15/11/2005 00:02 GMT+7

TP.HCM nằm trong vòng vây những đứt gãy gây động đất

Theo VietNamNet
Theo VietNamNet

Tiết lộ từ Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam về những đứt gãy địa chất - khả năng phát sinh động đất đang bao vây xung quanh TP.HCM

IlyOrHH6.jpgPhóng to

Th.S Đỗ Văn Lĩnh (Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam): "Chúng tôi vẫn đang chờ kinh phí để tìm hiểu kỹ hơn những đứt gãy xung quanh TP.HCM".

Tiết lộ từ Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam về những đứt gãy địa chất - khả năng phát sinh động đất đang bao vây xung quanh TP.HCM

Bốn tháng trước khi trận rung đất đầu tiên ở TP.HCM xảy ra vào ngày 5-8-2005, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam đã trình lên các cơ quan quản lý khoa học bản Đề án “Phân vùng nhỏ động đất TP.HCM”.

Tài liệu này hé mở phần nào những đứt gãy địa chất nằm sâu trong lòng đất xung quanh TP.HCM, dấu hiệu chỉ báo về khả năng động đất xảy ra ngay trên trên địa bàn TP.HCM và khu vực lân cận. Tài liệu của các nhà địa chất ở Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam đã chỉ rõ hàng loạt đứt gãy mà cho đến hiện nay, vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Trong vòng vây đứt gãy địa chất

Theo tài liệu nói trên, TP.HCM và vùng phụ cận nằm ở nơi giao nhau của hai đới đứt gãy chính đã từng biểu hiện họat động nứt đất và động đất. Đó là các đới đứt gãy Lộc Ninh - Thủ Dầu Một - TP.HCM và đới đứt gãy sông Vàm Cỏ Đông - sông Sài Gòn. Đây là hai đới đứt gãy mà theo các nhà địa chất, “có ảnh hưởng trực tiếp gần nhất tới TP.HCM".

QsNvYcdh.jpgPhóng toSơ đồ đới đứt gãy xung quanh TP.HCM (đường màu đỏ là những đới đứt gãy hoạt động mạnh)Đới đứt gãy Lộc Ninh - Thủ Dầu Một - TP.HCM: Đới đứt gãy này chạy từ Lộc Ninh qua Bình Long đến Thủ Dầu Một và tới TP.HCM. Sau đó, qua Vịnh Đồng Tranh ra Biển Đông. Dọc theo đới đứt gãy này, vào các năm 1992, 1993, đã từng xảy ra nứt đất, nứt nhà ở Bình Long, Bến Cát, Thới Hòa. Trước đó, vào năm 1967, động đất đã từng xảy ra ở cửa Vịnh Đồng Tranh đạt 4,8 độ Richter mà các nhà địa chất đang nghi vấn là do họat động của đới này gây ra. Qua ảnh vệ tinh, người ta cũng phát hiện khu vực “đứt gãy” Lộc Ninh - Ninh Bình có một “đới dị thường” gọi là đới dị thường Lộc Ninh - Chợ Lớn rộng khoảng 20 km.

Đới đứt gãy sông Vàm Cỏ Đông - Sông Sài Gòn: Đứt gãy này nằm cách TP.HCM chỉ 35 km! Nó chạy dài từ Tây Nam núi Bà Đen (Tây Ninh) theo sông Vàm Cỏ Đông ra Biển Đông. Theo tài liệu địa chất, đứt gãy sông Vàm Cỏ Đông nằm trong cái gọi là “bản đồ dị thường trong lực” với hai đoạn đứt gãy là đọan Châu Thành - Bến Cầu và đọan Hiệp Hòa - Cần Đước. Độ sâu ảnh hưởng của “dị thường” thuộc đứt gãy sông Vàm Cỏ Đông đạt tới 30-35 km. Người ta cũng đang nghi vấn, trận động đất 4,8 độ Richter ở khu vực cửa biển Cần Giờ vào năm 1967 có thể do đứt gãy này sinh ra!

Một đứt gãy khác cũng được tài liệu nhắc đến, đó là đứt gãy sông Sài Gòn. Đứt gãy này chạy theo phương tây bắc - đông nam đi qua Hồ Dầu Tiếng, chạy dọc theo thung lũng sông Sài Gòn, ngang qua TP.HCM rồi đi tới tới sông Lòng Tàu và đi ra Biển Đông. Đứt gãy này, theo các nhà địa chất có bề rộng ảnh hưởng tới trên 40 km! Theo tài liệu này thì, “sạt lở gần đây ở khu vực Thanh Đa có thể có thể có liên quan đến đứt gãy trên đây”.

Không chỉ có các đứt gãy trực tiếp trong lòng đất ở TP.HCM mà còn có một loạt đứt gãy gián tiếp gây ảnh hưởng tới TP.HCM. Tài liệu đã chỉ ra một loạt đứt gãy đó. Đó là các đới đứt gãy Bình Long - Chứa Chan; đới đứt gãy DakMil - Bình Châu; đới đứt gãy Hòn Khoai - Cà Ná; đới đứt gãy Mỹ Tho - Gò Công. Thế nhưng, các nhà địa chất vẫn chưa biết được cấu trúc sâu, tầng sinh chấn (độ sâu chấn tiêu động đất), mức độ họat động của đứt gãy này có ảnh hưởng như thế nào đối với động đất ở TP.HCM.

Động đất ở TP.HCM: Những dấu hiệu tiên báo?

Tài liệu trên của các nhà địa chất cũng lưu ý tới một loạt các điểm nước nóng, nước khoáng đã được phát hiện trong những năm gần đây. Lý do là, những điểm nước nóng, nước khoáng thường nằm dọc theo các đứt gãy “mạnh” và có liên quan tới động đất.

Dọc theo đứt gãy sông Sài Gòn, người ta đã phát hiện một loạt điểm nước khoáng, nước nóng ở Bình Lợi (Bình Thạnh, TP.HCM) với nhiệt độ khoảng 30 độ C. Trong khi dọc theo đứt gãy sông Vàm Cỏ Đông, đã “xuất lộ” (từ dùng của các nhà địa chất) một loạt các điểm nước khoáng, nước nóng có nhiệt độ đến 30 độ C như ở Ninh Điền, Tân Mỹ, Bến Lức… Còn dọc theo đứt gãy Bình Long - Chứa Chan, là một loạt các điểm nước khoáng, nước nóng như Bình Châu (nhiệt độ tới 80 độ C), Phú Hiệp, Đồng Phú.

Th.S Đỗ Văn Lĩnh (Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam): "Chúng tôi vẫn đang chờ Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM phê duyệt Đề án!" .

"Ngày 13-5, Đề án "Phân vùng động đất nhỏ tại TP.HCM" đã được thẩm định tại Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM với kinh phí do các tác giả Đề án tự đề xuất là 6 tỷ đồng. Tham gia phản biện Đề án là GS TS Lê Minh Triết và GS Trần Kin Thạch. Hai nhà khoa học nói trên đều ủng hộ Đề án và mong Đề án sớm được duyệt để đi vào nghiên cứu. Do quy mô của Đề án, GS Lê Minh Triết có đề nghị nâng kinh phí lên 10 tỷ đồng. Sau đó, Đề án được trình Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM xem xét tính khả thi của Đề án.

Gần đây, Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM có đề nghị giữ nguyên kinh phí đối với Đề án là 6 tỷ đồng. Các tác giả Đề án đã sửa chữa lại nội dung, khối lượng công việc của Đề án cho phù hợp với kinh phí và đã nộp lại cho Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM. Liệu Đề án có được duyệt hay không thì các tác giả Đề án thuộc Liên đòan Bản đồ Địa chất miền Nam vẫn đang... chờ!".

Người ta cũng ghi nhận, các điểm nước khoáng, nước nóng phân bố khá nhiều dọc theo dải Bà Rịa - Bình Châu. Đối với các nhà địa chất thì đây là “đới địa động lực tích cực nhất giáp biên với khu vực TP.HCM" và động đất cũng đã từng xảy ra ở khu vực này vào tháng 8-2002.

Tài liệu của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam nêu rõ, “đã từng xảy ra nứt đất rầm rộ vào các năm 1993, 1994 tại các khu vực lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Daklah, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và gây hoang mang cho dân chúng”. Gần đây nhất là các hiện tượng trượt đất ở bờ sông như khu Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM); Mương Chuối (Q.8, TP.HCM)… Theo các nhà địa chất thì, ẩn sau các nguyên nhân ngọai lực (tác động bên ngoài như khai thác cát, xây dựng không đúng quy hoạch…) chính là nguyên nhân nội lực với hoạt động của các đứt gãy đã gián tiếp thúc đẩy quá trình trượt lở xảy ra.

Động đất: Có thể, nhưng mạnh đến đâu thì… chưa biết!

Theo dữ liệu mà giới khoa học VN ghi nhận được thì trong quá khứ ngay tại TP.HCM và khu vực lân cận đã xảy ra động đất!

Như trận động đất ở cách cửa biển Cần Giờ 40 km vào 22 giờ 18 ngày 8-8-1964. Trận động đất này mạnh 4,8 độ Richter với độ sâu chấn tiêu 15 km. Một trận động đất khác cũng đã xảy ra tại khu vực Lộc Ninh - Bình Long vào lúc 7 giờ 19 ngày 26-10-1964 với cường độ 2,7 độ Richter, độ sâu chấn tiêu 15 km. Gần đây nhất là trận động đất ở Vũng Tàu vào ngày 26-8-2002 gây chấn động mạnh cấp 5 và có độ sâu chấn tâm 10 km.

Đã có nhiều tài liệu của các nhà khoa học VN nghiên cứu về động đất ở TP.HCM. Hầu hết các nhà khoa học có tham gia nghiên cứu vấn đề này đều thống nhất về khả năng động đất xảy ra ở TP.HCM với mức 5-6 độ Richter. TS. Nguyễn Đình Xuyên (Viện Vật lý Địa cầu) còn nêu rõ hơn “các đới đứt gãy sông Sài Gòn - Vàm Cỏ Đông, đới đứt gãy Lộc Ninh - Thủ Dầu Một - TP.HCM các đứt gãy có khả năng “sinh chấn” (gây động đất).

Tuy nhiên, theo những tác giả của Đề án “Phân vùng động đất nhỏ TP.HCM” thì “các đánh giá về độ nguy hiểm động đất như trên là chưa đủ tin cậy vì các vùng phát sinh động đất còn chưa được xác định đầy đủ và đúng đắn do chưa có số liệu quan trắc trong vùng”. Thế nhưng, muốn làm được điều nói trên, cần phải thiết lập một hệ thống trạm địa chấn địa phương với số lượng tối thiểu là 4 trạm.

Điều cần nói thêm là, cho đến nay, đối với các đứt gãy sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, Lộc Ninh - Thủ Dầu Một - TP.HCM thì hiện vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về các đứt gãy này như cấu trúc sâu, điều kiện địa động lực phát sinh động đất, cấu trúc nguy cơ phát sinh động đất của đứt gãy.

Một nhà khoa học thuộc Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam nói, nếu không có những nghiên cứu chuyên sâu như trên thì cho dù có nói gì về động đất ở TP.HCM thì cũng chỉ là… nói “chay” mà thôi!

Theo VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên