02/07/2020 06:34 GMT+7

Tranh cãi quy định 'xóa tư cách chức vụ' người nghỉ hưu

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Về hưu, nghỉ việc đã không còn là "kim bài miễn... trách nhiệm" của các cựu, nguyên cán bộ, công chức.

Tranh cãi quy định xóa tư cách chức vụ người nghỉ hưu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hiến - người đã bị kỷ luật xóa tư cách nguyên tư lệnh Quân chủng Hải quân - Ảnh: TTQS

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, quy định hình thức kỷ luật đối với những người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có vi phạm trong thời gian công tác gồm: khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý vẫn còn băn khoăn, tranh cãi về tính khả thi của quy định này.

Không đạt hiệu quả cao

Thực tế xảy ra nhiều trường hợp cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu bị kỷ luật xóa tư cách "nguyên", do có những vi phạm trong thời gian công tác trước đó. Điển hình như vụ kỷ luật xóa tư cách nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT giai đoạn 2011-2015 đối với ông Nguyễn Thái Lai và ông Bùi Cách Tuyến, kỷ luật xóa tư cách nguyên thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn 2011-2015 và 2016-2017 đối với ông Nguyễn Hồng Trường... 

Hay mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thi hành kỷ luật xóa tư cách nguyên tư lệnh Quân chủng Hải quân đối với ông Nguyễn Văn Hiến.

TS Cao Vũ Minh - phó tổng biên tập tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam - cho rằng trước khi Luật cán bộ công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có hiệu lực, nhiều cán bộ, công chức đã nghỉ hưu bị chế tài. Những quyết định này thỏa mãn nhu cầu của xã hội, đáp ứng yêu cầu chính trị và làm dư luận vừa lòng, nhưng cơ sở pháp lý để xử lý thì vẫn còn thiếu.

Hiện nay, theo quy định của Luật cán bộ công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), có 3 hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. 

Việc xử lý kỷ luật có thể áp dụng đồng thời với trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính. Trong đó, trách nhiệm hình sự, hành chính là trách nhiệm với Nhà nước, trách nhiệm dân sự là với bên bị vi phạm. Còn trách nhiệm kỷ luật là trách nhiệm của công chức đối với cơ quan nhà nước nơi người đó làm việc.

Theo ông Minh, việc đặt ra trách nhiệm kỷ luật đối với công chức là điều hiển nhiên. Nhưng đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu thì những người này không còn là công chức nữa.

"Điều 84 Luật cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định phạm vi điều chỉnh đối với "các nhóm đối tượng khác", nhưng tôi cho rằng luật này nên điều chỉnh đối với cán bộ, công chức chứ không nên áp dụng đối với những người không còn là cán bộ, công chức" - ông Minh nêu.

Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng khi áp dụng chế tài thì phải có giá trị răn đe, giáo dục, trừng trị. Đối với người đương chức thì chế tài gắn liền với chuyện sẽ kéo dài thời gian không được bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, tăng lương... Nhưng đối với người đã nghỉ hưu thì hình thức kỷ luật này không có giá trị.

Đồng thời, ông Minh cho rằng việc đặt ra chế tài xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm là tốt, tuy nhiên dưới góc độ triển khai thi hành thì có vấn đề. Ví dụ ông A là thứ trưởng, hằng năm sẽ được hưởng chế độ nghỉ dưỡng, hưu trí..., nếu bị "xóa tư cách" thứ trưởng thì quyền lợi này không phải là vấn đề lớn. Trong khi một lợi ích quan trọng của ông A là lương hưu, nhưng việc xóa tư cách chức vụ lại không ảnh hưởng tới lương hưu.

Quyết định đã ký còn hiệu lực không?

Một trong những vấn đề nhiều chuyên gia đặt ra là hậu quả pháp lý kéo theo của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Ví dụ trong nhiệm kỳ một công chức đã ký vào nhiều quyết định cá biệt nhưng sau đó vị này bị xóa tư cách chức vụ thì các quyết định này còn hiệu lực pháp lý hay không? Bằng khen, huân huy chương họ được tặng có giá trị pháp lý hay không?

Về vấn đề này, theo TS Cao Vũ Minh, nếu cho rằng huân chương, bằng khen được tặng trên cơ sở chức vụ của công chức thì khi bị xóa tư cách chức vụ nó sẽ không còn hiệu lực. Tương tự, những văn bản, quyết định do người này ký trên cơ sở chức vụ cũng sẽ không còn hiệu lực.

Ngược lại, nếu cho rằng những văn bản, quyết định do công chức ký trên cơ sở chức vụ tại thời điểm ký là hợp pháp và vẫn có giá trị thì những huân chương, bằng khen vẫn sẽ được thừa nhận như một hệ quả tất yếu. Những lợi ích được hưởng từ huân chương, bằng khen, danh hiệu thi đua như tiền thưởng, các chế độ ưu tiên... vẫn sẽ được thực hiện cho dù người đó bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Tương tự, TS Thái Thị Tuyết Dung - Trường ĐH Luật TP.HCM - cũng nêu ra nhiều bất cập trong việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức như: Luật cán bộ, công chức và các văn bản thi hành chưa có quy định về nguyên tắc, hành vi vi phạm, thủ tục để xử lý kỷ luật cán bộ. Luật cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) chỉ nêu các hình thức kỷ luật, còn hành vi vi phạm nào để áp dụng hình thức xử lý, nguyên tắc xử lý thì chưa được quy định.

Bên cạnh đó, theo bà Dung, đối với trường hợp cán bộ, công chức vi phạm, mà trước đó đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm và bị phát hiện cùng lúc thì khi áp dụng nguyên tắc tổng hợp hình thức xử lý kỷ luật sẽ có sự "vênh" nhau giữa công chức, viên chức giữ chức vụ quản lý và công chức, viên chức không giữ chức vụ quản lý.

"Điều này không phù hợp với nguyên tắc công bằng, thậm chí đi ngược lại với nguyên tắc chung là người chức vụ càng cao thì trách nhiệm cũng cần nghiêm khắc hơn" - bà Dung nêu.

Sửa đổi nhưng... vẫn chung chung

Trong hội thảo khoa học về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 30-6, PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp - phó chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - đã nêu 6 điểm mới của Luật cán bộ, công chức (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Cụ thể là: không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; sửa đổi quy định về thu hút trọng dụng nhân tài; quy định về tuyển dụng công chức; đánh giá, xếp loại cán bộ công chức; xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật.

Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp, những sửa đổi, bổ sung đối với Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức tuy đã khắc phục một số bất cập, hạn chế nhưng vẫn mang tính khẩu hiệu, các quy định chung chung. Vấn đề "đưa tinh thần doanh nghiệp vào lĩnh vực công" được nói đến nhiều nhưng không được thể hiện rõ trong luật. Đồng thời, Luật sửa đổi bổ sung Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức cũng chưa có cơ chế pháp lý hữu hiệu trong việc phòng chống tham nhũng.

Đã về hưu có cần xóa tư cách chức vụ không? Đã về hưu có cần xóa tư cách chức vụ không?

TTO - Người đương chức gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng phải xử lý hình sự thì không bị xóa tư cách chức vụ, người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự thì lại bị xóa tư cách chức vụ - điểm bất hợp lý theo phân tích của đại biểu QH.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên