Trang thiết bị y tế: Là “cục vàng” hay quả... lựu đạn?!
![]() |
TTCN - PGS.TS Trương Văn Việt - Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy- đã thẳng thắn nhận xét một cách dí dỏm: trang thiết bị y tế (TTBYT) có thể là “cục vàng” hay “quả lựu đạn”. Vì sao?
Ông nói: “TTBYT là thước đo mức hiện đại của một cơ sở, trình độ y học một quốc gia. TTBYT là cánh tay vươn xa, mở rộng tầm nhìn cho các nhà khoa học. TTBYT còn là cơ chế thị trường tạo ra nguồn kinh phí để nâng cao dịch vụ y tế, từ đó mới có điều kiện giúp bệnh nhân (BN) nghèo hưởng kỹ thuật cao, nâng cao đời sống CBNV, uy tín thương hiệu, hòa nhập với thế giới, và TTBYT còn để... rửa nhục.
Tôi xin nhấn mạnh điểm rửa nhục, bởi trước đây mình nghèo quá nên phải dấm dúi nhau từng cây kim sợi chỉ, BV nào có một thiết bị thì giữ lấy không cho đơn vị khác sử dụng, vừa hạn chế phục vụ, vừa tạo uy tín giả. Khi quan hệ với nước ngoài thì mình cứ nghĩ là người ta sẽ cho cái gì? Luôn luôn ở tư thế... “cái bang”. Chuyên gia nước ngoài đến thăm thấy chúng ta nghèo quá nên rất nhiệt tình cho chúng ta thiết bị thừa, lạc hậu và thậm chí là khuyên chúng ta hãy sử dụng, hãy mua thiết bị lạc hậu. Tủi phận lắm! Đây cũng là nỗi trăn trở - xúc phạm lòng tự trọng của các nhà khoa học.
TTBYT là con đường thoát nghèo, dốt, lạc hậu... Khi chúng ta mạnh dạn đầu tư, đào tạo cán bộ, nâng chất lượng phục vụ thì họ nhìn mình bằng con mắt khác, và chúng ta có tiếng nói riêng, tạo cơ hội cho quan hệ song phương với các trung tâm mạnh trên thế giới.
* Nhưng mặt trái của TTBYT hiện cũng lắm vấn đề?
- Đúng vậy. Đó là:1/ Lãng phí do thiếu hiểu biết để sử dụng. 2/ Lạm dụng trong chỉ định dẫn đến lãng phí kinh phí nhà nước và tiêu tốn tiền của BN. 3/ Ở nhiều nơi TTBYT là ngọn lửa thiêu đốt thời gian “vàng” của người bệnh. Tôi ví dụ: BN bị chấn thương sọ não thay vì không làm được thì phải chuyển đi ngay hoặc mời tuyến trên xuống, nhưng nay do đơn vị đã sắm máy CT nên... giữ BN lại cả giờ đồng hồ để chụp cho có hình rồi chuyển.
Dù chuyển theo cả phim lên tuyến trên nhưng không sử dụng được do tính kỹ thuật như yếu tố thời gian và các yêu cầu khác. 4/ TTBYT còn là chỗ để bác sĩ giấu dốt, lánh nặng tìm nhẹ, đùn đẩy BN. Không biết thì cứ cho chiếu, cho chụp, cho nội soi, cho làm một lô xét nghiệm...
![]() |
Chụp cộng hưởng từ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy |
* Chuyện nhập và sử dụng TTBYT thế nào cho hiệu quả khi hiện nay gần như thả nổi, có BV cứ mua về trùm mền cũng không sao?
- Thực trạng TTBYT rất đa dạng về chủng loại, chất lượng, về giá cả, mức độ hiện đại và cả về tính tương quan giữa các thiết bị. Quản lý nhà nước về TTBYT ở mọi quốc gia đều có qui định cấp nào. Trong mua sắm TTBYT nhiều khi rất dễ với BV tư nhân nhưng lại rất khó khăn đối với BV nhà nước, phải qua rất nhiều thủ tục, nhưng sau đó khai thác có hiệu quả hay không thì không ai kiểm tra.
Không chỉ lãng phí tiền bạc mà còn tác hại về chất lượng điều trị, hay nói khác đi là sinh mạng người bệnh. Ngay cả thiết bị chuẩn mà thế giới còn đặt vấn đề, huống chi là thiết bị không chuẩn. Ví dụ trên thế giới người ta yêu cầu an toàn bức xạ với rất nhiều thiết bị sử dụng chụp bằng tia, như chụp CT, X-quang, phóng xạ... yêu cầu phải theo dõi tác hại trên BN 10 - 15 năm, thậm chí 20 năm, còn ở ta thì chưa quan tâm.
* Nước ngoài sau một thời gian sử dụng họ cho vô nghĩa địa TTBYT thì ta lại mua về hoặc nhận viện trợ. Điều đáng nói là sử dụng thiết bị này nhưng vẫn thu giá cao như thiết bị hiện đại mới 100%. Giá cả thả nổi nên người bệnh bị thiệt mà không thể nào biết được.
- Thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng, ở nước ngoài đã loại bỏ mà ta mang về thường rơi vào những trạng thái: 1/ Lạc hậu về dãy kỹ thuật mà ở nước đó không còn chấp nhận nữa. Đáng lẽ họ phải trả tiền cho chúng ta mang về dùng, đằng này chúng ta phải mang ơn quà tặng biếu, thậm chí bán lại cho chúng ta. Đó là nỗi tủi nhục. 2/ Thiết bị không còn phù hợp, không còn an toàn cho môi trường và cho BN mà luật pháp nước đó qui định phải loại bỏ. 3/ Thiết bị lỗ, do những dãy kỹ thuật khác mới ra đời làm cho nó ế.
Đứng về cả ba góc độ đó, nếu chúng ta dùng TTBYT cũ thì đừng hi vọng tiên tiến được, mà chỉ là tạm thời giống như “mì ăn liền”. Do đó TTBYT còn là thước đo tấm lòng, tài năng cán bộ quản lý. Cái tâm ở đây là đừng bán mắc và đánh lừa, dụ dỗ BN trong dịch vụ y tế.
* Nhưng nếu TTBYT quá cũ, sai số có ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, sinh mạng người bệnh. Làm thế nào để sớm chấn chỉnh tình trạng này?
- TTBYT có thể là “cục vàng” mà cũng có thể là “quả lựu đạn”. Xu thế hiện nay là ai cũng chạy theo đầu tư TTBYT. Vấn đề bức bách đặt ra là tấm lòng, cái tâm và tài năng cán bộ quản lý. Một lần tại hội nghị về ung thư, chuyên gia nước ngoài đứng lên khuyên “VN nên phát triển máy Cobalt”. Tôi hỏi lại: “Vậy ở đất nước ông còn mấy máy Cobalt?”. Ông ta đáp “Chúng tôi đang loại bỏ dần”. Thế tại sao ông bảo chúng tôi mua?
Người ta xúi mình đi mua rác của họ mà mình còn phải mang ơn! Nhưng TTBYT hiện đại mà thiếu người có khả năng khai thác thì cũng chỉ là... đống sắt vụn!
* Xin cảm ơn bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận