08/09/2012 07:07 GMT+7

"TP.HCM phải phục hồi bóng đá trẻ"

NGUYÊN KHÔI thực hiện
NGUYÊN KHÔI thực hiện

TT - Đó là phát biểu của tân chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) Trần Anh Tú, chủ tịch HĐQT Công ty Thái Sơn Nam, khi nói về những khó khăn sắp tới trong việc tìm cách vực dậy bóng đá TP.HCM.

TT - Đó là phát biểu của tân chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) Trần Anh Tú, chủ tịch HĐQT Công ty Thái Sơn Nam, khi nói về những khó khăn sắp tới trong việc tìm cách vực dậy bóng đá TP.HCM.

Theo ông Tú: “Nguyên nhân lớn nhất khiến bóng đá TP.HCM đi xuống chính là yếu từ khâu đào tạo trẻ. Chúng ta không chăm chút cho những người thầy dạy bóng đá. Thầy yếu thì không thể có trò giỏi. Ngoài ra, việc tìm kiếm tài năng gặp khó khăn khi phụ huynh ở TP.HCM không hề muốn con em mình chơi thể thao đỉnh cao, nhất là bóng đá. Vì vậy, trước khi được đề cử làm chủ tịch HFF, tôi đã đặt vấn đề với anh em nhiệm vụ quan trọng nhất thời gian tới là phải phục hồi bóng đá trẻ. Cụ thể, ngoài việc tổ chức nhiều giải năng khiếu, HFF cần phải đưa bóng đá vào trường học. Bóng đá trường học có phát triển mới có nhiều nguồn cho HLV các tuyến năng khiếu tuyển chọn”.

* Nhưng có người cho rằng chúng ta hô hào đưa bóng đá vào trường học là chỉ nói cho sướng miệng, bởi các trường học đều không có sân bãi và HFF cũng chưa ngồi lại với phía giáo dục?

- Chúng tôi đã chuẩn bị điều này từ vài tháng qua. Đầu tiên là việc xin phép mở lớp HLV bằng D bóng đá cho các thầy giáo dạy giáo dục thể chất ở các trường học để tạo nguồn HLV. Thứ hai, trước đại hội HFF, chúng tôi đã mời Sở GD-ĐT TP.HCM hợp tác và kéo một cán bộ có kinh nghiệm tổ chức, phát động các trường tham gia những hoạt động bóng đá của TP.HCM thời gian qua của Sở GD-ĐT vào ban chấp hành HFF nhiệm kỳ này. Cuối tháng 11, tôi sẽ sang Nhật học hỏi cách làm bóng đá học đường của người Nhật.

Tuy sân bãi là một rào cản nhưng hiện tại một số trường THPT ở TP.HCM đều có sân bóng đá mini. Chúng tôi sẽ triển khai thí điểm từ đây bên cạnh việc tổ chức sân chơi toàn thành cho các em tham dự. Nếu được các trường hưởng ứng, tôi nghĩ phụ huynh cũng không có lý do gì phải cấm con em mình chơi thể thao.

* Về việc tồn tại của CLB TP.HCM sau khi rớt xuống hạng nhì, người cho rằng nên bỏ vì không thể làm bóng đá kiểu nợ nần và đi xin tiền, người cho rằng nên giữ và làm lại vì dù sao đây cũng là “con ruột” của bóng đá TP.HCM. Ông nghĩ sao?

- Hai năm trước, UBND TP.HCM từng đề nghị mua lại đội bóng để đầu tư tốt hơn nhưng việc này đã không xảy ra. Vì vậy, việc tồn tại của CLB TP.HCM phụ thuộc vào chính ông chủ của đội bóng. Việc anh Nguyễn Chí Kiên - giám đốc điều hành CLB - cầm nhà, cầm xe để có tiền cho CLB hoạt động trong thời gian qua không phải là cách làm bóng đá. Nếu có giúp thì chúng tôi cũng chỉ giúp về chuyên môn. Theo quan điểm của tôi, CLB TP.HCM cần chấp nhận làm lại từ đầu ở giải hạng nhì, tạo một chân đế vững mạnh để đường hoàng trở lại V-League.

* Ông sẽ làm gì để giúp đỡ CLB TP.HCM cũng như cho bóng đá TP.HCM trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay?

- Tôi sẽ gặp anh Nguyễn Chí Kiên để tìm hiểu nội tình đội bóng để có thể đề ra hướng giúp đỡ. Tôi cũng sẽ gặp chủ tịch CLB Navibank Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Thọ để tìm hiểu việc họ có chuyển giao đội bóng như dư luận đang đồn đãi hay không. Nhưng theo tôi, anh Thọ cũng chưa phải là người quyết định được số phận của đội bóng.

NGUYÊN KHÔI thực hiện

____________________

Bình luận:

“Mốt đưa thể thao vào trường học”

Một vị hiệu trưởng đã nói như thế sau khi đọc bản tin tân chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM Trần Anh Tú phát biểu với báo chí trong nhiệm kỳ của mình sẽ tập trung phát triển bóng đá học đường.

Thật ra, không chỉ một vị hiệu trưởng mà rất nhiều nhà giáo đã nói bây giờ đang có mốt môn thể thao nào cũng đòi đưa vào trường học. Vovinam muốn phát triển: đưa vào trường học! Bóng chuyền yếu quá: đưa vào trường học! Cần phát triển môn thể thao trí lực - cờ vua: đưa vào trường học! Quần vợt VN mãi lẹt đẹt nên cần phải đưa vào trường học! Phải phổ cập bơi lội cho trẻ em: đưa vào trường học...

Môn nào cũng muốn đưa vào trường học nhưng chẳng ai chịu nhìn lại trường học hiện nay ở VN, đặc biệt tại những thành phố có giá đất cao ngất ngưởng như TP.HCM, học sinh thiếu sân chơi như thế nào. Hôm khai giảng năm học mới 2012-2013, tường thuật của các phóng viên giáo dục cho thấy rất nhiều trường đã giản đơn buổi lễ này đến mức không thể đơn giản hơn do có sân đâu mà bày vẽ!

Cái khó của việc phát triển thể thao học đường ở VN nói chung, TP.HCM nói riêng không chỉ vì mỗi lý do thiếu sân bãi mà quan trọng không kém nữa là... thời gian đâu để chơi? Hiện tại chương trình dạy và học đã bị cho là quá nặng, quá dàn trải nên học sinh muốn học tốt phải vắt giò lên cổ mà học từ sáng đến tối mịt, chẳng còn thời gian đâu rèn luyện thể thao.

Cách đây khoảng chục năm, quần vợt TP.HCM tiến công vào trường học bằng một đề tài khoa học được ngân sách nhà nước tài trợ (200 triệu đồng) do HLV Trần Trọng Anh Tú và hiệu trưởng Trường Năng khiếu thể thao TP.HCM Lâm Quang Thành (nay là tổng cục phó Tổng cục TDTT) làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài này được thực hiện thí điểm tại ba trường học ở quận 1, quận 3, TP.HCM. Nhưng kết quả cuối cùng thất bại vì học sinh và phụ huynh không mặn mà.

Nhắc lại câu chuyện cũ để thấy rằng việc phát triển thể thao học đường không phải đơn giản cứ thích là làm, cứ muốn là nói. Muốn làm hiệu quả việc này cần có một chính sách từ trung ương, được bàn thảo một cách nghiêm túc từ hai ngành giáo dục và thể thao.

H.T.

NGUYÊN KHÔI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bóng đá U19 VN HFF