![]() |
Có bến xe mới hiện đại, người dân không còn phải chờ xe giữa trời nắng như thế này |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Mới đây, UBND TP.HCM đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương phối hợp giải phóng mặt bằng xây dựng bến xe miền Đông mới để kết nối trung chuyển hành khách giữa vận tải đường bộ và đường sắt, là đầu mối giao thông vận tải phía đông TP và kết nối với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bến xe miền Đông mới kết nối với metro
* Theo Samco, bến xe xuyên Á đặt tại xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn, TP.HCM) là bến xe quốc tế chuyên chở khách đi Campuchia, Lào, Thái Lan... và tiếp nhận xe chở khách từ các nước trên đến VN. Bến xe này có qui mô 23ha và hiện nay UBND huyện Hóc Môn đã được giao thực hiện dự án bồi thường giải tỏa để xây dựng mới bến xe tại đây. * Theo qui hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, TP.HCM sẽ có bảy bến xe khách liên tỉnh được cải tạo hoặc xây dựng mới. |
Bến xe miền Đông mới ở Suối Tiên có diện tích 23,5ha, trong đó 11ha thuộc địa phận huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Theo qui hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020, bến xe miền Đông sẽ được di dời về hai bến xe mới gồm bến xe tại khu vực Suối Tiên (trên xa lộ Hà Nội, Q.9) và bến xe ở Long Trường - sông Tắc (Q.9).
Thế nhưng, do dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã được khởi động và dự kiến hoàn thành năm 2013 nên TP phải xúc tiến xây dựng ngay bến xe miền Đông mới ở Suối Tiên và phải đưa vào hoạt động trước tuyến metro, ông Phạm Quốc Tài - phó tổng giám đốc Samco - cho biết.
Cũng theo Samco, bến xe miền Đông mới ở Suối Tiên sẽ phục vụ hành khách đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc và Tây nguyên, còn bến xe miền Đông mới ở Long Trường - sông Tắc (Q.9) có qui mô 15-19ha, sẽ bám theo trục đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây nhằm phục vụ hành khách đi các tỉnh ven biển miền Trung. Hiện nay, bến xe này đang chờ qui hoạch chi tiết 1/2.000 để xác định vị trí làm bến xe.
Bến xe miền Tây kết nối với xe điện mặt đất
Mới đây, Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ đã ký bản ghi nhớ với Sở Giao thông công chính TP.HCM xây dựng tuyến xe điện mặt đất Sài Gòn - bến xe miền Tây trị giá 200 triệu USD. Theo đó, tuyến xe điện mặt đất bắt đầu đi từ bến Bạch Đằng - dọc theo đại lộ đông - tây, điểm cuối là bến xe miền Tây hiện hữu và sẽ đưa vào hoạt động năm 2012. Do đó, việc di dời bến xe miền Tây về vị trí mới ở xã Tân Quí Tây (huyện Bình Chánh) đòi hỏi phải hoàn thành trước năm 2012.
Thế nhưng, theo ông Phạm Quốc Tài, hiện nay khu đất xây dựng bến xe mới ở xã Tân Quí Tây do một đơn vị công ích của UBND Q.10 làm chủ đầu tư đã bỏ bê từ 5-6 năm nay. Vì vậy, mới đây Sở Giao thông công chính TP đã đề nghị UBND TP giao lại cho Samco làm chủ dự án đầu tư xây dựng bến xe miền Tây mới có qui mô 20ha (trong đó có 6ha đất để tái định cư). Hiện Samco đã sẵn sàng nguồn vốn để đầu tư xây dựng bến xe mới ở đây.
Việc xây dựng bến xe mới nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vì bến xe được kết nối với các tuyến metro và xe điện mặt đất đưa hành khách từ các tỉnh vào trung tâm TP. Trong khi đó, các bến xe hiện hữu nằm trong khu vực nội thành dễ gây ùn tắc giao thông, nhất là vào những ngày lễ, tết có lượng khách đi lại tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Do đó, khi đã có bến xe mới, các bến xe hiện hữu sẽ được chuyển thành các đầu mối nhà ga xe buýt nội thành và xe buýt đến các tỉnh liền kề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận