07/12/2012 07:00 GMT+7

Trăm dâu đổ đầu... phường

QUANG KHẢI ghi
QUANG KHẢI ghi

TT - Không chỉ người dân, những người được giao nhiệm vụ quản lý việc đăng ký nuôi chó, mèo cũng cho rằng không dễ thực hiện công việc này có hiệu quả.

Quy định “chính chủ” chó, mèo có khả thi?Chó mèo "chính chủ": đúng nhưng khó khả thi?

w7RLglQP.jpgPhóng to
Quản lý việc nuôi chó, mèo là cần nhưng phải làm cho hiệu quả. Trong ảnh: chó chạy rông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Mới đây thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về thu phí bảo trì đường bộ đã giao UBND phường thống kê, thu phí đối với xe máy. Chúng tôi đang lúng túng chưa biết triển khai như thế nào thì lại có thông tin trên báo chí cho biết Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành quyết định 2891 (ngày 14-11-2012) quy định: UBND phường phải lập sổ theo dõi số lượng nuôi, số hộ nuôi... và lập các đội chuyên trách bắt giữ chó, mèo thả rông ở khu đô thị, nơi đông dân cư hoặc chó, mèo nghi mắc bệnh dại...

Trước đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng có quy định yêu cầu phường cấp sổ quản lý chó cho các hộ chăn nuôi. Phường cũng vận động lực lượng đến từng tổ dân phố thực hiện chủ trương này nhưng nhiều năm liền không thấy ai kiểm tra, giám sát việc này nên sự việc gần như bị trôi vào quên lãng. Đúng ra việc này là của ngành thú y, bây giờ việc thành lập thêm đội chuyên trách bắt chó, mèo thì càng phải để ngành thú y thực hiện mới đúng chức năng nhiệm vụ được giao.

Còn việc thu phí sử dụng đường bộ, trên địa bàn phường hiện nay có hơn 25.000 dân, trong đó 30% là dân nhập cư, thường xuyên thay đổi chỗ ở, chưa kể những hộ dân có hộ khẩu thường trú mua bán, thay đổi xe máy. Do vậy sẽ rất khó khăn để những cán bộ không chuyên trách của phường đi kê khai và hằng tháng đi cập nhật từng nhà. Trường hợp người dân cố tình thông tin không đúng hoặc nói xe bị hư không đi thì lấy cơ sở đâu xác minh chính xác hay không. Vì vậy việc thu phí qua xăng dầu như đề xuất của nhiều người là hợp lý nhất, vừa đỡ gánh nặng cho phường vừa công bằng, phương tiện xài nhiều xăng thì đóng phí nhiều. Còn các phương tiện đường thủy, các phương tiện không sử dụng xăng dầu cho việc lưu thông đường bộ thì Nhà nước phải tính toán để loại trừ, việc này không khó.

Chủ trương, quy định của các bộ ngành đề ra thì phải do các đơn vị trực thuộc các bộ ngành ở địa phương cùng phối hợp thực hiện, nhưng không hiểu sao cứ đổ dồn về hết cho phường. Nếu cho rằng UBND phường là cơ quan gần dân nên giao việc cho phường là hợp lý, nhưng giao quá nhiều việc sẽ ảnh hưởng đến các công việc khác của phường, ảnh hưởng đến việc phục vụ dân.

Như UBND P.13, Q.Gò Vấp (TP.HCM) nhân sự trong biên chế hiện nay chỉ có 40 người, kể cả lao công, nhưng ngoài công việc hành chính theo chức năng thì hiện phải kiêm nhiệm thêm 36 đầu việc khác. Mặc dù thực hiện các đầu việc trên theo chế độ kiêm nhiệm nhưng phải chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu để xảy ra sai sót.

Vì vậy không chỉ nhân viên mà chủ tịch UBND phường luôn làm việc trong trạng thái căng thẳng, áp lực. Giờ tiếp tục giao phường phải làm thêm việc thu phí bảo trì đường bộ, lập đội bắt chó, mèo thì phường vẫn phải “gồng mình” làm, còn hiệu quả chưa nói trước được.

Ông Huỳnh Thanh Tuyến (chủ tịch UBND P.13, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Chưa phù hợp

Gần 40 ý kiến phản hồi của bạn đọc đã cho rằng việc đăng ký nuôi chó, mèo là cần làm nhưng chưa phù hợp với tình hình xã hội hiện tại.

Coi chừng bị lợi dụng

Quy định về việc chó, mèo phải đăng ký để quản lý là đúng và tốt cho công tác phòng chống bệnh, dịch và cũng để người dân có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, cần xem xét việc thành lập các đội săn bắt chó, mèo ở cấp phường, xã để tránh bị lợi dụng. Nạn trộm cắp chó hiện nay rất phổ biến, làm sao người dân phân biệt được người bắt chó là trộm hay là người của đội?

Làm tốt việc tiêm ngừa

Theo tôi, quy định này hợp lý nhưng phải có phương án và lộ trình phù hợp để thực hiện. Hiện nay người dân chưa quen việc này nên cần có thời gian vận động, tuyên truyền, chuẩn bị lực lượng thực hiện. Tôi nghĩ trước khi đi đến việc “khai sinh” cho chó thì hãy làm tốt công tác tiêm ngừa. Chi cục thú y nên kết hợp với chính quyền địa phương đến từng hộ dân kiểm tra, tiêm ngừa cho chó để phòng tránh bệnh. Chó được tiêm ngừa phải có thẻ, đánh dấu bằng vòng đeo cổ và người nuôi phải có trách nhiệm giữ gìn.

Tốn kém

Nhiều nước làm được việc đăng ký nuôi chó, mèo vì họ quản lý chặt và có biện pháp “cứng” đi kèm. Còn ở nước ta liệu có làm được như họ không? Chó, mèo phóng uế ra đường có ai đến từng hộ nuôi để phạt không? Nếu hộ dân nào nuôi chó, mèo mà không đăng ký thì có ai đến phạt không? Chó, mèo không chích ngừa bệnh dại thì có cơ quan chức năng nào phạt tiền không?...Việc đăng ký này nếu tiến hành phải tốn một khoản tiền không nhỏ để in giấy chứng nhận, in giấy kê khai, in sổ quản lý, bồi dưỡng cho người thực hiện kê khai, quản lý... nhưng hiệu quả chưa biết sẽ như thế nào. Vậy có nên bày thêm việc nhiêu khê cho dân?

QUANG KHẢI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên