![]() |
Tôi đọc câu trả lời của chương trình thấy có đề cập đến lý do “môi trường làm việc không phù hợp”. Chương trình có thể giúp tôi trả lời rõ câu hỏi này hơn được không? Nếu nhà tuyển dụng hỏi thế nào là một môi trường phù hợp thì nên trả lời ra sao?
(emerald…@... )
- Chào bạn. Bạn đã tự đưa ra trước các câu hỏi để chuẩn bị cho mình câu trả lời, điều này cho thấy thành ý của bạn đối với công việc mới. Song không hẳn tất cả mọi người đều cứng nhắc trả lời “môi trường làm việc không phù hợp” khi muốn chuyển việc, bởi còn nhiều lý do khác.
Khi phỏng vấn, ứng viên có thể chia sẻ những lý do này với nhà tuyển dụng để hai bên cùng hiểu nhau: ứng viên có thể hiểu rõ môi trường làm việc và văn hóa công ty; phía nhà tuyển dụng sẽ tìm hiểu nguyện vọng của ứng viên xem có phù hợp với vị trí công việc, môi trường làm việc và văn hóa của công ty không.
Về một môi trường làm việc phù hợp, chúng ta có thể hiểu như sau:
1. Đồng nghiệp: sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để đạt hiệu quả cao trong công việc, có những buổi họp mặt, giao lưu giữa các phòng ban, nhân viên trong công ty.
2. Những quy định, nguyên tắc trong công việc được áp dụng cứng nhắc hay linh hoạt để nhân viên cảm thấy thoải mái làm việc và có được hiệu quả tốt nhất.
3. Không gian làm việc: điều kiện, môi trường làm việc đảm bảo sức khỏe; có những khoảng không gian để nhân viên thư giãn…
Điều quan trọng là bạn hãy xác định mong muốn, mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Bạn muốn tìm môi trường làm việc như thế nào để có thể phát huy khả năng tốt nhất đáp ứng cho công việc.
Từ mong muốn đó, bạn hãy tìm hiểu về môi trường làm việc của công ty trước khi phỏng vấn để có được buổi phỏng vấn hiệu quả, cũng như sẵn sàng cho một công việc mới, môi trường mới và đồng nghiệp mới.
* Tôi là kỹ sư điện tử viễn thông, đã làm việc cho Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật viễn thông Hà Nội được 3 tháng (2 tháng thử việc). Xin hỏi mức lương mà tôi có thể nhận là bao nhiêu? Được tính như thế nào?
(dinhcuong…@... )
- Chào bạn. Điều 7, nghị định của Chính phủ số 44/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động quy định thời gian thử việc đối với người lao động như sau:
Thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
Thời gian thử việc không được quá 30 ngày đối với chức danh nghề cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
Thời gian thử việc không được quá 6 ngày đối với lao động khác.
Đối với lao động đã qua đào tạo nghề, tiền lương được xác định theo chức danh công việc và thấp nhất phải cao hơn ít nhất 70% so với mức lương tối thiểu trên địa bàn đó.
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 70% mức lương cấp bậc của công việc đó.
Điều 32 Bộ luật lao động cũng quy định: tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 70% mức lương cấp bậc của công việc đó. Thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với lao động chuyên môn kỹ thuật cao và không được quá 30 ngày đối với lao động khác...
Trên đây chỉ là những quy định chung, cũng có một số trường hợp đặc biệt công ty sẽ có mức điều chỉnh cao hơn hoặc thấp hơn quy định chung này dựa trên kết quả công việc mà người lao động đã đạt được trong suốt quá trình thử việc, chính sách lương và chế độ đãi ngộ của từng công ty.
Chúc bạn đạt được nhiều thành công trong công việc!
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận