18/11/2005 15:07 GMT+7

TP.HCM: Ngán là một chuyện, còn ăn… chuyện khác

TÓC NHUỘM
TÓC NHUỘM

TTC - Một vòng thành phố, hầu như chưa thấy quán cơm - cháo - phở gà vịt nào ngưng hoạt động vì dịch cúm dù lượng khách có giảm ít nhiều. Mấy quán trung tâm năng động "chuyển đổi cơ cấu" sang bò, heo bên cạnh các món sở trường trong khi những quán ở vùng ven vẫn "u như kỹ" với cháo, gỏi vịt, miến gà, chân gà nướng…

j4AmPwzi.jpgPhóng to

Gà ta nướng lu treo bán thoải mái trên đường Phạm Văn Chiêu (Q. Gò Vấp, TP.HCM). Ảnh: N.C.T

TTC - Một vòng thành phố, hầu như chưa thấy quán cơm - cháo - phở gà vịt nào ngưng hoạt động vì dịch cúm dù lượng khách có giảm ít nhiều. Mấy quán trung tâm năng động "chuyển đổi cơ cấu" sang bò, heo bên cạnh các món sở trường trong khi những quán ở vùng ven vẫn "u như kỹ" với cháo, gỏi vịt, miến gà, chân gà nướng…

Chúng tôi ghé quán V. nổi tiếng trong giới bợm nhậu với món "vịt xiêm tại chỗ", khách phải kêu cả con, làm 4-6 món. Quán hôm nay vắng hẳn tiếng quàng quạc của bầy vịt vốn được trưng bày ngoài sân, bếp nướng ngoài trời cũng lạnh tanh...

Thấy chúng tôi có vẻ lần khần trước quán, ông chủ vội chạy ra vồn vã: "Vào đây… vào đây… quán vẫn hoạt động bình thường, không có gì thay đổi đâu!". "Thế còn "vịt tại chỗ" thì sao?". "Đặc sản làm sao thiếu được, nhưng dạo này hơi găng, phải để dưới bếp chứ không dám bày biện ra ngoài, thiên hạ nhòm ngó khó làm ăn". "Nhưng vịt này có kiểm dịch không đó ông chủ?". "Yên tâm, vịt xiêm khỏe lắm, cúm kiết gì cũng không quật nổi nó".

Nói là làm, ông chủ quay xuống bếp bắt một chú vịt đập cánh “đành đạch” mang lên cho khách "mục sở thị". Chỉ dăm phút sau, chúng tôi đã có ngay 4 món vịt: nướng, nấu chao, lòng xào và tất nhiên không thể thiếu món tiết canh. Những quán lề đường Trường Sơn gần sân bay Tân Sơn Nhất chuyên trị chân gà nướng vẹt hẳn bàn ghế vào bên trong, chỉ chừa mỗi cái lò nướng nghi ngút khói là vẫn bày ngay ngoài đường.

Tại các quán ăn, nhà hàng… thực đơn vẫn không có gì thay đổi, và khách vẫn vô tư gọi món nào là gà nướng, gà đút lò, cà ri gà, gà rô ti… Một sáng cuối tuần ở quán Tr. trên đường L.Q.Đ., một nhóm bạn trẻ hí hửng bên một cái chum to, khoe: "Gà hấp chum, ngon tuyệt. Biết có cúm nhưng ghiền quá không nhịn nổi, với lại gà nấu chín thì đâu có nguy hiểm gì!”.

Nhiều bạn trẻ U20 khác tuyên bố rất “sành điệu”: “Bọn này bây giờ chỉ thích ăn gà Kentucky, KFC… chứ mấy món gà vịt ngoài đường kia "quê mùa" lắm, ai thèm ăn. Gà nhập mà, sợ gì!" - một bạn trẻ cười tươi cho biết.

Thử cà rà mấy quán "thịt gia cầm" nổi tiếng như quán vịt T.Ng ở Thanh Đa, cơm gà Th.H., H.P., gà tần thuốc bắc ở Q.1, Q.3, Q.5, Q.11… thì thấy ngay mật độ ì xèo mấy nơi này đang có chiều hướng giảm dần.

Đa số thực khách đều tỏ ra khá hiểu biết về "tình hình chiến sự": "Mình đâu có trực tiếp chế biến"; "Nhiệt độ trên 700C là con virút cúm toi đời, huống chi nồi lẩu đang sôi sùng sục thế kia"... Nếu ở khu vực trung tâm, khách có vẻ ngại ngần với tiết canh, thì ở vùng ven các khu “đô thị mới”, khách cứ chơi “xả láng”! Như quán cháo vịt T. bên Thủ Thiêm vẫn đông nghịt khách, đa số là người lao động nghèo, dân đạp xích lô, hay những tay bợm thích lai rai tới khuya mà túi có ít tiền.

Tiết canh vẫn được thực khách gọi liên tục. Chọn một bàn gần mấy bác xích lô đang lai rai rượu đế với tiết canh, chúng tôi khá bất ngờ vì kiểu lý luận "điếc không sợ súng" của mấy bác. Bác Ba “đại diện” cho cả bàn, đứng lên phát biểu: "Rượu đế là phải có tiết canh, ăn tiết canh mà không uống rượu đế thì mắc cúm là phải. Cái này nặng lắm à, tới 50 - 60 độ, mấy con đó làm sao sống nổi!”. Đúng là dân ta vẫn chưa ngán cúm gà!

Dân cần, quan trễ

TP.HCM đã xây dựng hẳn kế hoạch hành động khẩn cấp với nhiều tình huống giả định về việc lây lan dịch trên người và triển khai xuống từng địa bàn phường xã. Tình hình căng thẳng là vậy, ấy thế mà chẳng hiểu sao rất nhiều "quan" nhà ta vẫn bình chân như vại, có lẽ "quan" còn chăm lo nhiều thứ cho dân quá nên cứ đủng đỉnh như không có gì xảy ra.

Hôm rồi, lãnh đạo các quận, huyện, phường xã toàn thành phố được triệu tập để cảnh báo nguy cơ bàn biện pháp hành động và để biết "mình cần phải làm gì", "quan" xa thì lo sợ chạy tới đủ mặt, nhưng "quan" gần lại chẳng thấy đâu, nhất là cấp ủy của các quận trung tâm thành phố, nơi mà chỉ cách cái vị trí họp chưa đầy 10 phút đi… bộ.

Thật đúng là "dân cần, quan trễ", đến mức phó chủ tịch UBND thành phố cũng còn chịu không được, nên việc đầu tiên là lôi mấy vị này ra và bêu danh chung, thậm chí còn khá nặng lời "mọi nỗ lực của chúng ta có thể vì một số cá nhân mà hỏng hết".

Chính vì việc thiếu quán triệt, hiểu lơ mơ về cúm gà như vậy nên không ít "quan" cứ nghĩ rằng việc chống dịch cúm là việc ở ngoại thành, ở nông thôn, chứ nội đô sầm uất, người còn thiếu chỗ, chỗ đâu mà nuôi gà.

Bởi thế cho nên gà, vịt lậu từ các nơi vẫn cứ nhong nhong tiến vào thành phố bằng đủ mọi phương tiện xe máy, xe đạp và cả xe buýt. Chợ lớn, chợ nhỏ vẫn tấp nập bán gia cầm sống, chết đủ cả. Thậm chí có nhiều nơi giết mổ lậu ì xèo, nhưng chẳng thấy "quan" nào xuống "vịn" cho dân được nhờ.

TÓC NHUỘM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên