01/11/2007 17:46 GMT+7

Tràn dịch tinh mạc - dị tật bẩm sinh ở bé nam

BS CKI  PHẠM NAM VIỆT
BS CKI  PHẠM NAM VIỆT

TTO - Cháu là con trai, lúc nhỏ trong lúc đùa giỡn 1 bạn sơ ý đá vào "của quý" của cháu. Khi đi khám bác sĩ cho thuốc uống và dặn khi lớn nên đi cắt cái dây gì trong đó.

Năm nay cháu 15 tuổi mà mà bộp phận sinh dục của nhỏ hơn các bạn khác rất nhiều, hầu như là không phát triển. Xin cho cháu hỏi cháu bị gì và điều trị như thế nào? (Dinh)

Trả lời của phòng mạch online:

- Theo như những thông tin mà em cung cấp thì em có hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là lúc nhỏ bộ phận sinh dục của em bị “chảy nước” sau khi bị “bạn sơ ý đá vào” và bác sĩ lúc đó nói em có “cái dây gì trong đó” mà “lớn nên đi cắt”. Vấn đề thứ hai là em đã 15 tuổi rồi mà “của quý” “nhỏ hơn các bạn rất nhiều hầu như là không phát triển”.

Về vấn đề thứ nhất, có lẽ lúc nhỏ lúc nhỏ em đã bị tràn dịch tinh mạc, đây là một dị tật bẩm sinh. Ở các bé trai lúc còn nằm trong bụng mẹ, tinh hoàn còn nằm trong ổ bụng. Qua quá trình phát triển của bào thai, tinh hoàn di chuyển dần xuống bìu.

Trong quá trình đi từ ổ bụng xuống bìu, tinh hoàn kéo theo nếp phúc mạc (là lớp màng lót bên trong ổ bụng) tạo thành túi thông giữa ổ bụng và bìu. Bình thường túi này bít lại sau khi sinh, nhưng nếu vì lý do nào đó túi này không bít lại được (gọi là tồn tại ống phúc tinh mạc) sẽ dẫn đến 1 trong 3 bệnh lý đó là thoát vị bẹn, tràn dịch tinh mạc và nang thừng tinh.

Một số trường hợp tràn dịch tinh mạc và nang thừng tinh có thể tự hết trước 2 tuổi. Thoát vị bẹn thì không thể tự hết được và có thể có biến chứng nghẹt. Vì vậy, thoát vị bẹn cần được mổ càng sớm càng tốt, còn tràn dịch tinh mạc và nang thừng tinh thường được phẫu thuật sau 2 tuổi.

Nguyên tắc phẫu thuật 3 bệnh lý trên giống nhau đó là cột ống phúc tinh mạc, làm mất túi thông giữa ổ bụng và bìu. Có lẽ vì em bị tràn dịch tinh mạc nên có hiện tượng như em kể là “nó bị chảy nước”, và “cái dây” mà bác sĩ lúc đó dặn “khi lớn nên đi cắt” chính là ống phúc tinh mạc mà chúng tôi đã nói ở trên.

Zm1vuJvd.jpgPhóng to
Đo thể tích tinh hoàn bằng thước đo tinh hoàn Prader.
Về vấn đề thứ hai thì cần kiểm tra xem tinh hoàn của em thể tích bao nhiêu, có nhỏ không, em đã có xuất hiện những đặc tính giới thứ phát chưa như mọc lông ở cơ quan sinh dục, mọc râu, giọng nói trầm.... Ở con trai, nếu sau 14 tuổi mà thể tích tinh hoàn nhỏ hơn 4ml là dậy thì muộn. Dậy thì muộn có nhiều nguyên nhân, có thể do yếu tố gia đình, chậm phát triển thể tạng, suy tuyến sinh dục, suy tuyến yên, bất thường về nhiễm sắc thể…

Một số trường hợp bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng, stress, tập luyện hoặc lao động quá sức cũng có thể gây dậy thì muộn. Tùy theo nguyên nhân dậy thì muộn mà có các phương pháp điều trị khác nhau.

Tóm lại, trường hợp của em cần đi khám tại các bệnh viện có phòng khám nam khoa hoặc tiết niệu. Bác sĩ sẽ khám bìu, tinh hoàn cũng như đánh giá tổng quát. Một số trường hợp, chỉ qua thăm khám bác sĩ có thể rút ra kết luận là em có bệnh gì hay không. Đôi khi, chỉ là do em lo lắng thôi chứ “của quý” của em cũng “không đến nỗi nào”. Nhưng cũng có thể bác sĩ cần cho em làm thêm siêu âm bìu, làm xét nghiệm để chẩn đoán và điều trị.

Hy vọng rằng sau khi khám và trị bệnh, “của quý” của em “phát triển” “bằng bạn bằng bè” và em yên tâm học hành.

Thân mến.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

BS CKI  PHẠM NAM VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên