Phóng to |
Ấn phẩm Tình nước, Thanh niên đầu quân ấn hành từ đầu thập niên 1950 được nhà sưu tầm Trần Công Bảo Anh lưu giữ -Ảnh: P.T.N. |
Ðầu năm 2009, Bộ VH-TT&DL đã công bố chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Trước đó, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN công bố đã thu trên 15 tỉ đồng phí tác quyền trong năm 2008. Ðây được xem là những thông tin đầy phấn khích đối với giới sáng tác cũng như những tổ chức, cá nhân nắm giữ các quyền liên quan trước tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn biến phức tạp tại VN. Tuy nhiên, vẫn còn đấy những băn khoăn về việc làm sao để quản lý, bảo hộ hiệu quả quyền tác giả khi đến nay chúng ta vẫn chưa trả đúng nhiều tác phẩm về cho chủ của chúng.
"Không phải của tôi"
Ông Viết Tân, giám đốc Viết Tân Studio: Chuyện ghi nhầm tên tác giả trên bìa đĩa đôi khi chúng ta vẫn hay gặp và thường nguyên nhân nằm ở khâu biên tập, trình bày. Tác giả, trong những trường hợp như vậy, thường cũng chỉ yêu cầu một lời giải thích, xin lỗi và một sự đính chính khi album được tái bản. Một số tác giả khó tính yêu cầu dán đè tên tác giả thực lên chỗ nhầm lẫn. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn hợp lý. Để tôn trọng người sáng tác cũng như khán giả, chúng tôi luôn yêu cầu nhân viên của mình phải phối kiểm với khâu biên tập để không xảy ra sai sót, hoặc nếu có sai sót cũng phải được xử lý kịp thời. |
Trò chuyện với nhạc sĩ Trần Quang Lộc, Tuổi Trẻ bất ngờ được ông đề nghị đính chính giúp những thông tin sai về tên tác giả của một số tác phẩm được cho là của Trần Quang Lộc đang lưu truyền trên mạng Internet. Ông khẳng định: "Những bài đó không phải của tôi". Theo lời ông kể, dạo trước có một người bạn của ông ở nước ngoài về VN, đến thăm ông và đề nghị cho nghe một số bài hát. Trần Quang Lộc khi ấy đã đưa cho bạn mình một cuộn băng cassette thu những bài ông hát cùng cây đàn guitar trong những buổi họp mặt bạn bè.
Nhạc sĩ nói: "Trong cuộn băng đó hầu hết là bài của tôi, nhưng cũng có bài của người khác. Chẳng hạn như bài Người xa như hình bóng là nhạc của anh Nguyễn Ðình Toàn, bài Dạ khúc cũng của anh Toàn nhưng cả hai khi ra album đều bị ghi thành sáng tác của tôi, thậm chí bài Dạ khúc còn bị đổi tên thành Riêng tôi nhớ người".
Cũng trong câu chuyện, nhạc sĩ Trần Quang Lộc xác nhận tác phẩm Về đây nghe em mà nhiều người vẫn biết là nhạc Trần Quang Lộc, thơ A Khuê thực chất là sáng tác của riêng Trần Quang Lộc, hay như bài Người em sầu mộng, ý thơ Lưu Trọng Lư nhưng những người làm đĩa lại không ghi khiến ông phải tự áy náy dù không ai truy cứu.
Tác phẩm Phượng buồn lừng danh một thuở trong giới học trò vẫn thường được ghi chú tên hai đồng tác giả là Nguyễn Vũ (có nơi ghi Phương Vũ) và Thanh Sơn. Tuy nhiên, khi xác nhận lại thì cả hai tác giả đều khẳng định đây không phải là tác phẩm của mình, càng không hiểu vì sao tên của các ông xuất hiện với tư cách là tác giả của tác phẩm.
Trường hợp tương tự rơi vào cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà với ca khúc Biết đến thuở nào vốn là sáng tác của Tùng Giang và Trường Kỳ nhưng không hiểu vì sao và từ đâu lại được xem là tác phẩm của ông. Sinh thời, đã có một dạo gặp ai Lê Hựu Hà cũng phải tự đính chính: "Bài đó không phải của tôi đâu" dù không bị ai tra hỏi.
Trong hàng loạt vụ việc "con" người này mang tên người "cha" khác, không phải lúc nào các nhạc sĩ cũng sẵn sàng và công khai xác nhận như trên. Những câu chuyện với giới nhạc sĩ có thâm niên nghề nghiệp và am hiểu chuyện làng nghề vẫn thường dẫn chúng ta đến với nhiều câu hỏi không lời đáp.
Sự thật tìm đâu?
Nhiều năm trước, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhạc sĩ G.T. đã chọn phương án "bán mão" một số lượng lớn tác phẩm của mình cho một nhạc sĩ khác để có tiền trang trải cuộc sống. Cho đến hôm nay, những tác phẩm ấy vẫn được ký tên của người nhạc sĩ kia và cả hai đều im lặng trước mọi câu hỏi của đồng nghiệp về cuộc mua bán ấy.
Thông tin cho Tuổi Trẻ, nhạc sĩ T.L. nói: "Thật ra chuyện thỏa thuận là chuyện giữa hai người và xét về mặt tài sản thì giao dịch dân sự đó đã được thực hiện, không có tranh chấp thì mình cũng không nói gì được. Ðiều chúng tôi băn khoăn là cách ứng xử giữa người trong nghề với nhau và hơn nữa là sự thật đã không được làm rõ. Nói dại, lỡ chẳng may một trong hai ông ấy qua đời thì bí mật này sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi, con cháu chúng ta sẽ phải công nhận tên của một nhạc sĩ không phải là cha đẻ của tác phẩm". Cũng đồng quan điểm, nhạc sĩ T.N. nói: "Tiền bản quyền trả cho một tác phẩm có thể nhiều hoặc ít. Không sao, vì nhạc sĩ ngày nay đâu có sống bằng tiền bản quyền. Cái quan trọng là tác phẩm của ai phải mang tên người đó, còn chuyện ai là người thụ hưởng số tiền bản quyền là chuyện khác".
Nỗi âu lo của các nhạc sĩ không phải không có lý khi những người trong cuộc của rất nhiều nghi án tác phẩm lộn tên đều đã có tuổi và sức khỏe dần yếu, một số khác đã qua đời mang theo không ít uẩn tình còn chưa được biết.
Quanh vụ tranh chấp quyền tác giả của nhạc sĩ M. và H. gần đây, nhạc sĩ T.S., N.D. cung cấp thêm vài hồ sơ mà ký ức các anh còn lưu giữ được. Ðáng tiếc là trong những hồ sơ ấy có một số tác giả đã mất, không thể đối chất nhằm tìm ra chân lý. Ví dụ điển hình là tác phẩm Thanh niên đầu quân, được biết dưới tên tác giả là Văn Kiện nhưng lại có một phiên bản khác, ký tên một tác giả khác. Bài Tình nước của Vũ Hòa Thanh cũng có một phiên bản khác, cũng khác tên tác giả. Nói về sự việc này, nhà sưu tầm nhạc xưa Trần Công Bảo Anh lắc đầu: "Dựa trên thời gian của những ấn phẩm tôi sưu tầm được, có thể nói rằng đó là các tác phẩm của Văn Kiện và Vũ Hòa Thanh, nhưng những tác giả ấy bây giờ đâu còn để mình hỏi. Biết làm sao!".
Nếu không có cách để tìm ra tác giả thật của một tác phẩm, nếu ngay hôm nay chúng ta không trả lại tên cho các tác giả thì chúng ta sẽ chưa thể thực thi hiệu quả công tác bảo vệ bản quyền, và chắc chắn tên tuổi cũng như tiền bạc lẽ ra của người này sẽ thuộc về người khác một cách bất công.
(*) Tựa phim Biệt động Sài Gòn, phần IV.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận