07/10/2015 08:25 GMT+7

TP.HCM hướng đến thành phố cạnh tranh

NGUYỄN  ĐĂNG SƠN (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng)
NGUYỄN ĐĂNG SƠN (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng)

TT - Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, TP.HCM muốn hiện đại thì trước tiên phải là thành phố cạnh tranh

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, TP cần tập trung vào các mảng có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Trong ảnh: xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Sài Gòn (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, TP cần tập trung vào các mảng có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Trong ảnh: xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Sài Gòn (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Nguồn lực con người cũng là một trụ cột trong quản trị thành phố có tính cạnh tranh, do vậy cần được khai thông. TP cần tiếp tục thực hiện chương trình đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Một thành phố cạnh tranh với sức mạnh về kinh tế là trụ cột và sự quản trị tốt hướng đến thành phố phát triển bền vững.

Hà Nội và TP.HCM từng được xếp hạng trong những thành phố cạnh tranh của thế giới nhưng chỉ ở hạng từ 104 - 109 (theo tổ chức Economist Intelligence Unit, chuyên đánh giá về cạnh tranh toàn cầu, công bố xếp hạng vào năm 2012). Để nâng hạng, tôi nghĩ TP.HCM cần tập trung vào các hướng sau:

Trước tiên, TP cần xây dựng sức mạnh kinh tế, đây là trụ cột có tính cạnh tranh hàng đầu. TP cần tiếp tục “Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố” và “Cơ cấu lại kinh tế thành phố, nâng cao chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh”, trong đó cần chú ý đến tính bền vững, chất lượng tăng trưởng và công nghiệp hỗ trợ.

Về thương mại - dịch vụ - tài chính, TP cần theo hướng tăng tỉ trọng các ngành có chất lượng cao, cao cấp, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh, gắn với khu trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính (CBD) bao gồm Thủ Thiêm - Sài Gòn - Chợ Lớn, hướng đến một trụ cột có tính cạnh tranh quan trọng là tài chính vững vàng.

Bên cạnh đó, hình thành khu kinh tế đặc biệt ở hướng nam thành phố “Hướng ra Biển Đông” gắn với đô thị “cảng biển” Hiệp Phước (Nhà Bè) ra Biển Đông qua sông Soài Rạp để TP.HCM trở thành “thành phố cảng biển lớn”, có thể hội nhập vào chuỗi thành phố ven biển trong hệ thống toàn cầu nhằm tạo động lực cho sự phát triển chung của thành phố.

Một nền kinh tế hiện đại cần phải có kết cấu hạ tầng được xây dựng tốt, hạ tầng hiện đại và đồng bộ không chỉ có khả năng thỏa mãn những yêu cầu cơ bản của nhân dân, mà còn có khả năng hỗ trợ một xã hội công nghiệp và thương mại sung túc. Hạ tầng đô thị cũng là một trụ cột cạnh tranh căn bản làm cơ sở cho phát triển kinh tế.

Do vậy TP cần tập trung xây dựng tạo bước đột phá hệ thống kết cấu hạ tầng, đầu tư nâng cấp cải tạo, chỉnh trang phát triển đô thị hiện đại, tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hạn chế tác hại khí hậu và nước biển dâng.

Tuy nhiên, thành phố cạnh tranh thì không chỉ là cạnh tranh kinh tế mà còn cạnh tranh cả ở “Thành phố sống tốt” và “Quản trị thành phố tốt”. TP.HCM cần quản trị thành phố tốt để cân bằng giữa sống tốt và cạnh tranh, hướng đến thành phố phát triển bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước và sớm trở thành một trung tâm lớn của khu vực Đông Nam Á.

Trong 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, TP.HCM luôn đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu của vùng và cả nước, đồng thời đảm bảo an sinh và an toàn xã hội, đó là do vai trò quyết định của quản trị thành phố tốt.

TP cần tiếp tục chương trình đột phá cải cách hành chính theo hướng tạo mối quan hệ giữa người dân và chính quyền được gần gũi, người dân hài lòng và chấp hành tốt, chính quyền thân thiện với công dân và doanh nghiệp; đồng thời thực hiện “Chính phủ điện tử”, hướng đến “Thành phố thông minh”, “Thành phố đa truyền thông”.

TP cũng cần cương quyết chấn chỉnh tình trạng thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, vô cảm trong một số bộ phận cán bộ công chức khi thi hành công vụ để không ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân và tăng cường hiệu quả của quản lý nhà nước.

5 vấn đề cần cải thiện

TP.HCM đang dần trở thành nơi thu hút đông đảo người nước ngoài đến làm việc, sinh sống và học tập nhờ sự năng động. Khi khảo sát sinh viên nước ngoài học tại khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐHQG TP.HCM), có 87% các bạn cho rằng muốn ở lại Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp và TP.HCM vẫn là lựa chọn hàng đầu. Đó là con số có thể minh chứng một phần cho sự hấp dẫn của TP.HCM đối với người nước ngoài.

Từ thực tiễn khi làm việc với người nước ngoài và nghiên cứu của tôi có liên quan đến người Hàn Quốc ở TP.HCM, tôi xin đưa ra năm vấn đề lớn mà TP cần cải thiện để hỗ trợ tốt hơn cho người nước ngoài, bao gồm:

Thứ nhất, phát triển tốt hơn mạng lưới giao thông đô thị theo hướng tập trung cho các phương tiện vận tải công cộng. Xe máy, sự hỗn loạn của giao thông đang là nỗi lo chung của người nước ngoài ở TP.HCM bởi sự ô nhiễm và mất an toàn.

Thứ hai, đảm bảo an ninh trật tự tốt hơn tại các khu vực công cộng vì người nước ngoài thường xuyên chịu cảnh chèo kéo mua bán, hay tệ hơn là nạn cướp giật trên đường phố. TP.HCM đang thiếu các cảnh báo đối với người nước ngoài về an ninh trật tự. Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của nhân viên an ninh cũng cần được cải thiện nhanh chóng.

Thứ ba, phát triển mạnh hơn các mô hình giáo dục chất lượng cao, giáo dục phù hợp với bối cảnh đa văn hóa - nơi người học có thể học tại Việt Nam và có thể đi làm ở khắp nơi trên thế giới. Họ sẵn sàng theo học ở các trường học chất lượng tương đương các quốc gia phát triển với mức học phí cao.

Thứ tư, có chính sách quản lý tốt hơn an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi lẽ hầu như cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực này ở TP.HCM không thể quản lý được đầu vào nguyên liệu và cam kết đảm bảo chất lượng của các địa điểm dịch vụ.

Cho nên, nhiều người nước ngoài cảm thấy bất an về mức độ an toàn và giá cả khi sử dụng các dịch vụ ăn uống ở TP.HCM.

Thứ năm, là đẩy mạnh cải cách hành chính. Thực tế cho thấy một số cơ quan hành chính chưa bắt kịp với xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa khi phương cách làm việc chủ yếu vẫn đang là dành cho công dân Việt Nam, cho những người biết tiếng Việt. Sự rối rắm về thủ tục hành chính và sự chưa nhất quán trong thực thi của đội ngũ thừa hành vẫn đang là nỗi lo của không ít người nước ngoài.

Người nước ngoài mà tôi tiếp xúc đang là những sứ giả đầy nhiệt tâm góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác, tình cảm giữa một đất nước Việt Nam hòa bình, một TP.HCM năng động với phần còn lại của thế giới. Thu hút thêm người nước ngoài đến học tập, làm việc chính là tạo thêm nguồn lực quý cho sự phát triển một TP.HCM đa văn hóa trong tương lai.

TRẦN NAM (Trường ĐH KHXH&NV)

NGUYỄN ĐĂNG SƠN (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên