23/07/2005 16:45 GMT+7

Trần Bạch Đằng: Bản lĩnh cách mạng và sự nghiệp văn chương

TRẦN HỮU TÁ
TRẦN HỮU TÁ

TTCN - Năm nay Trần Bạch Đằng đã bước vào tuổi 80 (ông sinh ngày 15-7-1925). Trò chuyện với ông, mới thấy sức nghĩ của bậc cao niên này còn rất sắc, rất khỏe. Gặp ông trên các trang báo - sự gặp gỡ thường xuyên, có lúc là hằng ngày - người đọc thật sự quí mến ông về thái độ lao động cần mẫn, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm công dân rất cao.

apNBERiD.jpgPhóng to
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng tại lễ khánh thành trụ sở mới của báo Tuổi Trẻ
TTCN - Năm nay Trần Bạch Đằng đã bước vào tuổi 80 (ông sinh ngày 15-7-1925). Trò chuyện với ông, mới thấy sức nghĩ của bậc cao niên này còn rất sắc, rất khỏe. Gặp ông trên các trang báo - sự gặp gỡ thường xuyên, có lúc là hằng ngày - người đọc thật sự quí mến ông về thái độ lao động cần mẫn, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm công dân rất cao.

Cống hiến của ông cho văn chương và báo chí trong 2/3 thế kỷ qua đã rất đáng trọng, nhưng tôi tin rằng những ngày tới sự cống hiến ấy sẽ còn tiếp tục dồi dào, sâu sắc, có ích cho dân, cho nước.

Trong nền văn hóa văn nghệ VN hiện đại có một hiện tượng đáng chú ý: một số nhà cách mạng trung kiên, nổi tiếng, tuy vẫn không xa rời hoạt động chính trị nhưng chủ yếu gắn bó và đã có những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu. Tôi nghĩ đến nhà sử học, nhà thơ Trần Huy Liệu, người đã từng được bầu làm phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng tại Đại hội Quốc dân ở Tân Trào (8-1945) và được cử làm bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời sau Cách mạng Tháng Tám. Tôi lại nghĩ đến nhà sử học và nghiên cứu văn học, nhà giáo dục Trần Văn Giàu, người đã từng lãnh đạo khởi nghĩa ở Sài Gòn (25-8-1945) và được cử làm chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ khi Pháp gây hấn, xâm lược nước ta lần 2 (23-9-1945).

Trần Bạch Đằng thuộc nhóm nhân vật đặc sắc này. Trước hết ông là nhà cách mạng. Anh thanh niên học sinh Trương Gia Triều (tên thật của ông) là cháu nội của cụ nghè Trương Gia Mô, một nhân sĩ trí thức yêu nước nổi tiếng ở Nam bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, giác ngộ cách mạng từ năm 17 tuổi và gắn bó hết sức chặt chẽ với hai cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mỹ ở miền Nam. Trong 30 năm gian khổ và hào hùng ấy, ông lần lượt đảm trách nhiều cương vị quan trọng. Trần Bạch Đằng đã từng là bí thư Thành ủy Sài Gòn, nhiều năm phụ trách Ban tuyên huấn Trung ương cục và là một trong những ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN.

Có lẽ cũng do chịu ảnh hưởng của gia đình, lòng ham thích văn chương hình thành trong ông rất sớm. Năm 1943 - năm đầu tiên đến với cách mạng cũng là năm Trần Bạch Đằng có những bài thơ đầu tay già dặn, chững chạc: Trên bờ Đồng Nai, Dấu cũ, Chiếu rách mưa đêm, Dạy học lậu...

Sự nghiệp cầm bút của ông tính từ đó đến nay đã hơn 60 năm. Những cuốn sách, bài báo của ông nếu xếp lại có lẽ vượt mức “trước tác đẳng thân” như người xưa thường nói để ca ngợi những trí thức văn nghệ sĩ lao động cần mẫn.

Trong lĩnh vực văn chương, ông ký nhiều bút danh: Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường, Trần Quang, Nguyễn Trương Thiên Lý và có mặt trong nhiều thể loại. Ông là tác giả của những tập truyện ngắn nóng bỏng tính thời sự như Bác Sáu Rồng (1975), Một ngày của bí thư tỉnh ủy (1985) và của những tiểu thuyết góp phần thúc đẩy xu thế đổi mới của đất nước: Chân dung một quản đốc (1978), Ngày về của ngoại (1985). Ông thử sức và tự khẳng định trong lĩnh vực kịch: Trần Hưng Đạo bình Nguyên (1951), Nửa tuần trăng kỳ lạ (1984), Tình yêu và lời đáp (1985), Một mùa hè oi ả (1986), Một mối tình (1987). Ngành nghệ thuật điện ảnh non trẻ của nước ta cũng được Trần Bạch Đằng quan tâm. Nếu kịch bản phim truyện Ông Hai Cũ (hai tập - 1985, 1987), Dòng sông không quên (1989) chưa gây được ấn tượng đậm đà thì tác phẩm qui mô, hoành tráng Ván bài lật ngửa (chín tập, bắt đầu thực hiện từ 1982, hoàn thành năm 1988) là một thành công quan trọng.

Không có mấy người năng động, đa tài như Trần Bạch Đằng. Ông vừa là nhà văn vừa là nhà báo. Ngay từ năm 1946 ông đã được giao phụ trách tờ Chống Xâm Lăng của Thành ủy Sài Gòn và từ 1951 làm tổng biên tập báo Nhân Dân Miền Nam của Trung ương cục.

Có thể nói từ đó đến nay Trần Bạch Đằng luôn là một trong những cây bút hàng đầu của nền báo chí cách mạng VN. Nhiều người ngạc nhiên trước sức nghĩ và sức viết của cây bút cao niên này. Ông quan tâm đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, nhạy cảm trước những biến thiên tích cực cũng như tiêu cực của xã hội, rất nghiêm khắc trong việc phê phán những hiện tượng sai trái và có nhiều kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới đất nước.

Tập Đổi mới - Đi lên từ thực tế 1.090 trang (NXB Trẻ, 2000) gồm 112 bài, chọn từ hàng ngàn bài viết trong 25 năm, chia làm ba phần: Thôi thúc của đổi mới (1975 - 1985), Gian nan những bước đầu (1986 - 1991), Chín năm cho một cuộc hồi sinh (1992 - 2000) là tập văn chính luận xuất sắc hiếm thấy trong những năm gần đây.

Còn nhớ, khi tác phẩm này viết dưới dạng tiểu thuyết (chưa chuyển thể thành kịch bản điện ảnh) được đăng nhiều kỳ trên báo Tuổi Trẻ đã cuốn hút một lượng độc giả rất đáng kể.

Thể loại mà ông gắn bó lâu dài, thủy chung hơn cả là thơ. Từ những bài thơ đầu tay như đã nói ở trên, ông lần lượt cho xuất bản các tập Bài ca khởi nghĩa (1970), Hành trình (1972), Theo sóng Đồng Nai (1975), Đất nước lại vào xuân (1978), Những cái tên đồng bằng (1986), Tuyển tập Hưởng Triều (1997).

Xin nói kỹ một chút về bộ Ván bài lật ngửa và về thơ của ông. Tính cho đến nay đã có rất nhiều tiểu thuyết, phim ảnh tái hiện cuộc đối đầu lịch sử giữa nhân dân ta và thế lực xâm lược Mỹ trong suốt hai thập kỷ (1954 - 1975). Trong số không nhiều những sáng tạo nghệ thuật thành công, tác phẩm của Trần Bạch Đằng giữ vị trí nổi trội.

Dù là người trong cuộc nhưng chắc chắn tác giả cũng đã phải tốn nhiều công sức để chiếm lĩnh mảng hiện thực hết sức rối rắm phức tạp của miền Nam giai đoạn 1954 - 1963. Tính tư liệu lịch sử đậm đặc, xác thực và đắt giá. Rải khắp hơn 1.500 trang sách có không ít điện khẩn, hồ sơ mật, thông báo, hiệu triệu của Mỹ và chính quyền ông Diệm. Những bước thăng trầm, những khúc quanh ngã rẽ gian truân của công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm ngay trong sào huyệt của đối phương đã được nhà văn thể hiện sinh động, cuốn hút.

Do có điều kiện tìm hiểu, quan sát tại chỗ, và do bản lĩnh cách mạng già dặn nên ông đã tránh được căn bệnh sơ lược, giản đơn mà nhiều cây bút thường mắc khi viết về những nhân vật lịch sử thuộc tuyến đối lập. Người đọc lần lượt được tiếp xúc với nhiều tướng lĩnh, chính khách cỡ Maxwell Taylor, Paul Harkins, Cabot Lodge..., những người đứng đầu chính quyền Sài Gòn như Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu... Tuy bơi ngược dòng lịch sử, có nợ lớn với nhân dân ta, nhưng dưới ngòi bút Trần Bạch Đằng, họ là những người có đầu óc, có tài năng và không phải là không có nhân cách.

Cần ghi nhận thành công đặc sắc của nhà văn qua việc xây dựng nhân vật trung tâm - người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thành Luân, dạn dày mưu trí trong tranh đấu, kiên cường linh hoạt trong gian khó hiểm nguy. Phẩm chất, tính cách cao đẹp của người anh hùng này cũng như của Thùy Dung - người đồng đội luôn sóng bước trên từng chặng đường hoạt động gian nan quyết liệt - thật sự đã chiếm lĩnh được cảm tình của người đọc vì đã được tác giả khai thác đúng mức chiều sâu nội tâm và được đặt trong nhiều mối quan hệ xã hội giằng chéo rối rắm.

Có thể coi Ván bài lật ngửa là một trong những tiểu thuyết tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi của văn học VN hiện đại.

Khác với tiểu thuyết hoặc kịch bản văn học, tôi có cảm giác Trần Bạch Đằng đến với thơ thoải mái hơn nhiều. Có thể vì ông muốn tìm ở khu vườn tĩnh lặng này một cuộc chơi tinh thần tao nhã, để giải tỏa một phần sức ép khá căng của cuộc sống - đặc biệt là mấy năm hoạt động đấu tranh thời tiền khởi nghĩa cũng như những năm dài chống Pháp và chống Mỹ. Qua các trang thơ, ông như muốn ghi lại nhật ký tâm hôn.

Làm thơ, dù là ngắn gọn cô đúc bốn câu (như Dạy học lậu, Ở Xa Cam) hoặc qui mô hoành tráng 64 khổ, 256 câu thơ (như Hành trình) hình như ông chủ yếu quan tâm đến ý tưởng, tâm trạng chứ không quá chú trọng đến việc trau chuốt ngôn từ. Ông đến với thơ cùng lúc ông đến với cách mạng. Trách nhiệm với dân với nước luôn đè nặng trên vai, vì thế dù ông đề cập đến tình riêng hay nghĩa chung thì chất lý tưởng, tinh thần kiên định của người chiến sĩ vẫn in đậm nét trong từng bài. Tôi nhớ đến bài Chiếu rách mưa đêm ông viết 62 năm về trước để ghi lại một kỷ niệm nhỏ nhưng khó quên với Trần Văn Giàu - người đồng chí, người bạn vong niên mà ông kính trọng. Nỗi gian truân cơ cực trên bước đường tranh đấu được ông kể lại điềm đạm và xúc động:

Giọt tí tách ngoài thềmLạnh cắt ruột, mưa đêmỞ trần, manh chiếu ráchAnh với tôi mỗi bên Anh trở mình: chiếu lủngTôi co cẳng: trống trơn Ván như bằng nước đá Thèm ngủ giữa đống rơmVà thật bất ngờ, khi đọc đến khổ thơ kết thúc:Cuộc sống chỉ bắt đầuMà thử thách dài lâuKệ trời mang áo xámMặt nước nở hoa sao

17 tuổi đã có những câu thơ đầy hào khí như thế, quả là đáng nể. Khí phách hào hùng, chất trữ tình và chiều sâu của sự suy tưởng ấy thường hòa quyện trong thơ ông, đặc biệt khi nhà thơ đối diện với những thời điểm lịch sử: miền Nam Đồng khởi, Chiến dịch tổng tấn công xuân Mậu Thân, Ngày 30-4-1975... Những bài thơ hay nhất của Trần Bạch Đằng được sáng tác trong không khí đặc biệt ấy: Những người con gạo cội của miền Nam, Trong tổng tấn công đọc Lục Vân Tiên, Nghĩ về ngày đại thắng của một thành phố.

Xin nói một chút về bài Nghĩ về ngày đại thắng... Viết bài thơ này trong ngày đầu quân dân ta hoan ca mừng chiến thắng, nhà thơ đã khiến người đọc chú ý ngay từ những câu thơ mở đầu. Thật hào sảng, nhưng e có một chút cường điệu chăng:

Thế là trái đất ngừng quayTrời nín thở. Biển ngất ngây, bàng hoàngThắng rồi! Thần thoại Việt NamCả thời gian, cả không gian đổi màuThắng rồi! Lịch sử xôn xaoHành tinh thêm một tự hào mông mênhThắng rồi! Ấp ủ chung riêngNhẹ lâng những cặp chim chuyền sáng nay

(Trái đất) ngừng quay /(trời) nín thở /(biển) ngất ngây bàng hoàng /(thời gian, không gian) đổi màu... Đúng là có sự can thiệp của biện pháp tu từ đấy, nhưng không gây phản cảm mà có lẽ phải nói như thế mới cực tả được tâm trạng tột cùng hạnh phúc của ông cũng như của chúng ta trong những phút giây lịch sử, đằng đẵng đợi chờ ấy.

Câu thơ như tiếng reo vui: Thắng rồi! Thắng rồi!... nhưng bản lĩnh cách mạng già dặn của người chiến sĩ trong chừng mực nào đó đã kiềm chế sự hân hoan chính đáng mà có phần quá đáng của người nghệ sĩ. Để từ đó ông dành những phút trầm tư, cảm nhận cho thấu đáo kiệt cùng ý nghĩa, tầm vóc, ảnh hưởng lớn lao của chiến thắng lịch sử này:

Cao. Ai tính nổi mấy tầmSâu. Ai ước nổi tột cùng mà đoDài. Ai biết đến bao giờRộng. Ai đoán hết cuộc cờ năm châu?

Những câu thơ được đặt dưới dạng thức nghi vấn: Ai tính nổi? Ai ước nổi? Ai biết đến? Ai đoán hết? Hỏi, không phải vì thi sĩ hoang mang, mà vì ông muốn cùng người đọc đi đến tận cùng của chân lý. Cảm hứng ấy, sự suy tưởng hòa quyện trong niềm vui lớn ấy cứ thế quán xuyến suốt 76 câu thơ của toàn bài.

TRẦN HỮU TÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên