22/09/2011 00:35 GMT+7

TP.HCM: CPI tháng 9-2011 tăng cao, vì sao?

N.BÌNH
N.BÌNH

TT - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP.HCM tháng 9-2011 tăng hơn mức dự báo một phần do tiêu dùng tăng cao trong dịp Quốc khánh và chi phí tiền trường tăng so với mặt bằng chung.

Theo ông Trần Minh Tài - phó cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, cách tính cơ cấu các nhóm trong rổ hàng hóa CPI của mỗi địa phương khác nhau dựa vào đặc thù cơ cấu dân cư, tiêu dùng... Tại TP.HCM, tỉ trọng của nhóm giáo dục chiếm 5,99%, tương đối cao hơn so với cách tính của một số địa phương khác cũng như của cả nước (cả nước là 5,72%) do đây là một trung tâm giáo dục, tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng của cả nước.

Với việc điều chỉnh học phí của khối trường tư, các trường cao đẳng, trường nghề trong tháng 9 lên đến 4,54% đã ảnh hưởng không nhỏ đến CPI tại TP.HCM tháng này. Trong nhóm giáo dục còn có các mặt hàng dụng cụ học tập, quần áo đồng phục..., tuy nhiên những mặt hàng này nằm trong chương trình bình ổn, giá cả không điều chỉnh nhiều. Giá lương thực tăng cao do ảnh hưởng của việc xuất khẩu gạo cũng kéo theo giá gạo trong nước tăng.

Cũng theo Cục Thống kê, sau nhóm giáo dục, hai nhóm tăng cao trên 1% là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác; nhóm văn hóa giải trí và du lịch gắn với các hoạt động vui chơi, ăn uống của người dân.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm quyền số 38,2%) chỉ tăng dưới 1%, trong đó những mặt hàng thiết yếu với người dân như thịt heo tăng 0,09%, thịt gia cầm giảm nhẹ. Thực tế giá thực phẩm của TP được giữ ổn định trong một thời gian dài, trong khi các địa phương khác vừa trải qua những đợt tăng nóng. Cụ thể sau khi giảm trong tháng 9, giá thịt heo ở các tỉnh phía Bắc vẫn cao hơn TP.HCM từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nhìn nhận trong rổ hàng hóa để tính CPI của tháng 9 vẫn còn nhiều mặt hàng tăng giá, đặc biệt nhóm lương thực tăng đến 2,27%, vì vậy việc điều hòa cung cầu trong những tháng cuối năm của nhóm hàng này rất quan trọng. Trong kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012, TP đã giao các doanh nghiệp thực hiện bình ổn thị trường 15.700 tấn gạo, nếp các loại. Hiện lượng dự trữ có tại các kho hàng đảm bảo cung ứng khi có biến động đạt khoảng 23.506 tấn nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên