26/11/2003 21:15 GMT+7

Trần Đăng Khoa: "Văn học Việt Nam không hề bế tắc"

Theo VH
Theo VH

Với vóc dáng vậm vạp và cách nói chuyện rủ rỉ rù rì, Trần Đăng Khoa say sưa phát ngôn về chuyện văn chương chữ nghĩa. Trước những lời cấp báo về tình trạng "văn học đang tắc tị", Trần Đăng Khoa dường như không hề tỏ ra lo lắng.

zMKd4dBk.jpgPhóng to
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Với vóc dáng vậm vạp và cách nói chuyện rủ rỉ rù rì, Trần Đăng Khoa say sưa phát ngôn về chuyện văn chương chữ nghĩa. Trước những lời cấp báo về tình trạng "văn học đang tắc tị", Trần Đăng Khoa dường như không hề tỏ ra lo lắng.

* Tại sao anh lại giữ thái độ lạc quan trước tình hình văn học hiện nay?

-Tôi nghĩ chúng ta cũng chẳng việc gì phải bi quan. Chúng ta từng được mùa với tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Hiện nay, chúng ta vẫn có những cuốn sách hay, như truyện ngắn Ma Văn Kháng, tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh, gần đây nhất là cuốn Giàn thiêu của Võ Thị Hảo. Đó là những dấu hiệu tốt lành để chúng ta hy vọng. Văn học ta không hề bế tắc như một số người lầm tưởng. Xin hãy vững tin và chờ đợi...

* Thế còn về phê bình, anh đánh giá thế nào về thực trạng lý luận phê bình của Việt Nam?

- Nói phê bình của ta kém thì cũng không đúng. Nhưng cứ phải nói thật, mấy năm gần đây, những người làm nên sự sôi động trong lĩnh vực phê bình lại chính là những anh em sáng tác chứ không phải các nhà phê bình thuần tuý. Có thể họ còn nhiều sơ suất do tính ngẫu hứng nhưng nhờ thế, họ lại có được những trang viết xuất thần. Tôi vẫn quý các nhà sáng tác viết phê bình hơn, cũng chỉ đơn giản vì họ hiểu được văn chương, cũng như các anh đầu bếp giỏi nói về các món ăn. Tính chuyên nghiệp của họ cao hơn các nhà phê bình thuần tuý.

* Thế nhưng thời các cụ ngày xưa, đâu có các nhà lý luận phê bình rạch ròi như bây giờ mà chỉ có các nhà văn chuyên bàn chuyện sáng tác. Anh nghĩ sao?

- Theo tôi, thời nào cũng có nhà phê bình có tài, như Kim Thánh Thán bên Trung Quốc. Ở ta những năm 30, có Hoài Thanh. Hoài Thanh là cái đỉnh nhô lên khỏi mặt bằng phê bình rất cao thời bấy giờ. Bên cạnh Hoài Thanh, ta còn có Lê Thanh, một nhà phê bình đặc sắc. Ông chỉ thua Hoài Thanh ở một số trang viết xuất thần, vì thế so với Hoài Thanh, Lê Thanh cũng ở dạng một mười, một tám. Hoài Thanh nhận xét rất chuẩn. Đặc biệt là những tiên cảm về Lưu Trọng Lư và Chế Lan Viên.

Và cũng thật bất ngờ khi trong những cái còn hỗn mang thời ấy, ông đã nói rằng, trong số các nhà thơ mới này, sẽ có một người còn đi xa: Chế Lan Viên. Đây là một tiên cảm thiên tài. Ngoài ra, những đánh giá của Hoài Thanh về Hàn Mặc Tử, Bích Khê cũng rất chuẩn.

* Không bao giờ tâm phục khẩu phục các nhà lý luận phê bình hình như là phẩm chất của giới sáng tác?

- Đa phần các nhà phê bình của ta cứ nói lý luận chung chung thì còn tạm nghe được, nhưng cứ sờ đến những tác phẩm cụ thể thì hoá ra họ không hiểu gì và điều đáng kinh ngạc là họ không hiểu được cả nghĩa đen. Ví dụ bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, có ông lại hiểu đấy là con tàu đi khai hoang kinh tế Tây Bắc thì buồn cười thật. Đến bây giờ, chúng ta cũng đã có đường tàu hoả lên Tây Bắc đâu.

Hay như câu thơ Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái có ông cũng hiểu đấy là hoa khô từ năm ngoái còn lại đến bây giờ thì thật không còn biết nói thế nào. Làm sao có hoa khô ở ngoài dậu mà lại còn tồn tại được với mưa gió?

Nguyễn Khuyến là một nhà nho yêu nước. Ông không chấp nhận thực tại mà luôn hướng về nước xưa. Vì thế với ông, hoa vẫn là "hoa năm ngoái", tiếng ngỗng trên không vẫn là "ngỗng nước nào". Câu thơ xuất phát từ thơ Đường Trung Quốc nhưng đến Nguyễn Khuyến nó đã mang hình thức khác, hồn vía khác rồi.

Cũng tương tự như thế, bài thơ rất hay Khi con tu hú... của Tố Hữu, có câu Đôi con diều sáo lộn nhào từng không là cái diều sáo, diều có gắn sáo, nhưng vì nhà thơ gọi là đôi con nên có ông giáo sư lại hiểu nhầm là động vật, là hai con, tức là chim diều với chim sáo đang bay lượn rồi. Thế nhưng diều với sáo có bao giờ bay đôi với nhau đâu, vì thấy sáo là diều "thịt" liền.

Gần đây, câu thơ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da có giáo sư cũng hiểu theo nghĩa đen rất thô thiển nên đã viết một câu rất kinh dị: "Tóc nàng đen hơn mây và da trắng hơn tuyết". Tôi không thể hiểu tại sao lại có ông giáo sư thuộc dạng đầu ngành lại có thể hiểu một cách thô thiển như thế.

* Anh nhận định thế nào về thơ Trần Mạnh Hảo và phê bình thơ Trần Mạnh Hảo?

- Trần Mạnh Hảo là người có tài, rất tài. Ông có nhiều bài thơ hay và đến bây giờ ông vẫn viết hay. Phải công bằng mà nói như vậy. Ông hoá thân rất giỏi. Ông đã "dựng" lên một nhà thơ nữ, tên là Nguyễn Thị Kim Chi. Tác giả này có cả một trang thơ trên báo Văn Nghệ. Bài nào cũng hay. Đặc biệt rất con gái và rất Huế. Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu cũng rất phục chùm thơ này, sau mới biết đó là hoá thân của Trần Mạnh Hảo.

Về phê bình, Trần Mạnh Hảo cũng là một cây bút có ma lực. Văn phê bình của ông Hảo đọc rất cuốn hút. Theo tôi, hầu hết những điều ông Hảo nói là đúng. Nếu có sai là sai ở những tiểu tiết. Ông thẩm thơ khá tinh. Nếu có điều gì đáng tiếc thì cũng là ở cái thái độ. Bởi ông Hảo căng thẳng quá. Với sự căng thẳng như thế, người bị ông phê phán cũng rất khó tiếp thu.

Theo VH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên