19/03/2004 17:53 GMT+7

Trần Đăng Khoa: Suốt đời tôi là vận động viên leo núi

Theo Truyền Hình
Theo Truyền Hình

"Đối với người làm văn chương chân chính thì làm gì có cái đỉnh nào là cao, càng không có đỉnh cuối cùng. Người viết như vận động viên leo núi, trèo lên đỉnh rồi lại thấy trước mặt là dãy khác cao hơn", nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự.

eQxTlqyW.jpgPhóng to
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
"Đối với người làm văn chương chân chính thì làm gì có cái đỉnh nào là cao, càng không có đỉnh cuối cùng. Người viết như vận động viên leo núi, trèo lên đỉnh rồi lại thấy trước mặt là dãy khác cao hơn", nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự.

* Có nhiều ý kiến cho rằng một số nhà thơ khi bế tắc thường chuyển sang viết văn, anh có đồng ý với nhận định này?

- Tôi không nghĩ như vậy, dùng thể loại nào là do hiện thực của đời sống đòi hỏi, cũng như khi ta ngồi vào mâm cơm, gắp rau hay gắp thịt thì dùng đũa, múc canh phải dùng đến muôi rồi. Trên thực tế cho thấy các nhà thơ Chế Lan Viên, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đình Thi... đều chuyển sang viết văn và họ rất thành công.

* Khi chuẩn bị viết cuốn Chân dung và đối thoại, anh nói rằng sẽ "lườm nguýt" các bạn viết cùng thời, vậy anh đã làm được điều đó chưa?

- Đấy là câu nói vui về nghề phê bình, còn nghĩa nghiêm túc, sang trọng là chiêm ngưỡng họ, phải yêu mến bạn lắm tôi mới viết ra được cuốn đó.

* Đã đặt chân đến nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều nền văn học khác nhau, anh thấy văn học VN đang ở thang bậc nào?

- Tôi nghĩ, các tác giả VN không nên huyênh hoang nhưng cũng chẳng có gì phải tự ti cả. Về tiểu thuyết, quả thật chúng ta không thể so được với thiên hạ, nhưng về truyện ngắn và thơ thì chẳng có gì phải xấu hổ với thế giới.

Đọc thơ đại trà trên mặt báo hoặc những cuốn sách các tác giả tự tin thì rất dễ nản, nhưng bình tĩnh, sàng lọc thì thấy các nhà thơ Việt Nam chẳng đến nỗi nào.

Đối với truyện ngắn thì dễ nhận thấy hơn, không khó để tìm ra những truyện ngắn hay. Bạn hãy bình tĩnh đọc và hãy đặt nó bên cạnh những truyện ngắn được coi là có tiếng vang ở một số nước thì sẽ thấy yên tâm ngay.

Bây giờ ở VN công tác dịch thuật rất tốt, những tác phẩm nào có tiếng vang ở nước ngoài lập tức sẽ xuất hiện ngay ở trong nước, còn văn chương VN ra thế giới lại rất vất vả.

* Trong văn chương anh rất lãng mạn, vậy trong cuộc sống thường ngày anh là người như thế nào?

- Một người bình thường của đời sống bình thường và tôi vô cùng hạnh phúc vì điều đó. Những chức danh nhà thơ, giáo sư, viện sĩ, nghệ sĩ hay là gì chăng nữa chỉ lung linh với những người đang yêu, còn khi ta làm một ông chồng thì tất cả những danh vị ấy là gánh nặng không cần thiết. Lúc đó, chỉ còn trần sì một ông chồng, một gã đàn ông trụ cột gia đình với những lo toan rất cụ thể. Anh ta có nuôi được vợ con không? Có chu đáo chăm sóc bố mẹ hai bên không? Rồi nuôi dạy con cái thế nào?...

* Anh nghĩ sao khi nhiều độc giả nói rằng Trần Đăng Khoa rất "nhà quê"?

- Đúng là tôi nhà quê thật, dù bao năm sống ở thành phố và không ít năm sống ở nước ngoài. Với tôi, món ăn ngon nhất vẫn là do mẹ nấu như cá kho dưa, rau lang luộc hay tép nấu khế hoặc đơn giản chỉ một chút mỡ lợn trộn muối trắng, đó là món ăn lý tưởng của đám thợ cày đói khổ.

* Sắp bước sang tuổi tri thiên mệnh, trong đời văn chương, anh tự cho điểm bản thân mình như thế nào?

- Việc ấy xin dành cho độc giả, những vị giám khảo nhiệt tình và công tâm nhất. Còn tôi thì chỉ thấy rất vui khi sách mình được in khá nhiều và sau vài tháng lại được tái bản liên tục. Đối với một người sáng tác thì chẳng có gì hạnh phúc là được công chúng đón nhận.

Theo Truyền Hình
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên