01/10/2008 18:49 GMT+7

Tráng lệ nhà hát Opera Dresden - Semperoper

Bài và ảnh: NAM VINH - VI BẰNG
Bài và ảnh: NAM VINH - VI BẰNG

TTO - Dresden (Đức), thành phố nơi tôi đang sinh sống và làm việc, vẫn thường được so sánh với Firenze nổi tiếng của nước Ý. Cái tên thật nên thơ Elbflorenz - Firenze bên dòng sông Elbe - gợi cho du khách cảm giác đang ở một thành phố có chiều dày văn hóa, lâu đời và đa dạng.

Một thuở Dresden nổi tiếng khắp năm châu là thành phố của văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc. Sau đợt rải thảm bom của quân đồng minh (Anh và Mỹ) trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trung tâm Dresden mà điển hình là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà Frauenkirche, lâu đài Residenzschloss, cung vua Zwinger và nhà hát Semperoper chỉ còn lại một đống đổ nát. Với nỗ lực không mệt mỏi họ đã xây dựng và tu sửa lại những công trình trọng yếu để thành phố có lại một phần hào nhoáng thời hoàng kim.

Ngày nay Dresden lại có tất cả bốn danh lam thắng cảnh kể trên, trong đó nhà hát Opera mang tên kiến trúc sư tài hoa Gottfried Semper là một trong những công trình thu hút khách du lịch đông nhất. Những danh lam thắng cảnh ấy làm nên một phần lớn sức hấp dẫn của thành phố với du khách đến từ khắp năm châu.

xaLaMIqh.jpgPhóng to
Semperoper trên quảng trườngTheaterplatz

Năm 1838, nhà hát opera đầu tiên được xây dựng theo thiết kế và dưới sự chỉ đạo của Gottfried Semper. Sau khi nhà hát này bị cháy (1869) nhà hát opera thứ hai được xây dựng từ năm 1871-1878 cũng theo thiết kế trên nhưng vì đã tham gia một cuộc bạo động vào năm 1848, ông không được quay lại Dresden nên con trai ông Manfred Semper 0là người trực tiếp chỉ đạo công trình. Kết quả thành phố có một nhà hát nổi tiếng thế giới với kiến trúc hài hòa, độc đáo và âm thanh tuyệt hảo.

vU5frshD.jpgPhóng to
Bích họa
MmJDKAaP.jpg
Màn che sân khấu biểu diễn

Semperoper Dresden có một lịch sử khá thăng trầm. Nhiều vở nhạc kịch nổi tiếng được công diễn lần đầu ở đây và đi vào lịch sử, nhưng nó cũng phải chịu đựng những ngày tháng đen tối. Trong trận rải thảm bom của không quân Anh và Mỹ vào đêm 13-2-1945, toàn bộ nhà hát bị biến thành một đống tro bụi, ngoài phần tường bên ngoài.

Với những cố gắng lớn lao và nhiều tiền của, ngày 13-2-1985, đúng sau 40 năm ngày bị phá hủy, nhà hát này đã được hồi sinh và công diễn buổi đầu tiên với vở opera Der Freischütz của Carl Maria von Weber, vở nhạc kịch được diễn lần cuối cùng trước khi nhà hát bị bom Anh và Mỹ phá hủy.

Semperoper một thời là nơi tụ họp của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng. Richard Wagner và Carl-Maria von Weber là 2 trong số nhiều giám đốc nổi tiếng của nhà hát này. Tại đây nhiều vở nhạc kịch của 2 nhà soạn nhạc nói trên cũng như của các nhà soạn nhạc vĩ đại như Mozart, Puccini, Verdi hay Rossini được công diễn với sự đón nhận nồng nhiệt của khán thính giả. Họ là những người một phần đưa danh tiếng của nhà hát cũng như của thành phố Dresden tới mọi nơi trên thế giới.

ezIsjR7T.jpgPhóng to
Các tầng ghế

Nhà hát được xây dựng theo lối kiến trúc Phục hưng (Renaissance), gồm ba tầng, trong đó tầng ba hơi sâu vào phía trong tạo một phong cách khác hẳn với những nhà hát opera thuở ấy như ở Berlin hay Munich.

Phía trước có hình cánh cung dài 84m, hai bên cổng chính vào nhà hát là tượng của Goethe và Schiller - hai cây đại thụ của nền văn học và thi ca nước Đức, phía hai bên là tượng của Shakespeare, Sophokles, Molière và Euripides, đây là những tượng còn sót lại từ công trình nhà hát đầu tiên. Hai bên cánh gà trên mái của tầng hai là tượng những nhân vật trong các vở kịch, tiểu thuyết nổi tiếng. Trên cổng chính là Panther-Quadriga thể hiện thần Dionysos và Ariadne đang cưỡi 4 con sư tử.

jEhedjJP.jpgPhóng to
Nhà hát Opera và nhà thờ Hofkirche in bóng xuống sông Elbe

Nhiều người ao ước được thưởng thức xem biểu diễn ở Semperoper không chỉ vì sự hấp dẫn và tính nghệ thuật cao của các vở diễn, mà còn được chiêm ngưỡng sự lộng lẫy ở bên trong nhà hát.

Bước vào cửa nhà hát khán giả sẽ thấy một hành lang hoành tráng với mái trần được vẽ cầu kỳ và những chùm đèn pha lê tỏa ánh sáng long lanh diệu kỳ. Leo lên tầng hai trên những cầu thang trải thảm đỏ ta cứ ngỡ như đang được bước chân trên thảm đỏ của Hollywood mỗi dịp trao giải Oscar. Sự lộng lẫy của nhà hát được tăng lên gấp bội qua những cột đá hoa cương (giả hoa cương như thật) mầu bích ngọc và những bức họa được vẽ trên tường và trên trần. Phía trên các cửa dẫn vào phòng biểu diễn là tên của các nhà soạn nhạc hay nhà văn nhà thơ nổi tiếng với những vở kịch trứ danh của họ.

Trong hành lang của tầng hai khán giả có thể thưởng thức champagne trước khi vào xem hoặc trong giờ giải lao giữa các màn diễn. Không khí ở đây khá trang trọng. Bước vào trong phòng diễn lần đầu tiên tôi đã choáng ngợp trước vẻ đẹp và độ lớn của nó. Có tất cả 4 tầng dành cho khán giả với 1.300 chỗ ngồi, mỗi tầng phía ngoài bancông là những chùm đèn làm tăng thêm sự lộng lẫy của nó.

Chính giữa trên tầng 2 đối diện với sân khấu là nơi thuở xưa vua quan cận thần ngồi xem được trang trí với 2 bức trướng như lọng vua, muốn ngồi đây xem khán giả ngày nay phải bỏ một khoản tiền tương đối lớn (90-100 euro/vé).

SJrpWZyZ.jpgPhóng to
Trần nhà và cột đá hoa cương

Sân khấu với màn che bằng nhung được dệt với một bức họa sang trọng cũng là tiêu điểm của phòng biểu diễn, phía dưới là nơi dàn nhạc giao hưởng chơi nhạc. Vòm trần với chân dung của các nhà thơ và nhà soạn nhạc nổi tiếng cùng với chùm đèn chính với hàng trăm ngọn đèn hình nến sáng lung linh càng làm tăng thêm sự lộng lẫy và hoành tráng của nhà hát.

Nhưng có lẽ trên tất cả, âm thanh của nhà hát mới thật sự tuyệt hảo, nó được đánh giá còn tốt hơn cả âm thanh của nhà hát hàng đầu Scala ở Milano và đây là bí quyết tạo nên một phần danh tiếng của nhà hát ở Dresden. Đó là công lao lớn của kiến trúc sư Gottfried Semper, người đã xây dựng khá nhiều công trình kiến trúc ở Dresden, Vienna, Munich... nhưng chỉ có Semperoper mới là công trình nổi tiếng nhất, và người ta đã lấy tên Semperoper đặt cho nhà hát để vinh danh ông cho muôn đời sau.

Dno2DxT1.jpgPhóng to
Hội hóa trang trước nhà hát Semperoper

Đến thăm Dresden nên kết hợp vào Semperoper để xem một buổi biểu diễn nhạc kịch với các tác phẩm nổi tiếng của Mozart, Beethoven, Wagner, Weber, Rossini, Verdi, Puccini, Strauss, Smetana...

Ngoài nhạc kịch du khách có thể xem balê của Đoàn ca múa balê Dresden với những vở balê nổi tiếng như Kép hạt dẻ, Cô bé lọ lem... Đây cũng là nơi lưu diễn của các đoàn ca múa nhạc nổi tiếng của Nga, Pháp, Tây Ban Nha... với những vở diễn tuyệt diệu như Hồ thiên nga, Bolero. Dàn nhạc giao hưởng của thành phố (Sächsische Staatskapelle Dresden) với lịch sử trên 450 năm luôn là phần không thể thiếu được trong những buổi biểu diễn của nhà hát này.

Đến Dresden, nếu không mua được vé vào xem một buổi biểu diễn ở đây thì bạn hãy mua vé tham quan ban ngày để vào bên trong thưởng thức vẻ đẹp hiếm có của một trong những nhà hát nổi tiếng nhất thế giới.

Bài và ảnh: NAM VINH - VI BẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên