24/06/2021 09:09 GMT+7

Trang trại nông nghiệp nhưng chỉ bán điện

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Thời gian qua, do phát triển quá nóng dẫn đến nhiều sai phạm về đất đai, xây dựng... tại các dự án điện năng lượng mặt trời áp mái ở Đắk Lắk.

Trang trại nông nghiệp nhưng chỉ bán điện - Ảnh 1.

Các trang trại không nuôi con nào, trồng cây gì cả, có chăng là các bịch nấm trồng biểu diễn đã mốc meo - Ảnh: TRUNG TÂN

Tuy nhiên, vì hầu hết các dự án đã bán điện nên Đắk Lắk xin bộ có hướng dẫn để "hợp thức hóa" cho các doanh nghiệp đã "lỡ sai phạm"…

Việc phát triển nóng điện mặt trời áp mái có nhiều đóng góp nhưng cũng nhiều sai sót, lỗ hổng trong việc lập dự án trang trại. Hàng loạt trang trại trồng trọt, chăn nuôi nhưng chỉ để bán điện, chưa nuôi con gì và chưa trồng cây nào… mà chủ yếu để bán điện.

Trang trại "không cây, không con"

Đơn cử, huyện Cư Kuin có 20 trang trại thì tới 15 dự án chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất để được xác nhận là trang trại theo thông tư 02 của Bộ NN&PTNT ngày 28-2-2020. 

Tuy nhiên, bất ngờ là tất cả dự án đều đã đấu nối (14 dự án) và thỏa thuận đấu nối (6 trang trại) với Điện lực (PC) Đắk Lắk. Kể cả dự án của bà Phạm Thị Phong Lan (tại thôn 3, Cư Êwi, Cư Kuin) không đạt tiêu chí để thành lập trang trại vẫn được PC Đắk Lắk "cấp phép". 

Để hợp thức hóa cho các trang trại xây dựng sai quy định, UBND huyện Cư Kuin đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường đưa diện tích đất này vào quy hoạch năm 2021, cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác.

Kiểm tra thực tế một số dự án, Sở NN&PTNT tỉnh còn phát hiện nhiều sai phạm, có dấu hiệu của việc "vẽ" dự án nông nghiệp nhưng chỉ để bán điện. Qua kiểm tra ngẫu nhiên 5 trang trại thì có tới 4 trang trại không trồng trọt, tuy đang thi công nhưng tất cả đã... đấu nối với lưới điện.

Tương tự, tại huyện Buôn Đôn có 21/29 dự án mới có chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác để làm trang trại nhưng đã bán điện hoặc có thỏa thuận đấu nối với PC Đắk Lắk.

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Chương - phó giám đốc PC Đắk Lắk - cho biết theo quyết định số 13 ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ thì đơn vị có 3 nhiệm vụ: tính toán công suất hệ thống để giải tỏa điện năng lượng mặt trời; thỏa thuận đấu nối với khách hàng công suất ở vị trí nào đủ và ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng. 

Các vấn đề liên quan đến pháp lý về đất đai, kết cấu xây dựng và các thứ thì thuộc các sở, ban ngành, địa phương khác…

Ông Chương khẳng định chỉ cần dự án "có mái tôn", đường dây còn công suất là PC Đắk Lắk cho đấu nối. Việc các trang trại chưa đảm bảo về thủ tục, làm trái quy định… là trách nhiệm của các địa phương.

Vẫn phải hợp thức hóa?

Nói thêm về vấn đề này, ông Lưu Văn Khôi - giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk - thừa nhận có rất nhiều bất cập khi việc phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái thả nổi cho công ty điện lực và các địa phương. 

Vì lỗ hổng đó, nhiều dự án chưa hoàn thiện thủ tục làm trang trại, chưa triển khai trồng trọt chăn nuôi theo phương án được phê duyệt nhưng vẫn được PC Đắk Lắk cho đấu điện lên lưới. 

Chưa kể, nhiều công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn, không đúng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được duyệt, làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, an toàn công trình. 

Ngoài ra, việc các địa phương cho "ứng" quỹ đất nông nghiệp để xây dựng trang trại trước rồi xin bổ sung sau dễ phá vỡ quy hoạch tổng thể của từng địa phương, của cả tỉnh.

Tuy nhiên, ông Khôi cho biết trong báo cáo gửi Bộ Công thương, địa phương xin cho phép chủ trang trại, chủ đầu tư khắc phục sai phạm về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy… để tránh tổn thất tài chính đã đầu tư. 

Đồng thời xem xét, có hướng dẫn giải quyết những trường hợp trang trại, công trình (có tồn tại nêu trên) sau thời gian cho phép mà không thực hiện khắc phục để đảm bảo theo quy định.

Theo số liệu của Sở Công thương Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 5.357 hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư (gần 10.000 tỉ đồng) điện năng lượng mặt trời áp mái, tổng công suất lắp đặt hơn 648MWp. 

Trong quý 1-2021, tổng sản lượng điện mặt trời áp mái đã bán lên lưới sau khi đã sử dụng tại chỗ đạt gần 200 triệu kWh, chiếm khoảng 41,4% toàn tỉnh.

Vẽ dự án gần 250 hecta nhưng 5 năm sau chỉ nuôi… vài chục con bò Vẽ dự án gần 250 hecta nhưng 5 năm sau chỉ nuôi… vài chục con bò

TTO - Được cấp gần 250 hecta để làm dự án chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt nhưng sau hơn 5 năm, trang trại của Doanh nghiệp tư nhân Gia Hân chỉ nuôi... vài chục con bò.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên