04/07/2008 07:08 GMT+7

Tráng ca 307 - Kỳ 1: Bài hát máu thịt

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy...”, lời ca hùng tráng đã 60 năm rộn rã thúc giục người nghe tiến lên phía trước, bao năm qua vẫn còn là lời ca quen thuộc với rất nhiều người.

FPiy6GZs.jpgPhóng to
Lễ xuất quân Tiểu đoàn 307 ngày 5-7-1948 tại căn cứ Giồng Luông, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre - Ảnh tư liệu trích từ phim của ban Điện ảnh Khu 8.
TT - “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy...”, lời ca hùng tráng đã 60 năm rộn rã thúc giục người nghe tiến lên phía trước, bao năm qua vẫn còn là lời ca quen thuộc với rất nhiều người.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Ngày 5-7 này, những cựu binh năm xưa hội tụ về. Họ cùng nhớ lại một buổi chiều 60 năm trước, cùng xuất quân bước vào trận địa với tấm lòng sắt son.

Chúng tôi bắt đầu những câu chuyện về tiểu đoàn 307 anh hùng bằng ca khúc bất hủ Tiểu đoàn 307. Trở thành một trong 13 ca khúc được đưa vào quân lệnh "quân đội phải thuộc", ca từ và điệu nhạc hùng tráng đã đưa "tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy" vang xa, vang mãi.

Tài hoa hội tụ

OydtyYnf.jpgPhóng to
NSND Quốc Hương - người đã chắp cánh cho ca khúc Tiểu đoàn 307 đi vào lịch sử. Ảnh chụp lại từ tư liệu của bà Nguyễn Lê Thu An

Bất ngờ thú vị đầu tiên là khi phát hiện những ca từ mạnh mẽ, chân chất đúng kiểu đồng bằng sông Cửu Long ấy lại là của Nguyễn Bính, cái tên luôn gắn liền với những vần thơ đậm chất trữ tình, ý nhị của đồng bằng Bắc bộ. Có lẽ những chiến công hiển hách liên tiếp của tiểu đoàn bộ đội chủ lực đầu tiên của miền Nam đã tác động mạnh khiến nhà thơ hương đồng gió nội phải tạm xa vị chân quê.

Nhịp đi nhanh, mạnh của những câu thơ trong bài Cửu Long Giang: "Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa, vang tiếng đồn với trận La Bang/ Lưỡi gươm vung với cánh tay sắt/ Đầu giặc rụng/ Nổ súng đồng, đồn giặc vỡ tan" thật lạ so với nhịp dìu dặt lục bát hoa cau vườn trầu, nhưng lại rất quen thuộc với nhịp hành quân, công đồn của các chiến sĩ tiểu đoàn 307 và với khí chất hào hùng của những năm kháng chiến chống Pháp.

Bài thơ được đăng trên báo Tổ Quốc của Khu 8, và một nghệ sĩ khác đã bắt được đúng nhịp tim đập mạnh của các chiến sĩ tiểu đoàn 307 khi đọc bài thơ viết về mình: Nguyễn Hữu Trí - một nhạc sĩ Công giáo lúc đó đang là phó ban quân nhạc Khu 8. Và bài thơ Cửu Long Giang đã được thăng hoa thành tráng ca Tiểu đoàn 307. Trước đó, Nguyễn Hữu Trí đã từng phổ nhạc bài thơ Phá đường của Tố Hữu, Ba người chiến sĩ năm 40…

Năm 1948, Khu ủy, Bộ tư lệnh Khu 8 quyết định thành lập tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên, gọi là "tiểu đoàn liên quân lưu động" để có thể đương đầu với lực lượng đối phương. Sau khi tập trung huấn luyện, ngày 5-7-1948 làm lễ xuất quân lấy phiên hiệu là tiểu đoàn 307.

Cho đến ngày ký Hiệp định Gèneve 7-1954, tiểu đoàn 307 đã đánh 110 trận lớn nhỏ, đạt những thành tích đặc biệt xuất sắc. Tiểu đoàn 307 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2006.

Sau 1954, không tập kết ra Bắc được, ông về quê vợ ở Bạc Liêu dạy học và dạy nhạc. Bị đặt trong danh sách theo dõi, đề phòng của chính quyền Sài Gòn, ông không công bố thêm sáng tác nào nữa từ đó. Đến 1978 trở bệnh nặng, tất cả tài sản, ruộng đất đội nón ra đi để lo tiền thuốc, ông mới gửi một lá thư về Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM đề nghị cho nhận nhuận bút ca khúc Tiểu đoàn 307. Nguyễn Hữu Trí qua đời năm 1979, chưa bao giờ nói gì về những nốt nhạc mình đã chọn, nhưng các thế hệ chiến sĩ 307 thì không bao giờ quên cảm ơn ông đã chọn nền nhạc cho Tiểu đoàn 307 chính là điệu kèn xung phong: Lá lá/ Đô là đô fá - Lẻ bảy/Tiểu đoàn lẻ bảy...

Thêm một nghệ sĩ nữa được lịch sử chọn để chắp cánh cho ca khúc Tiểu đoàn 307 bay thẳng vào lịch sử: ca sĩ Quốc Hương. Nói như bà Nguyễn Lê Thu An - vợ ca sĩ Quốc Hương, Quốc Hương nhập hồn vào từng từ, từng nốt của Tiểu đoàn 307 và ngược lại, khí chất lạc quan, hào hùng, anh dũng của ca khúc cũng nhập vào ông. Từ ngày 1-10-1950, khi bài hát được phát lần đầu trên Đài Tiếng nói VN Nam bộ kháng chiến cho đến cuối đời, mọi người bắt đầu gọi ca sĩ Quốc Hương là "ông 307".

Tâm ý của ba người nghệ sĩ tài hoa hội tụ, hòa quyện và ca khúc Tiểu đoàn 307 vút cao, truyền lửa, dẫn đầu toàn quân đã gần 60 năm.

Từ máu thịt trở về máu thịt

NWuUGHFt.jpgPhóng to
Một tiểu đội của tiểu đoàn 307. Ảnh tư liệu trích từ phim của ban Điện ảnh Khu 8

Và tiểu đoàn 307 không chỉ có một bản hòa ca tuyệt vời mà hình ảnh những trận công đồn Mộc Hóa, La Bang, Cầu Kè của 307 còn được ghi lại trong những thước phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh kháng chiến miền Nam. Đạo diễn Mai Lộc vẫn nhớ như in nỗi hồi hộp khi một anh quay phim trẻ như ông lại được ngồi dự nghe bộ tư lệnh bàn chiến thuật công đồn.

Phim Trận Mộc Hóa của Mai Lộc chỉ dài 15 phút nhưng khắc họa được rõ nét toàn trận đánh từ phục kích, xung phong, bắn, bắt tù binh... Buổi chiếu đầu tiên bên kênh Dương Văn Dương với hội trường lợp cỏ đưng, xuồng ba lá ken đầy, tiếng vỗ tay vang dội, quân dân nức lòng và những hình ảnh hào hùng của kháng chiến cứ thế lan xa.

Nhà văn Trần Kim Trắc, nguyên là cán bộ chính trị của 307, kể: "Một buổi chiều tôi đi công tác về gặp Nguyễn Hữu Trí. Anh gọi tôi ra bờ kênh, cầm cây violon, kéo vài nốt nhạc và cất lời: Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy… Lập tức tôi nghe như là máu thịt của mình".

Đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp, nguyên là trung đội trưởng của 307, xuýt xoa mãi rằng bao năm theo nghiệp phim ảnh mà ông vẫn còn một món nợ với đồng đội, với chính mình: chưa tái hiện được hình ảnh tiểu đoàn 307 vượt sông với hàng trăm chiếc ghe tam bản dàn hàng ngang lao vun vút trên sóng bạc đầu. "Hùng vĩ, hoành tráng, sóng trào nước xoáy là đó, niềm tự hào của anh em 307. Là tiểu đoàn lưu động duy nhất hoạt động suốt dọc sáu tỉnh nên chỉ 307 mới có điều kiện di chuyển, vượt qua các cửa sông, nhánh sông. Nhà thơ Nguyễn Bính, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí đã bắt được hình ảnh thần thái nhất của 307", ông Nghiệp nói.

Tiểu đoàn 307 vừa ra đời đã vang tiếng "đánh đâu được đấy", không chỉ vì sự mưu trí trong chiến thuật, gan dạ trong tấn công, mà còn rất hào sảng khi luôn công đồn với tiếng kèn xung trận. Tiểu đoàn có cả một đội kèn đồng clairon chia đều ra các đại đội. Nghe tiếng kèn vang trên đồng trống, "bao nhiêu quân Pháp run rẩy sợ hãi" biết 307 đã đến rồi. Sau khi ca khúc Tiểu đoàn 307 ra đời, giai điệu "lẻ bảy/ tiểu đoàn lẻ bảy" nổi lên giữa trận đánh lại càng giục lòng chiến sĩ...

---------------------------------

Chiều tối 5-7-1948, hơn 1.000 chiến sĩ từ các đại đội địa phương tập trung về sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ “yếu hơn đối phương ở toàn trận địa nhưng phải mạnh hơn đối phương ở mỗi trận đánh”. Một lời thề được hô vang.

Kỳ tới:Chiến sĩ tiếc gì máu rơi

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên