31/03/2007 02:30 GMT+7

Tràn dầu dọc bờ biển Việt Nam - Ai là "chủ nhân"?

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TTCT - 1.200 tấn dầu đã vớt được (còn bao nhiêu không vớt được?!) kể từ khi dầu tràn vào bờ biển miền Trung từ đầu tháng hai năm nay. Các hãng thông tấn nước ngoài như AP, AFP nhất loạt đưa tin: “Một vụ tràn dầu bí ẩn đang lan rộng trên hơn 300km bờ biển VN”... Reuters chạy tít: “Dầu tràn đen kịt các bãi biển du lịch miền Trung VN”...

0o9o3Gzj.jpgPhóng to
Huy động tổng lực thu gom dầu tràn tại bãi biển Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam
TTCT - 1.200 tấn dầu đã vớt được (còn bao nhiêu không vớt được?!) kể từ khi dầu tràn vào bờ biển miền Trung từ đầu tháng hai năm nay. Các hãng thông tấn nước ngoài như AP, AFP nhất loạt đưa tin: “Một vụ tràn dầu bí ẩn đang lan rộng trên hơn 300km bờ biển VN”... Reuters chạy tít: “Dầu tràn đen kịt các bãi biển du lịch miền Trung VN”...

Từ miền Trung, nặng nhất là tỉnh Quảng Nam với trên 600 tấn dầu vớt được, dầu “vô thừa nhận” đã tràn xuống tận Vũng Tàu - Côn Đảo... Ai là “chủ nhân” của thảm họa dầu tràn này?

Hai tháng sau, cụm từ “vụ tràn dầu bí ẩn” vẫn còn nguyên ý nghĩa.

Theo Cục Bảo vệ môi trường, nguyên nhân gây ra sự cố dầu trôi dạt vào bờ có thể là:

1/ Sự cố tràn dầu thô có thể từ các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí hoặc các hoạt động xúc rửa đổ xuống biển dầu thô cặn từ các tàu chứa, vận chuyển dầu thô ở khu vực biển Đông, đặc biệt từ vùng biển phía đông, đông nam đảo Hải Nam (Trung Quốc).

2/ Sự cố dò, tràn dầu thô có thể từ giếng dầu đã ngừng khai thác và đã đóng miệng giếng. Do điều kiện bất thường về địa chất, giếng dầu bị ảnh hưởng của chấn động, làm tăng áp suất trong giếng, gây hiện tượng rò rỉ dầu ra bên ngoài.

Vietsovpetro?

Từ đây, có thể nêu câu hỏi đầu tiên: Phải chăng tràn dầu là từ việc khai thác dầu ở các mỏ Bạch Hổ và Rồng của VN ở ngoài khơi, trên biển Đông?

Ngành dầu khí VN, sau khi phân tích các mẫu dầu vớt được từ ngày 4 đến 5-2-2007 tại các bãi biển từ Đà Nẵng tới Quảng Nam, khẳng định: “Các chỉ số Pristane/Phytane, Pristane/nC17 và Pristane/nC18 của dầu ô nhiễm hoàn toàn khác với dầu mỏ Rồng, Bạch Hổ và Đại Hùng. Chỉ số nhựa/asphantel hàm lượng parafin... khác với dầu mỏ Bạch Hổ và Rồng. Hàm lượng lưu huỳnh cao từ 5-15 lần so với mỏ dầu Bạch Hổ và Rồng. Hàm lượng nhựa và asphantel cao hơn nhiều so với dầu mỏ Bạch Hổ. Riêng hàm lượng nhựa là nằm trong giới hạn như mỏ Rồng... Từ đó, kết luận mẫu dầu ô nhiễm nói trên không phải dầu có nguồn gốc từ dầu khai thác được của Vietsovpetro”.

Một tháng rưỡi sau, sau khi dầu tràn xuống tận Vũng Tàu - Côn Đảo, một báo cáo phân tích khác cũng kết luận: “Theo tiêu chuẩn phân tích dầu thô, các tính lý hóa của các mẫu dầu ô nhiễm lấy được ở Bà Rịa - Vũng Tàu khác biệt so với dầu mỏ Bạch Hổ và Rồng. Tỉ như: hàm lượng lưu huỳnh lớn hơn 20 lần, nhựa lớn hơn 2-3 lần, asphantel lớn hơn 5-8 lần, và tỉ số giữa tổng hàm lượng asphantel, nhựa với parafin lớn hơn 4 lần”.

Theo các kết quả phân tích trên của Vietsovpetro, có thể tạm loại bỏ nguyên nhân dầu tràn từ việc khai thác dầu của VN. So với lượng dầu cả 2.000 tấn thu gom được, có thể loại bỏ nguyên nhân xúc rửa tàu chứa. Từ đó, nghi vấn còn lại là từ hoạt động khai thác dầu theo dòng chảy tràn xuống VN.

Được biết trong vòng mười năm nay, trên vùng biển miền Trung đã liên tục xuất hiện hiện tượng tràn dầu trong thời điểm tháng 3-4 hằng năm, nhưng năm nay là nặng nhất. Kết quả phân tích ảnh, phân tích hướng gió và dòng chảy của Trung tâm Viễn thám cho thấy “có nhiều khả năng dầu trôi dạt từ phía tây, tây nam đảo Hải Nam (Trung Quốc - TQ)...”.

Bồn chứa nổi Fpso Nanhai Shengli

k7cPs1hP.jpgPhóng to
Người dân vùng ven biển Thừa Thiên - Huế sử dụng cả đội trâu kéo để thu gom dầu tràn vào các bãi biển

Một trong những mỏ dầu lớn trong khu vực này là mỏ dầu Liuhua 11-1 (Lưu Hoa 11-1) của TQ. Mỏ này, cho đến nay, là mỏ dầu lớn nhất khu vực biển Đông, với bể chứa ở độ sâu 300m.

Mỏ được phát hiện từ năm 1987, được Công ty dầu khí CNOOC của TQ đưa vào khai thác năm 1992. Số giếng dầu khoan nay đã lên đến 20.

Đặc tính của dầu thô mỏ Linhua 11 này, theo Hãng dầu Amoco của Mỹ (đối tác của Hãng dầu CNOOC của TQ), là rất nặng và đậm đặc. Đây là đặc tính hóa lý khác biệt cơ bản với dầu thô do VN khai thác (xem phần trên).

Cũng có thể dầu tràn từ khâu khai thác? Do độ sâu của mỏ Liuhua 11 khá lớn (300m) nên kỹ thuật khai thác phức tạp, gồm một FPS, dàn khoan đảm trách việc khoan và hỗ trợ khai thác - một FPSO, hệ thống bơm dầu và kho chứa nổi - một hệ thống bơm dưới đáy biển phục vụ 20 giếng dầu.

Tháng 9-1993, một tàu khoan bán nổi được mua và cải tạo thành dàn khoan Nanhai Tiao Zhan... Tháng mười năm đó, một tàu chở dầu trọng tải 140.000 DWT được mua và cải tạo thành FPSO (bồn chứa). Hai thiết bị này được đưa vào sử dụng tại vị trí vào tháng 6-1995 và tháng 3-1996, thả neo cách nhau 3km.

Thường thì các kết cấu này phải được lắp ráp trên bờ rồi kéo ra khơi, song do vị trí của mỏ Liuhua không thuận tiện nên việc ráp các kết cấu được thực hiện tại chỗ. Việc xuyên thủng địa tầng sâu đến 300m cũng đòi hỏi những đột phá trong công nghệ. Mặt khác, một mỏ với 20 giếng thẳng đứng cũng là bấy nhiêu rủi ro liên quan đến rò rỉ, tràn dầu. Bấy nhiêu “khác thường” trên có thể dẫn đến bấy nhiêu “bất thường” như sẽ thấy sau này.

Một trong những “bất thường” đó đã xảy ra sau cơn bão lớn cuối năm ngoái. Hãng AP (31-11-2006) phát đi tuyên bố của Yang Hua, giám đốc tài chính CNOOC, như sau: “Thời tiết xấu và các cơn bão đã gây nhiều sức ép nơi chúng tôi. Đó là những yếu tố khách quan mà chúng tôi không thể kiểm soát nổi”.

Các “yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát” của CNOOC đó, theo giải thích của ông Yang Hua, là việc một số giếng dầu ngoài khơi, trong đó có một giếng của mỏ Liuhua bị tàn phá vào tháng năm và buộc phải đóng cửa vào tháng sáu (năm ngoái).

Thật ra, ở đây có yếu tố sức bền vật liệu và kết cấu. Đã có những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này trong lĩnh vực dầu khí. Như báo cáo “Identified Risks Can Be Managed” (Có thể xử lý các bất trắc được nhận diện trước) của Paul O'Keefe & Jim Halligan và Steege Kingston tại hội nghị IUMI London 2000 đã nhấn mạnh đến yếu tố độ bền của các FPSO, đặc biệt là các tàu chở dầu được cải tạo thành bồn chứa.

Theo các tác giả, việc cải tạo tàu chở dầu thành bồn chứa không hề xuất phát từ những cải tiến kỹ thuật mà chỉ vì mua lại một tàu chở dầu cũ, vốn chỉ gồm một lớp vỏ (nên bị “dạt ra” khỏi ngành dịch vụ chở dầu), biến thành bồn chứa nổi là một món hời.

Thế nhưng, chính vì món hời kinh tế đó mà càng có nhiều bất trắc. Như do việc thả neo suốt một chỗ, thay vì di chuyển như các tàu chở dầu khác, vỏ tàu (của tàu bồn chứa) mỗi năm phải chịu va chạm bởi sóng lớn trong một thời gian dài, nhiều hơn đến 10-30% so với tàu dầu thông thường. Từ đó, vỏ tàu càng mau giảm sức chịu đựng hơn.

Các tác giả khuyến cáo: “Trong khi độ bền chính là một tiêu chí quan trọng khi thiết kế tàu chở dầu, thì điều đó lại càng quan trọng hơn nữa đối với các tàu bồn chứa dầu”. Mặt khác, việc bơm vào, bơm ra liên tục sẽ khiến vỏ bồn chứa cũng phải chịu đựng những thay đổi áp lực thường xuyên hơn, chưa kể đến những thao tác bơm vào, bơm ra sai sót...

Chính điều này đã khiến các tác giả nhấn mạnh: “Các nhà bảo hiểm phải được cảnh báo rằng đã có rất nhiều trường hợp tàu chở dầu bị vỡ làm đôi do các thao tác bơm vào bơm ra này...”.

Theo các tác giả, qui định ISO về chất lượng kết cấu bồn chở dầu nổi là: “Phải tính toán độ bền của một bồn chứa nổi gấp ba lần một tàu chở dầu thông thường... Bão tố có thể gây ra những tổn hại lớn cho bất cứ vật gì trên đường đi của chúng. Các tàu bồn chứa không là ngoại lệ, càng bị tổn hại trong kết cấu vỏ hơn nữa”.

Trở lại với bồn chứa (FPSO) Nanhai Shengli, tất cả khuyến cáo trên hầu như đều đúng! Theo tổng kiểm tra các dàn khoan và bồn chứa nổi 2004, bồn chứa Nanhai Shengli có khai sinh năm 1975 (là cũ so với các tàu chở dầu), vốn là tàu chở dầu một vỏ, được cải tạo năm 1993.

Điển tích hàng hải còn cho biết Nanhai Shengli từng bị cơn bão Sally đánh trúng, chỉ cách có 10 hải lý, vào tháng 10-1996. Cơn bão này được xem là mạnh nhất trong 100 năm qua tính đến thời điểm đó (nguồn: Offshore Int. Newsletter, Oct. 28th, 1996).

Với những chi tiết trên, nhất là gần đây một giếng thuộc mỏ dầu Liuhua đã bị hủy hoại vì bão, cho phép đặt câu hỏi: Việc mười năm qua, biển miền Trung thường xuyên bị tràn dầu, năm nay nặng nhất, phải chăng có trùng hợp về thời gian với việc dàn khoan Nanhai Tiao Zhan và kho chứa Nanhai Shengli được đưa vào sử dụng từ tháng 6-1995 và tháng 3-1996?

Ô nhiễm không chỉ trên biển

Nhật báo Underwater Times là một tờ báo chuyên về sự sống dưới nước đã từng có một bài viết ngày 15-10-2006 nội dung như sau: “Một phần của 3 triệu km2 môi trường biển của TQ đang bị ô nhiễm, một báo cáo điều tra năm 2005 cho biết. Theo báo cáo này, khoảng 24% nước biển ngoài khơi có chất lượng xấu... Trong số năm vùng biển của TQ, vùng biển phía đông là có chất lượng nước biển xấu nhất, vùng biển phía nam tương đối đỡ hơn... Các tai nạn hàng hải cũng là một nguyên cớ gây ô nhiễm cho biển. Năm 2005, có 115 tai nạn hàng hải trong khu vực viễn dương của TQ, dẫn đến tràn dầu...”.

Giáo sư David Rosenberg đã từng cảnh cáo rằng biển Đông sẽ trở thành cái bồn chứa ô nhiễm môi trường trong khu vực. Trong bài viết mang tựa đề “The South China Sea: A Sink for Regional Enviornmental Pollution?”, tác giả giải thích: “Do lẽ các nước trong khu vực tiếp tục bành trướng kinh tế và tiêu thụ ngày càng nhiều tài nguyên dầu hỏa, họ sẽ phải đối diện những quyết định sinh tử về mặt kỹ thuật và hạ tầng sẽ có những hậu quả thay đổi môi trường lâu dài”.

Asia Times cho biết ngày 29-12 năm ngoái, hai tàu dầu của TQ chở 300 tấn dầu đã bắt đầu lộ trình chở dầu trên sông Mekong. Thử hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu có một sự cố trên thượng nguồn sông Mekong?

Tất nhiên, tất cả mới chỉ là những dấu hỏi chờ được làm sáng tỏ.

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên