29/03/2004 08:33 GMT+7

Trận đánh Điện Biên Phủ dưới mắt một nhân chứng Pháp

SƠN NGUYỄN trích dịch
SƠN NGUYỄN trích dịch

TT - Bernard B.Fall, một nhà nghiên cứu lịch sử - chính trị Pháp, đã theo chân lực lượng Pháp đến Đông Dương từ năm 1953 để nghiên cứu tình hình chiến tranh. Ông đã cho ra đời quyển Hell in a very small place: the siege of Dien Bien Phu (Địa ngục ở địa điểm rất nhỏ: cuộc bao vây Điện Biên Phủ), được đánh giá là vô cùng chi tiết và giá trị nhất về một trong những trận đánh vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

RN0vesSQ.jpgPhóng to
TT - Bernard B.Fall, một nhà nghiên cứu lịch sử - chính trị Pháp, đã theo chân lực lượng Pháp đến Đông Dương từ năm 1953 để nghiên cứu tình hình chiến tranh. Ông đã cho ra đời quyển Hell in a very small place: the siege of Dien Bien Phu (Địa ngục ở địa điểm rất nhỏ: cuộc bao vây Điện Biên Phủ), được đánh giá là vô cùng chi tiết và giá trị nhất về một trong những trận đánh vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Sau đó ông Fall tiếp tục đi nhiều nơi trên lãnh thổ VN để quan sát về cuộc đổ bộ của lính Mỹ. Ông mất năm 1967 trong một chuyến công tác. Tạp chí Vietnam số tháng 4-2004 của Nhà xuất bản Primedia, Mỹ đã đăng lại một bài mà ông viết năm 1964 kể lại diễn biến và những điều mà ông quan sát, cảm nhận trong trận đánh ở Điện Biên Phủ.

Trận đánh lịch sử

Vào ngày 7-5-1954, tình thế tuyệt vọng của người Pháp tại Điện Biên Phủ đã trở nên rõ rành rành vào lúc 10g. Pháo binh của quân Pháp từ từ câm họng dưới những loạt pháo kích chính xác của Việt Minh. Những trận mưa làm hàng tiếp viện từ trên không trở thành nhỏ giọt và biến hầm hào của quân Pháp thành những bãi lầy lội. Những binh sĩ còn sống, nhiều người đã trải qua 54 ngày chỉ dùng bữa với cà phê và thuốc lá, ở trong một tình trạng rối loạn tâm lý và kiệt sức.

Khi tướng Christian De La Croix De Castries báo cáo tình hình qua điện đàm với tướng René Cogny ở Hà Nội, kết cục đã đến cho tập đoàn cứ điểm này. De Castries chọn ra 800 lính từ những đơn vị bị tiêu hao lực lượng và hi vọng cầm cự đến khi màn đêm buông xuống để tìm cơ hội rút lui vào rừng. Nhưng chỉ đến khoảng 15g, khả năng kháng cự của lính Pháp đã cạn và lính Việt Minh tiến lên chiếm trọn những cứ điểm cuối cùng. De Castries hội ý với cấp dưới và hết thảy đều thừa nhận một cuộc phá vây chỉ có thể dẫn đến cái chết vô nghĩa trong rừng. Quyết định được đưa ra là chiến đấu đến những viên đạn cuối và để các đơn vị riêng lẻ giáp mặt với đối phương.

Cuộc trao đổi cuối cùng giữa Cogny và De Castries là phải làm gì với số binh lính bị thương nằm ở khắp nơi và ngay tại bệnh viện trung tâm (ban đầu được xây để chứa 42 bệnh nhân). De Castries đề xuất sắp xếp một cuộc ra hàng trật tự. Tuy nhiên Cogny quả quyết: “Ông bạn ơi, dĩ nhiên là bây giờ ông phải giải quyết mọi thứ… Nhưng đừng giơ cờ trắng. Các ông sắp bị (đối phương) nhận chìm nhưng không được đầu hàng”. “Ô, thưa tướng quân, tôi chỉ muốn cứu lấy những người bị thương” - De Castries đáp. “Vâng, tôi hiểu. Vậy hãy làm điều tốt nhất có thể, trao lại tất cả cho ông... Những điều ông đã làm thì rất tốt. Ông hiểu rồi đó, ông bạn” - Cogny nói. Lặng đi một lúc sau đó De Castries nói lời cuối cùng: “Vâng, thưa tướng quân”. “Tạm biệt ông bạn. Tôi sẽ gặp lại ông” - Cogny kết thúc cuộc nói chuyện. Chỉ vài phút sau, viên điều hành điện đàm của De Castries dùng báng của khẩu Colt 45 đập vỡ máy. Những lời thông báo cuối cùng phát ra từ hầm chỉ huy lúc 17g50: “Đây là Yankee Metro (mật danh). Chúng tôi đang phá hết mọi thứ ở đây. Tạm biệt”.Trong khi đó cứ điểm Isabelle nằm phía cực nam của trận địa và gần nhất với rừng cây cũng không có lấy một cơ hội. Những binh sĩ Việt Minh đầy khí thế đã thắt chặt gọng kìm quanh 1.000 lính lê dương đang muốn phá vây. Lúc 21g40, một máy bay do thám Pháp báo cáo về sở chỉ huy tại Hà Nội cho biết đã thấy cứ điểm này bị pháo kích dồn dập. Thông báo cuối cùng phát ra từ cứ điểm này sau đó vài giờ và được chiếc máy bay do thám tiếp âm về Hà Nội: “Cuộc phá vây thất bại... Không thể tiếp tục liên lạc được. Ngưng và chấm dứt”.

Trận đánh vĩ đại ở thung lũng Điện Biên Phủ kết thúc. Gần một vạn binh lính Pháp trở thành tù binh. Cách đó 12.000km, ở Geneva, tham dự hội nghị chín nước nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên và cuộc chiến Đông Dương, phái đoàn VN và Trung Quốc đã ăn mừng bằng champagne hồng. Kết cục cho một thuyết mới

Những gì diễn ra ở Điện Biên Phủ đơn giản là một canh bạc lớn của người Pháp với một kết quả tồi tệ. Từ chỗ gần như tay trắng về trang bị quân sự, đến tháng 10-1953 các tiểu đoàn Việt Minh được trang bị pháo binh đã đè bẹp quân Pháp đóng dọc theo biên giới với Trung Quốc và giáng cho Pháp thất bại thực dân lớn nhất kể từ biến cố năm 1759 ở Quebec, Canada.

Điện Biên Phủ được xem như một cuộc thử nghiệm cho một thuyết mới của tướng tổng tư lệnh Pháp Henri Navarre. Thay vì dựng nên những phòng tuyến cố định, tướng Navarre muốn tạo ra trên khắp Đông Dương những “căn cứ không - bộ”, từ đó những đơn vị lưu động sẽ tiến ra tiêu diệt đối phương ngay trên lãnh địa của mình. Nhưng chính Việt Minh đã làm được điều đó. Người Pháp đã mất tất cả từ Điện Biên Phủ: Lào được tự do, tướng Navarre thân bại danh liệt, những đội quân tinh nhuệ nhất tiêu vong và trên hết là mất đi cơ hội cuối cùng để kết thúc êm đẹp một cuộc chiến kéo dài chín năm gây nản chí.

Theo thẩm định của một ủy ban điều tra của Chính phủ Pháp về thất bại Điện Biên Phủ, Navarre đã không nhận thấy rằng “không hề có những chốt chặn ở một đất nước không có hệ thống đường bộ kiểu châu Âu”. Việt Minh đã tận dụng sức người để vận chuyển quân trang lên tuyến đầu hiểm trở. Trong khi đó quân Pháp ở Điện Biên Phủ không nhận được đầy đủ vật liệu xây dựng những boongke kiên cố. Thiếu tá André Sudrat, kiến trúc sư trưởng tại Điện Biên Phủ, đã đối mặt với một vấn đề không thể giải quyết được.

Theo tiêu chuẩn thông thường trong kiến trúc quân sự, vật liệu cần thiết để bảo vệ một đơn vị trước những loạt pháo 105mm của Việt Minh phải nặng đến 2.550 tấn cộng thêm 500 tấn dây kẽm gai. Sudrat ước lượng để bảo vệ 13 tiểu đoàn ở đây cần phải có 36.000 tấn vật liệu xây dựng, tương đương với khả năng vận chuyển của tất cả các phương tiện đường không trong vòng năm tháng. Khi được thông báo chỉ nhận tổng cộng 3.300 tấn vật liệu, Sudrat đã nhún vai: “Trong trường hợp này tôi sẽ gia cố trung tâm chỉ huy, trung tâm tín hiệu và phòng chụp X-quang ở bệnh viện và hãy hi vọng người Việt không có khẩu pháo nào”.

Trong khi đó đại tá Charles Piroth, chỉ huy pháo binh, từng “bảo đảm” rằng 24 khẩu pháo 105mm sẽ dư sức đối mặt với bất kỳ loại vũ khí nào của Việt Minh và bốn khẩu 155mm sẽ hoàn toàn dập tắt những gì chưa bị phá hủy. Hậu quả là pháo binh của Pháp bị hạ gục lần lượt từng khẩu một trong cuộc đọ sức với Việt Minh. Khi những loạt pháo đầu tiên của Việt Minh dội xuống, Piroth biết rằng tập đoàn cứ điểm này đã tới số. “Tôi gánh trách nhiệm. Tôi gánh trách nhiệm” - Piroth lẩm bẩm. Đến đêm 14-3, Piroth tự sát bằng một quả lựu đạn...

Trận đánh ở vùng rừng núi Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã đánh dấu hồi kết đối với uy thế quân sự của Pháp tại châu Á. Sau nhiều năm bị đô hộ, người châu Á đã giành thắng lợi ngay tại cuộc chơi mà người da trắng dựng lên.

SƠN NGUYỄN trích dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên