![]() |
Giờ tan trường cũng là thời điểm bọn trấn lột học sinh bắt đầu ra tay |
Một màn xét hỏi và lục soát diễn ra chớp nhoáng. Băng choai choai biến đi như độn thổ, bỏ lại hai học sinh áo quần, cặp sách xộc xệch bám đầy cỏ may, dấu giày và những cái túi trống rỗng. Đoạn “phim hành động” kiểu xã hội đen này diễn ra tại công viên cạnh Trường Tô Hoàng...
“Làm thịt” những “con gà”
Một ngày học trước kỳ nghỉ tết năm vừa rồi, Thanh Hương - học sinh lớp 4 Trường tiểu học Trưng Vương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - đạp xe về nhà thì bị một hội các “chú” choai choai tóc nhuộm, miệng bịt khẩu trang vẫy vào ngõ: “Cháu ơi cháu, mẹ cháu bảo chú ra đây đón cháu!”. Tưởng thật, Hương đạp xe vào ngõ thì cả hội xông vào giật xe đạp tuyên bố... trấn lột. Các “chú” choai choai còn sờ lên cổ Hương để giật nốt sợi dây chuyền nhưng cháu chạy được.
Ở Trường THCS Cát Linh, quận Đống Đa, nạn trấn cướp lại diễn ra ngang nhiên ngay trước cổng trường. “Đầu gấu” là các đàn anh lớp 7, lớp 8 đã bỏ học. Đối tượng trấn lột của đám này là học sinh nhỏ, những “con gà” đã được bố mẹ tin tưởng cho mang theo tiền ăn sáng, uống nước và tiêu vặt. Mỗi buổi sáng, hội này ngồi tại cổng trường “soi” mặt “gà”, thấy đứa nào có “thu nhập” là cả hội quây lại thu tiền theo ngày, mỗi ngày 3.000-5000 đồng trong số tiền ăn sáng, nếu nộp thì được yên thân, không nộp bị dọa... tụt quần trước mặt bạn gái.
Các “con gà” sợ mất hồn nên cống nộp đều đặn. Chỉ đến khi Công an phường Cát Linh vào cuộc, sau thời gian mật phục đã bắt được trọn băng trấn lột “tuổi áo trắng” này thì nạn trấn cướp tại Trường Cát Linh mới dịu đi. Ở trụ sở công an, chúng khai rất ngây ngô và không hề biết tác hại việc mình làm. Vì chưa đến tuổi đi trại, công an cho viết bản kiểm điểm và yêu cầu bố mẹ bảo lãnh cho về.
Cách đây chục năm, trấn hay cướp tiền của học sinh nói chung gọi là “xin đểu”. “Đầu gấu” khi đó phần lớn chưa bỏ học. Mỗi trường, mỗi khu vực quanh trường thường nổi lên những băng nhóm đã “thành danh” và có quan hệ với nhau. Tuy nhiên, nếu xét về tính “xương máu”, tính “chiến đấu” thì thời kỳ này là “vô địch”. Các băng nhóm đầy rẫy kiếm, mã tấu, dao phay sẵn sàng rút ra “phệt” bất kỳ lúc nào.
Sau này, “đầu gấu” chìm xuống và nhường cho “tổ lái” con nhà giàu nổi lên, việc trấn cướp chuyển sang một công nghệ mới: “đầu gấu” có thể là những dân chơi thời thượng; có điện thoại di động, xe máy đẹp, kể cả người yêu. Cách hành xử lại mang phong cách xã hội đen trên phim ảnh hơn là bị ảnh hưởng bởi tính anh chị, giang hồ của thế hệ trước để lại. Đặc biệt, thời gian gần đây còn nổi lên những băng nữ quái và xuất hiện hiện tượng băng nhóm kéo từ trường này sang trường khác “xử” nhau. “Đồ đạc” lúc này có thể là một ca nước cống, một đôi guốc đế nhọn, thậm chí là một lưỡi dao lam kẹp sẵn trong tay để “vuốt má” nhau.
Cổng trường không yên tĩnh
Trường THCS Chương Dương ở gần “bãi” Phúc Tân nổi tiếng về tệ nạn xã hội. Những ngày này, dư luận địa phương và học sinh nhà trường đang xôn xao về những vụ trấn cướp liên tiếp xảy ra. Dọc con đường bên trường, san sát quán cóc bán quà vặt cho học sinh, thấp thoáng những gương mặt trẻ nổi mụn, tóc nhuộm vàng, tai xâu khuyên, thuốc lá phì phèo và nói chuyện rất “xã hội”.
Trong sân trường, khi một số lớp đang học bài thì một nhóm học sinh chụm lại xem thông báo của Công an quận Hoàn Kiếm. Ngoài thông báo có dán ảnh hai đối tượng mới bị công an bắt, trông mặt mũi trẻ con nhưng hung tợn, đôi mắt thâm sì.
Đó là Phạm Ngọc Sơn (sinh 1987, trú tại số 9/95 Bạch Đằng) và Lê Hữu Hoàn (trú tại 1A ngõ 53 Bạch Đằng) đã tham gia ba vụ cướp giật dây chuyền táo bạo chưa từng có: ngày 14 và 15-3 chúng cướp hai dây chuyền bạc của một nhóm học sinh đang đá cầu ngay trước cổng UBND phường Chương Dương; ngày 18-3 cả hai lại cướp một dây chuyền bạc của một học sinh cách cổng trường chưa đầy 100m; ngày 20-3 chúng lại gây nên một vụ cướp dây chuyền của ba học sinh khác.
Các học sinh hoang mang sợ sệt đến mức Công an quận Hoàn Kiếm gửi thông báo về trường để tìm người bị nạn thì cũng mới chỉ một vụ có người dám đứng ra nhận. Người bảo vệ nói: “Thường chúng nó trấn xong rồi các em cũng không dám nói vì sợ báo thù”.
Khi chúng tôi đến Trường tiểu học Tân Mai, một nhóm học sinh đang hồn nhiên đá bóng trước cổng trường. Khỏe khoắn, vô tư và trong sáng. Cách đó không xa, một nhóm phụ huynh khác đang phục kích thì thầm. Anh Hùng, phụ huynh cháu Tuấn, kể: “Cháu dạo này về nhà có vẻ sợ sệt, lo lắng. Nó xin rất nhiều tiền không biết để làm gì. Tôi gạn hỏi gì nó cũng không nói. Đến khi bạn nó bảo nó bị trấn tiền thì nó mới chịu kể. Tôi đang rình xem thằng nào trấn để cho một trận rồi lôi ra công an”.
Tuấn, con anh Hùng, kể là bị một nhóm hay ngồi trước cổng trường chặn đường khi đi học về. Nhóm này dọa nếu không nộp tiền đều đều sẽ bị... bắt giun đất thả vào mồm. Quanh khu vực Trường Tân Mai, từ năm ngoái đã nổi lên một đối tượng tên Tuấn, mắt ti hí, mặt quắt, tóc nhuộm vàng, chuyên gia trấn tiền học sinh và nghiện ma túy. Đến khi công an bắt, cho tên Tuấn đi cai nghiện nhưng cai xong Tuấn lại về, hiện đang quanh quẩn khu vực này mặc dù nhà ở tận đường Giải Phóng.
Cổng trường học Hà Nội đang không yên tĩnh. Các em học sinh sợ sệt. Các bậc phụ huynh lo âu. Ảnh hưởng của các vụ trấn cướp không chỉ dừng lại chuyện tiền bạc mà còn làm tổn thương đến tâm lý, danh dự và môi trường học hành của những chủ nhân đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận