Sáng 3-1, tại trụ sở Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, quận 3) diễn ra tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Trang Thế Hy.
Chương trình do Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre tổ chức nhân 100 năm ngày sinh của nhà văn Trang Thế Hy (1924-2024).
Người bào chế thuốc giảm đau trong văn chương Nam Bộ
Theo chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân, mặc dù đồng nghiệp, công chúng không còn thấy bóng dáng gầy gò, trầm tư của Trang Thế Hy trên cõi đời (ông mất năm 2015) nhưng tác phẩm và nhân cách của ông vẫn là câu chuyện được nhắc nhiều trong những buổi sinh hoạt văn chương.
Trang Thế Hy viết không nhiều nhưng cả đời luôn tận tụy và nghiêm cẩn với từng con chữ mình viết ra, để có thể làm một "người bào chế thuốc giảm đau" bằng chữ nghĩa.
Ông có khoảng 50 truyện ngắn, 20 bài thơ và bốn tiểu thuyết được in nhiều kỳ trên nhật báo.
"Có thể nói, 15 năm sau ngày đất nước thống nhất là khoảng thời gian chín muồi trong sự nghiệp viết văn của Trang Thế Hy với một loạt truyện ngắn tạo được ấn tượng mạnh mẽ như: Mưa ấm, Nợ nước mắt, Nghệ thuật làm bố dượng, Về nhà trước cơn mưa, Tiếng hát và tiếng khóc, Vết thương thứ 13…
Với quan niệm "trong cao hứng phóng bút, phải nghiêm cẩn tự dặn dò mình đừng bao giờ tùy tiện bịa đặt", ông chủ động hướng tác phẩm của mình về phía những số phận lam lũ và yếu thế mà ông xác định cần bênh vực" - nhà văn Bích Ngân nhận định.
ThS Nguyễn Hồng Anh chia sẻ khi bàn về nghệ thuật, Trang Thế Hy có phần nghi ngờ phạm trù "cái đẹp cứu rỗi thế giới" của đại văn hào Nga Dostoevsky:
"Tôi nhường cho người khác chiêm ngưỡng về lời tiên tri đầy tính nhân bản của ông Đốt. Đương nhiên đó là một ước vọng tuyệt đẹp. Cho đến nay, cái thời của thần tượng sụp đổ, hy vọng biến thành ảo vọng, nó vẫn cứ còn là điểm tựa của số đông người đau khổ".
Và nhà văn Nam Bộ này khẳng định: "Trong y học, khi thuốc giảm đau gây tác hại thì đó là lỗi của người sử dụng, chứ không phải lỗi của người bào chế. Trong nghệ thuật, người nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về bào chế phẩm của mình".
Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn
Theo TS Hà Thanh Vân, trong mỹ học cổ điển Nhật Bản có khái niệm "wabi-sabi" để chỉ những vẻ đẹp của sự bất toàn, nhỏ nhoi, đời thường, không hoàn hảo.
Văn chương của Trang Thế Hy cũng tìm kiếm và thể hiện những điều như vậy:
"Ông tìm vẻ đẹp trong những số phận đời thường, những mảnh ghép không hoàn hảo khiến người đọc xúc động.
Văn chương Trang Thế Hy rất khác Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo… Ông tạo ra cho mình một quan niệm, phong cách sáng tác riêng".
ThS Đoàn Thị Nhung nói không khó để chỉ ra rất nhiều từ ngữ đời thường trong các tác phẩm của ông như: kỳ vậy cà, thí cô hồn, dễ ngươi, ba sồn ba sực...
"Ngôn ngữ ấy tạo nên giọng điệu tự nhiên, thoải mái như chính tính cách con người Nam Bộ trong tác giả.
Không hoa mỹ, rườm rà, dài dòng, người kể chuyện cứ thoải mái kể hết những gì mình muốn kể, chân chất như nó vốn có trong cuộc đời này".
Và đến tận cùng, Trang Thế Hy luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm của người cầm bút.
Nhà văn Bích Ngân dẫn chứng trong truyện ngắn Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn, ông xây dựng hình ảnh nhân vật Tư Chơi với câu nói: "Tuổi già của tôi lạnh lẽo thật, nhưng tôi không muốn sưởi ấm bằng hào quang của người khác".
"Qua đó, Trang Thế Hy gửi gắm thông điệp: Khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để những người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo".
Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh. Ông được xem là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của văn chương Nam Bộ nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
Ông từng đoạt Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) với truyện ngắn Anh Thơm râu rồng; được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát, giải thưởng loại A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2001 với tập truyện Nợ nước mắt…
Sáng 15-1, Hội Nhà văn TP.HCM sẽ truy tặng Giải thưởng Cống hiến cho nhà văn Trang Thế Hy tại buổi tổng kết hoạt động và trao giải thưởng văn học năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận