trên bờ đất cứng thì cái bàn chân của chú kể như đi đái, chẳng còn lợi cái móng nào. Chú biết đó, nội bộ da của nó cũng 60 ký rồi!”.
Với bàn chân xi cà que bị trâu đạp, và cái miệng móm không có cái răng nào, Can tui chạy cả chục lần trên cánh đồng lúc hoàng hôn, mếu máo khóc kêu: “Cải ơi Cải ơi, tía là Tư Đèo ở xóm cỏ cháy nè con. Con về với má con nha!”. Rồi Can đạp xe đi bán kẹo kéo, giữa chợ buổi trưa, hay đêm khuya ở khu quán bia ôm ngã ba sông cũng kêu “Cải ơi!”. Nhào xuống sông thiệt, chớ không phải cái hồ, lặn lội kiếm con Cải. Lại khóc mếu khi bị người mẫu Bằng Lăng trêu chọc.
Vào đài truyền hình xin nhắn tin kiếm con Cải, làm người hùng tóm cổ thằng cướp giật xe, với hi vọng khi phóng viên quay phóng sự, chiếu lên truyền hình ông Tư Đèo mình sẽ kêu “Cải ơi!” cho rộng đường binh. Rồi ông Tư bị bắt ra xã, thú tội ăn cắp trâu, mà đã (quay cảnh) ăn cắp đâu!
Mỗi sáng Can lên xe tới khắp nơi kiếm con Cải. Bà con trong cái xóm Nhà Thờ, nơi đoàn phim chọn làm nhiều bối cảnh, thương tình ông Tư Đèo là chú Mạc Can lắm lắm, đoàn phim về đêm hôm khuya khoắt, mấy bà già ông già nấu cháo cho tui ăn, còn xào muối hột cho nóng, đựng vô cái khăn chườm chân cho diễn viên điện ảnh kiêm “cây bút trẻ” Mạc Can nữa chớ.
“Cải ơi! Cải ơi!”, còn bây giờ thì “Trâu ơi là trâu!”.
Rồi cũng phải quay tới cảnh ông Tư ăn trộm trâu. Cảnh này quay ban đêm ngay đúng chuồng trâu ở lò mổ trâu thịt. Ông nông dân hôm tui bị trâu đạp lại nói: “Mấy con trâu này là trâu quá đát, nó biết chuyện nó bị mổ cho nên nó dữ lắm, đạp chú là còn may, có bữa nó chạy ra chợ lấy sừng húc người ta nữa đó chú Can!”.
Nhìn... chừng 20 con trâu bự trong cái chuồng mà một hồi nữa Tư Đèo tui - hay đúng hơn là thằng Mạc Can bằng xương bằng thịt này - chun vô, khiến cho tui với ông Tư ớn lạnh, mọc ốc tùm lum. Can tui lui về phía bờ ruộng, chắp tay nhắm mắt khấn vái: “Con tên là Mạt Rệp, làm đủ thứ nghề mà vẫn thiếu nợ, nay con được hãng phim mời đóng phim “Cải ơi!” Chút nữa con sẽ chun vô chuồng trâu ăn cắp trâu. Con chắp tay lạy xin người khuất mày khuất mặt, ông nồi ông Táo, giúp cho con đừng có bị trâu đạp nữa tội nghiệp!”.
Đạo diễn hô lớn: “Máy... diễn!”, ông Tư Đèo chạy chui qua hàng rào, chui vô chuồng trâu. Mạc Can tui làm đúng như vậy đứng giữa bầy trâu, mấy ổng coi bộ bức xúc, nhúc nhích không yên, 20 con trâu bao nhiêu cái cẳng chân ai mà rảnh tính làm chi. Đang run muốn chết, sợ trâu đạp nữa thì khốn, cái bàn chân chưa lành mà!
Tui ngồi thụp xuống, cũng là giữa bầy trâu; cảnh chót chui lên ngay một... cái mông trâu... thì bất ngờ cái đuôi bự còn hơn cây chổi chà quất ngay vào mặt tui một cái “bốp”. Tui nín thinh không hề la ui da, không hề giận, la ui da làm gì, giận làm gì. Cuộc đời của Mạc Can này đâu có thua đời cô Lựu, làm gì cũng không sướng. Ví lại hồi nãy mình khấn vái bị sót, chỉ xin Thổ thần, ông Táo phù hộ cho mình đừng bị trâu đạp chân, chớ có xin không bị đuôi trâu quất vô cái bản mặt đâu. Trâu ơi trâu...!
Tuổi Trẻ Xuân (ra ngày 06-01-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận