06/06/2013 22:45 GMT+7

Trả lời cho câu hỏi mang tính nền tảng

Theo VIETNAMNET
Theo VIETNAMNET

Một câu hỏi có tính nền tảng là làm sao thúc đẩy được các quốc gia, kể cả các cường quốc, hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, đã có được lời giải trong bài phát biểu tại Shangri-La của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

qdvdP3zn.jpgPhóng to
Giáo sư Carl Thayer - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ qua email, ông David Brown, nhà ngoại giao kỳ cựu của Hoa Kỳ cho rằng “bài phát biểu của Thủ tướng đã đề cập một cách hùng hồn tới một câu hỏi mang tính nền tảng: làm thế nào để thúc đẩy tất cả các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc, hành động phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Dường như đây là lần đầu tiên, ý tưởng về xây dựng lòng tin chiến lược được đề cập tại một diễn đàn an ninh khu vực. Theo ông David, “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng nếu một quốc gia chỉ đơn giản công bố sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế, các hiệp ước và các thỏa thuận khác, thì đó là không đủ. Niềm tin chiến lược là kết quả của việc thể hiện lặp đi lặp lại rằng nguyên tắc này chi phối hành động của một quốc gia.”

Liên quan đến câu hỏi các nước trong khu vực cần phải làm gì để tăng cường niềm tin chiến lược để giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, trong đó có vấn đề Biển Đông, nhà ngoại giao từng có nhiều năm làm việc tại các nước châu Á và là nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế nhấn mạnh “đây là trung tâm của vấn đề.”

Theo ông, ASEAN tìm cách ràng buộc các cường quốc bên ngoài như Trung Quốc và Mỹ để tự điều chỉnh họ trong khu vực Đông Nam Á - bao gồm cả Biển Đông – theo cách thức tôn trọng luật pháp quốc tế và dựa vào đó để giải quyết tranh chấp.

Mười thành viên ASEAN có khả năng thành công cao nếu họ có thể hành động như một khi phản ứng với các mối đe dọa từ bên ngoài đối với bất kỳ thành viên nào của họ, và nếu họ có thể giải quyết các bất đồng nội bộ trên cơ sở cùng nhau tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hùng hồn chỉ ra, đối thoại là một việc dễ dàng, nhưng chỉ những hành động nhất quán mới có thể xây dựng niềm tin chiến lược giữa các quốc gia. Khi có niềm tin chiến lược thì ngay cả những câu hỏi khó nhất cũng có thể được giải quyết trên cơ sở lợi ích chung.

Đánh giá về phản ứng của các hãng tin, học giả nước ngoài đối với bài phát biểu của Thủ tướng, David nói rằng Các phương tiện truyền thông quốc tế chỉ thông báo ngắn gọn về những phát biểu của Thủ tướng và điều này là bình thường. Quan trọng là “Thủ tướng đã nêu một cách rõ ràng vị trí nền tảng của Việt Nam. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phản ứng của các nhà ngoại giao và các nhà chiến lược quân sự của các quốc gia khác, điều này sẽ được nhìn nhận trong một thời gian dài”.

Khi được hỏi về ý tưởng xây dựng lòng tin chiến lược có sẽ có ảnh hưởng hoặc định hình chương trình nghị sự của các diễn đàn an ninh khu vực sắp tới như ARF, ADMM + cũng như các hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và các đối tác như thế nào?

David Brown nói ông muốn nhấn mạnh rằng “điều quan trọng không phải là lời nói mà là hành động”.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia

* PV: Theo quan điểm của ông, lòng tin chiến lược là gì? Đó có phải là giải pháp thích hợp cho khu vực trong bối cảnh hiện nay?

- GS. Carl Thayer: Các nhà phân tích an ninh khu vực lâu nay vẫn bàn về khái niệm lòng tin trong quan hệ quốc tế. Người ta thường nhắc đến cụm từ “những biện pháp xây dựng lòng tin và sự tin cậy”. Do lòng tin rất khó định nghĩa, cho nên Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đã sử dụng khái niệm “những biện pháp xây dựng niềm tin”.

Lòng tin chiến lược là nói đến nhận thức của quan chức chính phủ nước này đối với chính phủ nước khác để có thể nhận biết được ứng xử của chính phủ nước ấy.

Lòng tin chiến lược dựa trên việc cùng thừa nhận những nguyên tắc chung, tiêu chí và luật pháp quốc tế. Nó ra đời do sự tương tác giữa hai quốc gia khi cùng thực hiện những hoạt động chung.

Lòng tin chiến lược sẽ giảm thiểu, nhưng không bao giờ xóa bỏ được nguy cơ hay ngờ vực của một quốc gia đối với ý định và động cơ của quốc gia khác.

Một số chuyên gia về an ninh cho rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp cận vấn đề lòng tin chiến lược từ hai hướng trái ngược. Hoa Kỳ thường xuyên thúc giục Trung Quốc tham gia các hoạt động quân sự để xây dựng lòng tin. Trung Quốc thì lập luận rằng phải có lòng tin trước khi có các hoạt động hợp tác quân sự. Ví dụ, Trung Quốc thúc giục Hoa Kỳ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan. Nếu Hoa Kỳ làm như vậy, thì niềm tin giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ gia tăng.

* PV: Theo ông, ý tưởng về xây dựng lòng tin chiến lược sẽ có tác động hay định hình chương trình nghị sự của các diễn đàn an ninh khu vực như ARF, ADMM+ hay các hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác trong thời gian tới như thế nào?

- GS. Carl Thayer: Khi ARF được thành lập, dự kiến Diễn đàn sẽ trải qua ba giai đoạn phát triển là: xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, và “loại bỏ khả năng xung đột”.

Ngay trong năm đầu tiên sau khi thành lập, ARF đã nhất trí giai đoạn 1 và giai đoạn 2 có thể được tiến hành song song vì có chồng lấn giữa xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa.

ARF là diễn đàn của các ngoại trưởng và cả những đại diện của giới quân sự. ARF đã thực hiện được một số hoạt động thực tiễn. Chương trình nghị sự về xây dựng lòng tin chiến lược có thể bị ảnh hưởng bởi bản chất của các hoạt động thực tiễn.

Thông thường, các thành viên của ARF mới chỉ tham dự vào những hoạt động không gây tranh cãi. Bây giờ chính là lúc tiến vào những lĩnh vực nhạy cảm.

Cũng có thể xây dựng lòng tin chiến lược tại ADMM+ thông qua các hoạt động thực tiễn trong thời gian tới như diễn tập hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa trong ADMM+ năm 2013 tại Brunei.

Lòng tin chiến lược cũng có thể được xây dựng thông qua việc tham gia vào Nhóm công tác cấp chuyên gia ADMM+ (EWG) do một nước ASEAN và một đối tác đồng chủ trì. Việt Nam và Trung Quốc đang đồng chủ trì nhóm EWG về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Trong thời gian tới, Việt Nam và Ấn Độ sẽ đồng chủ trì nhóm EWG mới về rà phá bom mìn.

Việt Nam đã có một gợi ý rất thiết thực và có giá trị đối với ASEAN: Ký một thỏa thuận về việc “không sử dụng vũ lực trước tiên” để giải quyết những sự cố hàng hải. Khi thỏa thuận này được ký kêt, ASEAN có thể khuyến khích các đối tác của mình tham gia. Việt Nam cũng thúc đẩy đối xử nhân đạo với ngư dân.

Cuối cùng, một điều rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo Chính phủ là biến Cấp cao Đông Á (EAS) thành “diễn đàn của các nhà lãnh đạo” bằng cách tiếp thu những khuyến nghị từ ARF, ADMM+ và những cơ quan đa phương khác và chỉ đạo triển khai các hoạt động thực tiễn.

Theo VIETNAMNET
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên