“Thưa rằng vẽ nữa là sai/ Kiều đâu có đợi bút ai thêm vào”. |
Thầy rất yêu Truyện Kiều, những giờ giảng văn của thầy đi vào tiềm thức của lũ học trò mới lớn, trở thành ấn tượng khó phai trong nhiều năm tháng về sau. Nhớ nhất là khi giảng Nguyễn Du tả Thúy Kiều xong, thầy hỏi cả lớp: “Như vậy, theo các em, Thúy Kiều đẹp như thế nào?”.
Tất cả nghệch mặt ra, ơ, thì đẹp như... Nguyễn Du đã tả đó. Thầy cười, giảng: “Không có một mẫu Thúy Kiều nào được đóng dấu là chuẩn mực cả, mỗi người đọc Nguyễn Du và sẽ tự hình dung ra một nàng Kiều của mình, riêng của mình thôi”.
Đến chừng lớn lên mới thấy lời thầy dạo nọ có lý. Bởi có lẽ Kiều đẹp trong lòng người cũng như nàng Bạch Tuyết hay cô bé Lọ Lem đẹp trong giấc mơ của các em bé thơ. Mỗi em sẽ mơ thấy một Lọ Lem hay Bạch Tuyết riêng, nhưng chắc chẳng em nào bảo rằng mình vừa nằm mơ thấy Bạch Tuyết xấu cả.
Theo phân tâm học, ấy là cái đẹp đã từ chỗ ngôn từ len vào tiềm thức người tiếp nhận.
Và đó cũng là điểm khác biệt giữa nghệ thuật ngôn từ trong thi ca với màu sắc đường nét trong hội họa. Ngày ấy thầy cũng bảo chẳng ai dại gì vẽ chân dung nàng Kiều: “Vẽ nàng Kiều ra giấy là giết chết nàng Kiều trong thơ”, lời nói ấy có vẻ cực đoan nhưng hữu lý.
Bởi khác với nghệ thuật tả thực trong hội họa, khái niệm “thi trung hữu họa” (hình ảnh trong thơ) là hình ảnh được cảm nhận qua ngôn từ, không có giới hạn. Kiểu như nếu vẽ thác Lư Sơn trong thơ Lý Bạch, chỉ có thể vẽ “nước bay thẳng xuống ba ngàn thước” chứ làm sao vẽ được cái chỗ “tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây”.
Cho nên, những ai yêu và hiểu chữ nghĩa Nguyễn Du, mỗi người sẽ có một nàng Kiều của riêng mình, đủ để tương đắc, cảm thông, đồng điệu...
Có thể đặc biệt như thi sĩ Vũ Hoàng Chương nhận rằng chính hồn xác Thúy Kiều đã nhập vào thân phận của mình: “Xác mới đây còn thân cũ nhớ/ Trời xanh đâu chỉ má hồng ghen”, hay biết bao người thiên hạ đã mượn câu nói của Kiều: “Trong khi chắp cánh liền cành/ mà lòng rẻ rúng đã dành một bên” cho tâm trạng/hoàn cảnh của mình.
Kiều đi vào lời ăn tiếng nói người dân và sống mãi với người Việt qua mấy trăm năm nay cũng nhờ như vậy.
Thế nhưng, vẫn có người vẽ Kiều. Hồi năm 1942, 11 họa sĩ Việt Nam cùng một ý muốn tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều vẽ 11 bức tranh phụ bản cho sách Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du. Những họa sĩ lừng danh như Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Phạm Hầu đã lẩn thẩn cả hay sao?
Thưa không, tranh họ vẽ là vẽ một tình tiết, một phân đoạn, một trạng huống, một tình cảnh... nào đó thôi. Mỗi bức tranh đều có ghi chú cụ thể chủ đề chọn vẽ, như Tô Ngọc Vân vẽ bức “Tú bà ghé lại thong dang dặn dò”, Phạm Hầu vẽ “Dập dìu lá gió cành chim”, Lê Văn Đệ vẽ bức “Thang lang rủ bức trướng hồng tẩm hoa/ rõ màu trong ngọc trắng ngà”, Nguyễn Gia Trí vẽ “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh”...
Nay trở lại câu chuyện Nhã Nam chọn bức tranh của Lê Văn Đệ vẽ Kiều đang tắm để làm bìa quyển Truyện Thúy Kiều (in lại từ nguyên bản hiệu khảo của Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ năm 1927), tại sao lại gây tranh luận ồn ào như vậy? Người ta thấy nàng Kiều của mình đã chết chăng? Hay người ta thấy bìa sách xúc phạm ruột sách?
Phải chăng nhiều người trong chúng ta không đủ sức sở hữu một nàng Kiều trực tiếp từ ngôn ngữ Nguyễn Du, nên mới bận lòng ở hình vẽ này họa sĩ nọ và bỗng cảm thấy tổn thương nếu ông Lê Văn Đệ vẽ không như mình hình dung, ông Nhã Nam in bìa không như mình kỳ vọng?
Rồi đến cả có ý kiến muốn ghép chuyện này vào với khái niệm thuần phong mỹ tục, thì đã thành vẽ chuyện vượt ra ngoài lằn ranh thưởng thức nghệ thuật. Điều ấy rất không nên, và cũng chẳng có ích gì cho việc xây dựng hình ảnh Kiều thông qua việc tiếp nhận nghệ thuật của Nguyễn Du cả.
Cho nên, xin mượn mấy chữ trong tứ thơ của Bùi Giáng để gửi gắm chuyện này: “Thưa rằng vẽ nữa là sai/ Kiều đâu có đợi bút ai thêm vào”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận