07/10/2018 15:17 GMT+7

Trả lại tuổi thơ cho các em

HUY SƠN
HUY SƠN

TTO - 1. Một lần tình cờ, tôi bỗng nhiên trở thành khán giả của cô bé 3 tuổi từ một clip trên YouTube.

Trả lại tuổi thơ cho các em - Ảnh 1.

Chương trình Giọng hát Việt nhí phát sóng vào khung giờ khá muộn đối với khán giả nhí - Ảnh: VTV

Trong clip, cô bé song ca với một thanh niên hơn 20 tuổi, không một chút rụt rè, ngược lại còn tỏ ra tự nhiên mà hiếm đứa trẻ nào có được.

Đến "vai" của mình, cô bé cầm micro rồi đĩnh đạc hát: "Anh ơi, em tìm người yêu chung thủy. Em tìm người yêu trong mơ. Dẫu nghèo vẫn không đổi lòng...". Lúc cô bé hát, nhiều người lớn ở bên dưới vỗ tay hò reo, ra chiều rất phấn khích.

Thông thường, khi xem một clip nào đó trên YouTube, bạn sẽ được "giới thiệu" thêm những clip có cùng chủ đề. Danh sách này được xếp bên phải của clip đang xem. 

Nhờ đó, ngoài màn song ca "Tình nghèo có nhau", tôi còn bắt gặp nhiều clip của cô bé, khi thì hát ở đám cưới, lúc hát ở chương trình Tết thiếu nhi... 

Đặc biệt, ở đám cưới nọ, cô bé còn hát với người cha của mình, vẫn là: "Anh ơi, em tìm người yêu chung thủy...".

Nhưng cô bé đó không phải là trường hợp duy nhất, bởi còn rất nhiều clip nữa mà "ca sĩ" là những cô bé cậu bé độ tuổi lên 3 lên 5 nhưng các em toàn hát những bài dành cho người lớn, trong sự cổ vũ nhiệt tình của người lớn. 

Lần theo những clip do YouTube "giới thiệu", tôi tiếp tục trở thành khán giả của bé trai 3 tuổi với những nhạc phẩm: "Lại nhớ người yêu", "Chiều sân ga", "Ngoại ô buồn". 

Trong một đám cưới, cậu bé này hát bài "Vợ người ta" và cũng được khán giả cổ vũ, hò reo không khác gì những ca sĩ có lượng người hâm mộ lớn.

2. Việc các em nhỏ hát nhạc người lớn không còn xa lạ, thời gian qua báo chí cũng đã lên tiếng nhiều lần. Có điều, vấn đề này không những không giảm đi mà ngày càng phổ biến. 

Ngoài câu chuyện trẻ em hát nhạc người lớn, điều đáng lo ngại là việc sử dụng trẻ em như một thành tố của ngành công nghiệp truyền hình. 

Các cuộc thi hiện nay đã không còn là nơi để các em thể hiện tài năng, hay giao lưu, học hỏi với bạn bè một cách thuần túy; mà biến tướng, trở thành những chương trình giải trí... phục vụ người lớn.

Không còn diễn ra vào dịp hè - là thời điểm các em không bị vướng bận hay áp lực từ chuyện học hành, giờ đây các cuộc thi diễn ra quanh năm. Như cuộc thi "Giọng hát Việt nhí 2018" lên sóng vào tối 8-9, nghĩa là chỉ 3 ngày sau lễ khai giảng. (Thực tế, từ cuối tháng 8 các em đã phải trở lại trường). 

Ngoài "Giọng hát Việt nhí", còn rất nhiều cuộc thi đã và đang tiếp tục lên sóng như "Thần tượng âm nhạc nhí", "Gương mặt thân quen nhí", "Bước nhảy hoàn vũ nhí", "Người hùng tí hon", "Tiếu lâm tứ trụ nhí", "Tuyệt đỉnh song ca nhí", "Tỏa sáng ngôi sao nhí"... 

Ai cũng biết, nếu không phát sóng trực tiếp thì chương trình đã được ghi hình từ trước đó. Nhưng với giờ phát sóng của "Giọng hát Việt nhí 2018" vào lúc 21h15, và thường kéo dài khoảng 2 tiếng, thử hỏi giờ đó trẻ con nào còn thức để xem? 

Vậy nên, chương trình mang tiếng dành cho thiếu nhi nhưng cuối cùng người xem lại không phải thiếu nhi!

3. Làm thế nào để các em được hồn nhiên tận hưởng tuổi thơ? Chỉ mong nhà đài, phụ huynh, những khán giả người lớn cùng đặt câu hỏi đó để không vỗ tay nhiệt tình cho những tiết mục không phù hợp, những chương trình được thực hiện không vì chính các em trước nhất...

Sự đề cao tính thương mại của hầu hết các cuộc thi dán nhãn dành cho thiếu nhi hiện nay vô tình đang bỏ trống vai trò của chuyên gia tâm lý trong các chương trình.

Nhiều cuộc thi đã khiến các em không còn vô tư trước thắng - thua như luật chơi vốn phải thế.

Hậu quả là những em kém may mắn, phải dừng cuộc thi sau mỗi tuần lại khóc tức tưởi trên truyền hình.

Các em có bị sang chấn tâm lý như thế nào - điều mà các chuyên gia về tâm lý đã cảnh báo, dù muốn dù không cũng đành nhắm mắt cho qua.

HUY SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên