07/07/2008 07:20 GMT+7

Tráng ca 307 - Kỳ 4: Tay mềm mại bút hoa

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Khi chúng tôi tìm hiểu về những người lính rất tài hoa của 307, câu thơ rất hay của nhà thơ Huy Cận cứ láy đi láy lại: "Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa". Câu thơ như vận vào từng người lính của tiểu đoàn vang tiếng.

Rf2Tu7J9.jpgPhóng to

Paven Việt Nam Phạm Hồng Sơn - nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 307 (thời kỳ 1952-1954) - Ảnh tư liệu

TT - Khi chúng tôi tìm hiểu về những người lính rất tài hoa của 307, câu thơ rất hay của nhà thơ Huy Cận cứ láy đi láy lại: "Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa". Câu thơ như vận vào từng người lính của tiểu đoàn vang tiếng.

Kỳ 1: Bài hát máu thịt Kỳ 2: Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi Kỳ 3: Một người Nga ở 307

Phim tài liệu: Tiểu đoàn 307

Paven Việt Nam

Thép đã tôi thế đấy đã một thời là sách gối đầu giường của thanh niên Việt Nam, không chỉ vì nội dung tư tưởng và hình ảnh của nhân vật Paven Coocsaghin lấp lánh trong cuộc chiến tranh vệ quốc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà còn vì ý chí và nghị lực của bản thân tác giả Nicolai Ostrovski đã vượt qua bóng tối mù lòa để thực hiện ước mơ trở thành nhà văn.

Đầu những năm 1960, ở Hà Nội có một người được mệnh danh là Paven Việt Nam, trở thành tấm gương sống động của "thép đã tôi" trong mắt bao chiến sĩ, thanh niên thời ấy: dịch giả Phạm Hồng Sơn, 13 năm nằm nghiêng trên giường bệnh, tự học tiếng Nga và dịch sách. Trước đó, anh là thương binh hạng 1, liệt nửa thân dưới, hai chân teo quắt. Trước đó nữa, anh là tiểu đoàn trưởng anh dũng thứ ba của tiểu đoàn 307.

Quê gốc Hà Tây, Phạm Hồng Sơn theo học trường của Pháp ở Hà Nội. Đang học dở dang khoa luật thì anh tự nguyện theo "đường kách mệnh", tham gia giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Anh vào bộ đội, theo học trường quân chính và trở thành một trong những sĩ quan trẻ của Bộ Tổng tham mưu được cử vào Nam bộ. Năm 1952, anh được bầu làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 307.

Trong hai năm, Phạm Hồng Sơn đã chỉ huy 307 đánh những trận nổi tiếng như Bảy Ngàn (Cần Thơ), An Xuyên, Nhị Nguyệt (Cà Mau), An Biên (Kiên Giang), làm tan rã các tiểu đoàn đối phương, chiếm đồn, mở rộng vùng giải phóng, phối hợp nhịp nhàng với chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận truy quét tại Long Châu Hà tháng 7-1954 là trận đánh cuối cùng của tiểu đoàn 307. Quân đối phương đã chạy xa, thỉnh thoảng quay lại bắn vu vơ những loạt đạn mà các chiến sĩ 307 gọi là đạn mồ côi.

Một viên đạn mồ côi ấy trúng vào tiểu đoàn trưởng đang dẫn đầu đoàn quân truy kích, ác nghiệt nằm lại trong cột sống của anh. Hai ngày sau, lệnh đình chiến được ký. Phạm Hồng Sơn được đưa lên chuyến máy bay đầu tiên ra Hà Nội. Anh được cứu sống nhưng lại bị cột chặt vào giường bệnh.

DUMjdvyO.jpgPhóng to

Nhà văn Trần Kim Trắc: “Đề tài 307 ngay trước mắt, tôi chỉ việc ghi lại” - Ảnh: THANH ĐẠM

Trong hồi ký của mình, Phạm Hồng Sơn gọi những ngày ấy là "vực thẳm của một cuộc sống tàn tạ, một cơn hấp hối kéo dài đầy dằn vặt". Khao khát được tiếp tục chiến đấu cho công cuộc giải phóng đất nước không còn có thể thực hiện, ước mơ dạy học cũng không thành, anh chủ động tìm cho mình một con đường mới. “Tôi còn có thể học, đọc, viết, dịch truyện cũng là một cách đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đã có vốn văn hóa, ngoại ngữ Anh, Pháp, anh lại lao vào tự học một trong những ngoại ngữ khó nhất: tiếng Nga.

Nằm nghiêng trên một chiếc đệm bông, màn phủ kín, một tay cầm miếng bìa cứng để kê giấy, tay kia cầm bút viết, từ điển để một bên, đắp chiếc khăn mặt ướt vào ngày hè oi bức hay cái chăn len ngày đông rét buốt, Phạm Hồng Sơn viết "mỗi ngày chín mười giờ, có khi 12, 13 giờ".

Nắm được tiếng Nga rồi, anh mượn sách thư viện về đọc và học dịch, bắt đầu từ truyện, kịch thiếu nhi. . “Tôi chọn những truyện mình rung cảm hơn cả, trân trọng gọt giũa từng chữ, từng câu”, sau đó là những ngày mong ngóng câu trả lời từ nhà xuất bản. NXB từ chối khéo, anh biết mình dịch chưa tốt, lại tìm kiếm những bản dịch của người khác về đối chiếu, học tập rồi tiếp tục. Anh viết trong hồi ký: “Đối với người khác, dăm bảy chục trang dịch có lẽ chẳng ý nghĩa gì, nhưng với tôi đó là một chân trời hy vọng. nó mở ra một con đường chiếm lĩnh trận địa mới, tiếp tục cuộc chiến đấu bỏ dở”.

Năm 1959, Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản cuốn Lời hứa danh dự, tác giả L.Panteleev, dịch giả Phạm Hồng Sơn. Anh liên lạc đến các nhà xuất bản Quân đội Nhân Dân, Văn Học, Văn Hóa; anh lao vào dịch với khí thế hăm hở chưa từng có. Anh viết “Tôi mong ước bạn đọc tiếp thu được khí thế hừng hực trên các công trường, nhà máy của đất nước Xô viết. Tôi ước mong các đồng đội của tôi trên con đường tiến lên quân đội chính qui sẽ rút được kinh nghiệm về tác phong lãnh đạo và chỉ huy của các sĩ quan Hồng quân Liên Xô. Chút lao động bé nhỏ đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc lớn lao của con người: được mang sức mình đóng góp cho xã hội”.

Cho đến lúc qua đời năm 1966, Phạm Hồng Sơn để lại hàng chục bản dịch đã xuất bản: Lời hứa danh dự, Mặt trời trên thảo nguyên, Những mẩu chuyện về Tsapaep, Vài ngày, Đội dự bị của tướng Panphilôp, Khuất Nguyên, Ngày và đêm, Suối thép, Viết dưới giá treo cổ

Cuộc sống 307 đã là câu chuyện hay

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 307 trưởng thành sau này có ba người là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 10 người mang cấp tướng, 103 cấp tá, 47 cấp úy; 19 bác sĩ (năm bệnh viện trưởng), 13 kỹ sư, cử nhân kinh tế; chín nhà văn, điêu khắc, điện ảnh, soạn giả; năm bí thư, chủ tịch quận huyện; 10 hiệu trưởng, hiệu phó trường nghiệp vụ; ba tổng, phó tổng giám đốc và 43 giám đốc, phó giám đốc công ty, xí nghiệp, nông trường.

(Thống kê chưa đầy đủ của Ban liên lạc Tiểu đoàn 307)

Sống như Phạm Hồng Sơn quả là đã sống suốt đời với khí thế 307. Những đồng đội của anh cũng không khác. Nguyễn Hải, từ ngày là chiến sĩ vũ trang tuyên truyền, chuyên trình bày tờ báo in bằng bản đá (litho) của 307 cho đến khi đã là một điêu khắc gia hàng đầu Việt Nam vẫn luôn xốc tới, thổi hồn anh dũng từ chính mình và đồng đội vào những tượng đài: Đài tưởng niệm hòa bình, Mẹ Tổ quốc, Ba chiến sĩ gang thép, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Văn Trỗi, Thánh Gióng... Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đồng lớn nhất Việt Nam, là công trình ông đã nghiền ngẫm bắt tay vào từ những ngày đầu ra Bắc tập kết, đước sống trong môi trường thấm đẫm hào khí chiến thắng. Nay đã bước vào tuổi 80, sức đã yếu, bệnh đã nặng nhưng Nguyễn Hải vẫn làm việc không ngừng và vẫn ấp ủ một tượng đài với hình ảnh hào hùng vượt sóng Cửu Long của chiến sĩ 307.

Vì sức khỏe, rẽ bước từ một sĩ quan trực tiếp chiến đấu sang học nghề điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp say sưa cả đời với nghiệp làm phim tài liệu lịch sử. Ba tập phim về những năm tháng hào hùng của 307 đã được nguyên đại đội trưởng bộ binh tiểu đoàn 307 này thực hiện, nhưng những câu chuyện 60 năm về trước vẫn cứ trở đi trở lại trong ông. "Bản thân cuộc sống của chúng tôi ngày ấy đã là một kịch bản hay, rất hay, như câu chuyện của Thành Nga, và cả hình ảnh vượt sông của tiểu đoàn mà tôi còn chưa tái hiện được thì hẳn nhiên là vẫn chưa dứt nợ" - ông Nghiệp bộc bạch. Và ngày kỷ niệm 60 năm của 307 ông phải lỗi hẹn với anh em, lại rong ruổi trên đường làm phim để tiếp tục những dự định dang dở.

Nhà văn Trần Kim Trắc thì đã dành phần lớn tác phẩm của mình để thể hiện hình ảnh anh bộ đội 307 anh hùng mà rất đời thường, rất "dễ thương" như cách nói của ông. "Đề tài ngay trước mắt, ngay trên thềm nhà, tôi chỉ việc ghi lại", như câu chuyện về anh hùng Nguyễn Thành Út khi còn là một tiểu đội trưởng đã chạy ngược lại đường rút quân trong lửa đạn, vừa bắn vừa mò mẫm tìm cho vị tiểu đoàn phó cái kính bất ly thân vừa rơi xuống đám ruộng sình. Bên cạnh cái sâu sắc của trải nghiệm, văn Trần Kim Trắc hôm nay vẫn trẻ như những câu chuyện nhỏ ông viết trên bản tin của tiểu đoàn 60 năm trước...

Tiếng 307 vẫn còn vang là như thế.

_____________________

Sau 60 năm kể từ buổi xuất quân hôm ấy, các thế hệ của tiểu đoàn 307 gặp lại nhau, gặp lại những người dân đã cưu mang, gặp lại những ký ức nơi chiến trường xưa… Với nhiều người, có thể đây là lần hội ngộ sau cùng.

Kỳ cuối: 60 năm về lại Cửu Long Giang

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên