![]() |
"Buổi xuất quân năm ấy/Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng..." - Ảnh tư liệu của Ban điện ảnh khu 8 |
Hơn 1.000 chiến sĩ từ các đại đội địa phương tập trung về đã hoàn tất khóa huấn luyện, hàng ngũ chỉnh tề, súng trên tay và mã tấu trên lưng, sẵn sàng đứng vào đơn vị chủ lực của toàn khu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ "yếu hơn đối phương ở toàn trận địa, nhưng phải mạnh hơn đối phương ở mỗi trận đánh". Và họ thề: gắn bó với cuộc chiến đấu cho đến ngày độc lập - quyết tử.
Tiếc gì máu rơi
Các thế hệ chiến sĩ của tiểu đoàn 307 không bao giờ quên câu chuyện về Tạ Văn Bang. Ngay lần công đồn đầu tiên, trận Mộc Hóa, quân đối phương rút chạy, xả đạn lại phía sau như vãi trấu, Bang lao lên truy kích. Viên đạn trúng cườm tay trái anh, xương thịt dập nát, máu tuôn dầm dề. Tiếng kèn gọi xung phong vang lộng, Bang như không biết đau, vẫn lao lên theo hiệu lệnh nhưng bàn tay trái lại treo lủng lẳng. Anh gọi một đồng đội đến bảo cắt giúp cho đỡ vướng. Những người lính dạn dày chinh chiến run tay, quay mặt đi. Bang rút mã tấu, khuỵu xuống đặt bàn tay trái trên mặt đất, nghiến răng... Tay phải của anh chặt bàn tay trái đứt phăng. Bang lại tiếp tục xông lên phía trước, ôm tiểu liên bằng một tay. Sau này, trong đại đội trinh sát của 307, Bang thoăn thoắt chèo xuồng một tay, ngang dọc điều nghiên địa bàn.
"Yếu hơn đối phương ở toàn trận địa, nhưng phải mạnh hơn đối phương ở mỗi trận đánh" |
Cũng trong trận này, 307 đã mất người tiểu đoàn trưởng đầu tiên. Sau khi bị đánh tơi bời đến không bám được vào bờ kênh Xáng tại chùa Ô Môi, quân Pháp rút ra hướng kênh Xà Tư. Không để chúng thoát, tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa tiếp tục chỉ huy đơn vị chặn đường rút của đối phương. Giữa trận đánh xáp lá cà ác liệt, anh hạ quyết tâm: "Tôi cùng các đồng chí quyết tử phen này". Trận ấy 307 diệt được gần 400 tên địch nhưng người tiểu đoàn trưởng anh dũng hi sinh.
Và lịch sử 307 còn ghi tên một chiến sĩ đặc biệt: em Nguyễn Văn Xe. Khi gặp bộ đội 307 hành quân đến Trà Vinh đánh đồn Bắc Xa Ma, mở màn chiến dịch Cầu Kè, Xe nằng nặc xin được đi theo, góp sức hạ đồn địch đã đóng bao lâu trên quê nhà em. Chưa biết bắn súng, chưa biết cầm mã tấu, Xe xin các anh cho được cầm cờ để cắm khi chiếm lô cốt. Cậu bé cầm cờ đỏ sao vàng phất phới chạy trong trận địa, vượt ào lên trước khi có hiệu lệnh xung phong. Đạn bay đến, máu em đã thấm cho cờ thêm đỏ, cho quyết tâm của các anh thêm sục sôi. Xe hi sinh ở tuổi 13 với một ngày tuổi quân duy nhất.
Lòng son, dạ sắt, gan vàng
![]() |
Sau một trận công đồn của tiểu đoàn 307 - Ảnh tư liệu của Ban điện ảnh khu 8 |
Bảy năm chiến đấu, quân số của 307 luôn duy trì dao động 1.200-1.500 người, nhưng số quân được phát ra lên tới hơn 3.000. "Một số luân chuyển sang các đơn vị bạn, còn lại thì hi sinh...", những cựu binh của 307 chùng xuống khi nhắc tới những con số.
Nhà văn Trần Kim Trắc trầm ngâm: "Chiến tranh, đổ máu, hi sinh là chuyện tất yếu. Nhớ về những ngày ấy, tôi muốn nhắc đến một sự hi sinh khác cũng không kém phần khốc liệt: hi sinh tuổi thanh xuân. Ngày ấy chúng tôi là những thanh niên mười tám, đôi mươi, còn tinh tướng, nghịch ngợm, sức trẻ phơi phới, lại ở giữa vùng gạo trắng nước trong, được bà con thương yêu quí mến, thế mà phải khép mình trong kỷ luật, phải rèn cho mình lòng son, dạ sắt, gan vàng".
Và phần lớn tác phẩm của Trần Kim Trắc là "viết để mọi người thương anh bộ đội hơn" từ những câu chuyện thật ở tiểu đoàn 307. Là mấy buổi cả tiểu đoàn "ngay lưng nghe kiểm thảo công tác dân vận" sau khi trót nhận mỗi người một trái khóm của cô gái có lòng thơm thảo mời các anh giải khát giữa đường hành quân. Là anh lính trẻ phải nhận kỷ luật sau một lần lỡ hẹn hò với con gái ông chủ nhà, mặc cảm không dám nhìn bạn bè, để rồi ngay buổi chiều hôm đó anh đã phải trở về trên một chiếc cáng thương...
Người chiến sĩ hi sinh cuối cùng của tiểu đoàn ngay trước ngày hiệp định đình chiến được ký kết là Ru. Đau xót như chưa bao giờ phải tiếp nhận sự hi sinh, anh em soạn balô của Ru, chỉ có một bộ quần áo, một cuộn thừng, một mẩu bút chì và một cái bọc gói thật kỹ. Mở ra là một cái ấm độc ẩm và cái chén hạt mít bằng đất nung.
Mọi người nhớ trận đánh đồn Bảy Ngàn cách đó đã hai năm, sau khi tiếp quản Ru bị kiểm điểm vì tội "xâm phạm chiến lợi phẩm" chính là bộ ấm chén nhỏ xíu trong nhà viên đồn trưởng. Ru nhận lỗi rồi rơi nước mắt kể về những ngày thơ ấu, hai cha con anh cùng đi ở đợ giữ trâu cho ông hội đồng. Nhìn ông chủ ngồi trên sập gụ uống trà sau mỗi bữa cơm, cha anh thở dài: "Biết khi nào cha mới được thảnh thơi, ngồi uống chén trà như ông hội đồng". Ru đã từ chuồng trâu đi thẳng vào bộ đội, và chưa khi nào quên ước mơ nhỏ bé của cha mình. Sau lửa đạn đánh đồn, khói tan, anh nhìn thấy bộ ấm chén và chợt bùng lên ý muốn được lấy nó...
Sau buổi kiểm điểm, chính trị viên đã giao cho Ru bộ ấm chén, và nó vẫn nguyên vẹn dưới đáy balô cho đến khi anh hi sinh. Các đồng đội của Ru đã tìm về tận Cà Mau để giao bộ ấm chén cho người cha già, và mấy chục năm sau này nó vẫn yên vị trên tủ thờ như một vật gia bảo của gia đình anh.
Người chiến sĩ 307 ngày ấy là như thế. Như đại tá Nguyễn Thành Út, nguyên là chiến sĩ 307, được phong Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1956, cười vui kể lại câu chuyện đã khiến ông chậm được kết nạp Đảng: "Thấy tôi chiến đấu cũng khá, thành tích cũng nhiều, được phong là anh hùng xung kích, thủ trưởng xuống hỏi: độc lập rồi về làm gì mày? Tôi trả lời: Độc lập rồi chắc cũng phải tính chuyện vợ con, rồi về quê kiếm miếng đất trồng khóm, nuôi cá, vậy thôi anh Hai!".
____________________
Cuối năm 1951, tiểu đoàn 307 thành lập thêm một đại đội trợ chiến, chuyên sử dụng súng lớn để phá thành, bắn tàu và máy bay. Trong số chiến sĩ được tuyển chọn để hình thành đại đội này, có một ông Tây cao 1,9m, nói tiếng Nam bộ.
Kỳ tới: Một người Nga ở 307
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận