Phóng to |
Tiffany Nguyễn (phải) và Wijesuriya lên lưới để tự giải quyết tình huống tranh cãi - Ảnh: T.P. |
Trong trận tứ kết đơn nữ giữa tay vợt Việt kiều Mỹ Tiffany Nguyễn thắng Rukshikia Wijesuriya (Sri Lanka) 2-1 trên sân trung tâm sáng 17-1, thật bất ngờ khi trận đấu không có trọng tài lẫn người nhặt bóng. Hai tay vợt phải tự nhặt bóng thi đấu nếu bóng nằm trên phần sân của mình.
Sau khi để thua ván đầu, quyết tâm gỡ hòa của Tiffany (hạt giống số 1) khiến không khí trận đấu trở nên căng thẳng. Tiffany và Wijesuriya nhiều lần bất đồng về điểm bóng rơi trong sân hay ra ngoài. Tuy nhiên, mọi khúc mắc đều được giải quyết khi cả hai bước lên gần lưới và trao đổi với nhau.
Rèn tính tự giác
Ông Trần Quốc Phong - HLV cấp 2 Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) và trọng tài cấp 1 ITF - cho biết: “Những giải trẻ chủ yếu giúp các tay vợt nhí được cọ xát phát triển tài năng, đồng thời rèn luyện cho các em tính tự giác và trách nhiệm. Do đó, dù ITF không quy định bằng văn bản nhưng hầu hết giải trẻ thế giới đều không có trọng tài và người nhặt bóng trên sân”.
Ông Phong nói thêm: “VĐV phải tự sắp xếp mọi công việc của mình như ký tên rồi nhận bóng từ bàn trọng tài, hai tay vợt thỏa thuận thời gian khởi động, nghỉ ngơi trong trận, tự nhặt bóng... và quan trọng nhất là phải tự quyết định kết quả trong từng pha bóng. Khi trận đấu kết thúc, người thắng cuộc có nhiệm vụ gom bóng lại trả ban tổ chức và báo kết quả với ban trọng tài. Điều này buộc các tay vợt phải quan sát đường bóng mình đánh ra, điểm bóng rơi. Nếu họ không phát hiện được lỗi của đối phương thì trận đấu vẫn tiếp tục bình thường. Đó chính là cách học hiệu quả nhất bởi các tay vợt thấy được ưu - khuyết điểm của mình”.
Trường hợp họ không tự quyết được kết quả thì giám sát mới đứng ra giải quyết. Tay vợt nào bị phát hiện không trung thực sẽ bị ghi vào “sổ bìa đen”. ITF cho phép giám sát phủ quyết ý kiến của VĐV từng bị phát hiện “ăn gian” trong những lần tranh cãi sau nếu không có bằng chứng rõ ràng.
Việt Nam vô địch cả bốn nội dung Ngày 19-1, Giải quần vợt vô địch U-14 châu Á, nhóm II năm 2013 (giải 1) đã kết thúc tại CLB quần vợt Phú Thọ (TP.HCM) với chiến thắng tuyệt đối của các tay vợt chủ nhà Việt Nam ở cả bốn nội dung: đơn nam (Nguyễn Đắc Tiến), đơn nữ (Nguyễn Linh Tiffany), đôi nam (Nguyễn Đắc Tiến/Lê Phước Đẳng) và đôi nữ (Nguyễn Linh Tiffany/Nguyễn Thu Phương). |
Cũng từ việc không có trọng tài trên sân đã xảy ra nhiều câu chuyện vui. Chẳng hạn sau khi Phan Bảo Linh thua 0-2 trước Serena Madanayake (Sri Lanka) ở vòng 1 đơn nữ, phụ huynh của Bảo Linh mới chỉ ra Bảo Linh hai lần “tự thua”... vì nhớ lộn tỉ số. Hay nhiều người đã ôm bụng cười ngất trong trận đấu giữa Trần Thụy Thanh Trúc với Enkhucharal Zoltugs (Mông Cổ) ở vòng 2 đơn nữ vì hai tay vợt không nhớ được tỉ số và cũng không biết tiếng Anh để hiểu nhau.
Tranh cãi đầu tiên xảy ra ở loạt tie-break khi tỉ số đang là 4-0, 4-4 (thi đấu theo thể thức đánh 3 ván (4) thắng 2), Thanh Trúc cho rằng mình đã thắng với tỉ số 7-1 nhưng Zoltugs nói chỉ mới 6-1. Giám sát quyết định tỉ số là 6-1. Trở lại thi đấu, Thanh Trúc thắng một điểm được giám sát cho thắng trận. Hơn 30 phút sau, phụ huynh của Thanh Trúc báo giám sát rằng trận đấu vẫn đang tiếp tục vì Zoltugs không chịu thua vì... không hiểu tiếng Anh. Thanh Trúc không thể bỏ đi khi đối thủ không chịu thua. Thế là trong suốt thời gian đó, hai tay vợt cứ luân phiên đánh hết bàn này đến bàn kia mà không biết được kết quả đã là bao nhiêu.
Bài học từ giải
Thanh Trúc kể: “Em và Zoltugs đều không giỏi tiếng Anh nên không hiểu được đối phương muốn nói gì. Dường như Zoltugs nhớ lộn tỉ số nên không chịu thua mà đòi đánh tiếp. Đây là lần đầu tiên em dự giải quốc tế nên rất bỡ ngỡ. Em học được nhiều từ việc được thi đấu với các đối thủ mạnh và biết cách tự trang bị cho mình trước cũng như trong trận đấu. Trước giờ luôn có trọng tài ghi tỉ số nên khi không có trọng tài, hầu như không trận nào em không quên tỉ số. Khi đã quên thì em cứ đánh, khi nào đối thủ chịu thua thì mình thắng, nếu không thì ngược lại. Vì vậy em quyết tâm đi học thêm tiếng Anh để sau này có thể giao tiếp được với các tay vợt nước ngoài”.
Tay vợt Nguyễn Mậu Vinh Quang thì cho biết: “Em học trường quốc tế nên tiếng Anh không phải trở ngại lớn. Cái khó nhất chính là việc phải tự nhớ kết quả trận đấu. Vì thế, em thường đọc to kết quả cho mình và đối thủ nhớ để không bị lộn. Tuy nhiên, đôi khi đối thủ không hiểu ý em nói gì nên em thường phải tìm cách thông báo hoặc ra dấu với họ”.
Ngoài ra, còn nhiều tình huống các tay vợt “méc” giám sát những lý do rất trẻ con như: đối thủ không chịu lượm banh, câu giờ nghỉ mệt, ngồi nghỉ quá lâu không chịu ra thi đấu, đi vệ sinh nói chuyện điện thoại gần 15 phút...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận