![]() |
Anh Trần Đại Thắng |
Một hôm, tình cờ gặp Thắng ngoài đường, thấy anh mở cái cốp dưới yên xe máy, lấy ra cho tôi xem một tập giấy cứng màu ngà, trên đó chi chít những chữ ký! Thắng bảo: "Toàn chữ ký thật cả đấy. Mất tiền thì còn kiếm ra được chứ mất chỗ chữ ký này thì chắc chết quá". Thắng nói với tôi nửa kín nửa hở về kế hoạch làm một cuốn sách "đặc biệt", chưa từng có từ trước đến nay. Đó là cuốn Văn mới 5 năm đầu thế kỷ.
Đã từ lâu, tôi có nghe nói về truyền thống của các nhà xuất bản xưa, mỗi lần in một tác phẩm mới đều in thêm một số bản đặc biệt, có đánh số thứ tự, có những bản có cả chữ ký của tác giả. Những bản này đều in trên loại giấy đặc biệt, khác hẳn với những bản in thường khác và tất nhiên, giá bán cũng đắt hơn, chỉ dành riêng cho một số đối tượng được xem là "kỳ dị", ấy là những người chơi sách. Được sở hữu một ấn bản đặc biệt như vậy, đối với dân mê sách, là một niềm vui không dễ có.
Theo như trí nhớ của tôi thì trong ngạch xuất bản ở nước ta trong mấy chục năm trở lại đây không còn cái truyền thống in những ấn bản đặc biệt như thế nữa. Những bản có đánh số gần đây nhất mà tôi có trong tủ sách của mình là các tác phẩm của cụ Vương Hồng Sển trong bộ Hiếu cổ đặc san, in ở miền Nam trước ngày giải phóng, quãng đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Các bản này có đóng dấu đỏ số thứ tự từ 1 đến trên dưới 3.000, thường có thêm 200 bản đầu tiên được xếp loại "đặc biệt", đề Không bán. Tôi cũng có nghe đồn đại rằng cụ Nguyễn Tuân khi in tác phẩm của mình cũng cho làm một số ấn bản đặc biệt có chữ ký của cụ, nhưng có lẽ do chưa có duyên nên tôi chưa một lần có được những ấn bản đặc biệt đó.
![]() |
Trong số 1.500 bản in, có 100 bản in trên giấy conqueror của Pháp, màu vàng ngà, có tuổi thọ ít nhất trên 100 năm. Do là loại giấy đặc biệt nên những bản này dày gấp đôi so với bản bình thường. Sách do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn các tác phẩm của 41 nhà văn nổi bật trong 5 năm đầu thế kỷ 21.
Có từ những bậc lão thành trong văn chương như Tô Hoài, Ma Văn Kháng, đến những người mới tinh như Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Thế Hoàng Linh; có người già rồi mà văn nghiệp còn rất trẻ như Mạc Can, lại có người trẻ mà văn nghiệp đã dày dặn như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Triều Hải; có người đổi mới từ giọng điệu đến bút pháp như Nguyễn Thị Thu Huệ, nhưng cũng có người vẫn kiên trì với lối viết đã hằn sâu trong lòng độc giả như Trần Thùy Mai, Ngô Tự Lập; có các cây bút hải ngoại như Nguyễn Quý Đức, Phạm Hải Anh, Lê Minh Hà, và cũng có những người đã làm dậy sóng văn đàn trong một hai thập niên qua như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái...
Một điều vô cùng đặc biệt trong những ấn bản này là cả 100 cuốn (đánh số từ 1 đến 100), đều có chữ ký trực tiếp của 39 tác giả có tác phẩm trong cuốn sách (thiếu chữ ký của nhà văn Nguyễn Quý Đức hiện đang sống ở Mỹ và nhà văn nữ Đoàn Lê đi công tác vắng ở châu Âu trong thời gian làm sách).
Để có được 39 chữ ký cho tất cả 100 cuốn sách này quả là một công việc trần ai đối với Trần Đại Thắng. Anh hoàn toàn có thể viết thư rồi xin chữ ký qua chuyển phát nhanh, nhưng như lời của Thắng thì "phải tự mình trực tiếp tới xin chữ ký của từng tác giả mới thể hiện được sự trân trọng đối với họ".
Bởi thế nên đã có lần lên Buôn Ma Thuột xin chữ ký của nhà văn Nguyên Hương, khi quay về Sài Gòn bằng xe đò, bảo nhà xe cho dừng lại để mua một ổ bánh mì nhưng nhà xe nhất định không chịu, Thắng đã phải nhịn đói đến xây xẩm cả mặt mày.
Hay khi về Cà Mau xin chữ ký của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đi xe đò ở Sài Gòn từ sáng, xe vừa đón khách vừa sợ bị bắn tốc độ, đến 7 rưỡi tối mới đến nơi, Thắng đã phải mua ngay tại bến vé quay trở lại Sài Gòn vào lúc 9 giờ tối; vậy là trong một giờ rưỡi đồng hồ đó, Thắng vừa phải tìm gặp Nguyễn Ngọc Tư, vừa trình bày ý tưởng, vừa để cho nhà văn nữ này ký vào 100 bản rồi lại sấp ngửa ra bến xe để sáng sớm hôm sau đã có mặt ở TP Hồ Chí Minh...
Có rất nhiều chuyện như vậy trong những ngày Thắng lang thang khắp các tỉnh thành để xin lưu bút của các tác giả...
Một điều thú vị là thoạt đầu, cuốn sách chỉ dự định tập hợp tác phẩm của 40 tác giả. Nhưng một người bạn sau khi nghe Thắng kể về ý tưởng cho ra đời cuốn sách đã buột miệng nhận xét: "40 thì có vẻ tròn trịa quá!". Vậy là Thắng quyết định phải bổ sung thêm một người nữa vào cuốn sách. Nhưng chọn ai bây giờ?
Tham khảo khoảng 4-5 nhà văn, nhà phê bình cũng là những người khá am hiểu về đời sống văn học Việt Nam đương đại, một cái tên chung được nêu ra, Đỗ Hoàng Diệu, một giọng điệu mạnh bạo trong văn học vài năm qua. Nhà văn Châu Diên thậm chí còn nói: "Nếu cháu đã quyết chỉ có 40 người thì chú xin rút phần của chú ra để thay Đỗ Hoàng Diệu vào!". Ai dám nói là các nhà văn già không có cái nhìn bao dung và liên tài đối với các đồng nghiệp trẻ?
Trần Đại Thắng đã làm được điều mà ít người làm được, ấy là xuất bản một ấn phẩm để theo lời anh, "không cảm thấy hổ thẹn khi so sánh với những ấn phẩm của nước ngoài". Chỉ đơn giản thế thôi nhưng quả thật cũng gian nan và kỳ công. Tất cả xuất phát từ một chữ "mê": mê sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận