07/03/2015 00:10 GMT+7

​TP.HCM cần khoanh vùng ưu tiên để chống ngập hiệu quả

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Giới chuyên gia kiến nghị TP.HCM khoanh vùng ngập thành những khu vực quy mô nhỏ, tập trung đầu tư để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập tùy theo mức độ và tiến độ ưu tiên.

Chống ngập - bài toán khó

Từ nhiều năm trở lại đây, mỗi khi xảy ra mưa lớn, kết hợp với những đợt triều cường dâng cao, nhiều khu vực tại TP.HCM như: quận 6, 8, 11, Tân Phú, Bình Tân... lại rơi vào tình trạng ngập úng nặng nề.

Nhiều tuyến đường ngập đến cả mét nước, xe cộ lưu thông hết sức khó khăn; nước tràn vào nhà khiến đời sống và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thời gian qua, để hạn chế tình trạng ngập nước trên địa bàn, TP.HCM đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thực hiện các dự án chống ngập do mưa và triều cường.

Thực tế, việc đầu tư này cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, nhiều khu vực đã hết ngập hoặc giảm ngập như khu vực đường Cô Bắc-Cô Giang (quận 1), khu vực trước Nhà hát Hòa Bình (quận 10), khu vực bùng binh Cây Gõ (quận 6)...

Tuy nhiên, khi vừa xóa điểm ngập này, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố lại tiếp tục phát sinh điểm ngập khác, trong đó phát sinh nhiều nhất là những điểm ngập ở khu vực ngoại thành.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát thực tế của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đến cuối năm 2014, toàn thành phố có tới 33 điểm tái ngập và 29 điểm ngập mới phát sinh.

Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, mặc dù một số dự án chống ngập trên địa bàn thành phố như Tân Hóa-Lò Gốm, cùng một số dự án chống ngập khác trên địa bàn thành phố đã hoàn thành nhưng tình trạng ngập vẫn thường xảy ra bởi diễn biến bất thường của thời tiết.

Tính riêng trong năm 2014, tại TP.HCM xảy ra 2 trận mưa lớn với lượng mưa khoảng 100mm, kéo đỉnh triều tại thành phố lên tới mức kỷ lục 1,68m - vượt quá thiết kế so với hầu hết các công trình chống ngập hiện nay.

Bên cạnh nguyên nhân nêu trên, việc lấn chiếm nghiêm trọng sông, kênh, rạch; việc xây dựng nhà cửa, tạo ra những con đường như những con đê ngăn nước như đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập…; rồi việc tính toán sai mức độ dâng của nước, độ lún của nền địa chất thành phố cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập đang ngày càng nghiêm trọng.

HVsniFei.jpg

Khoanh vùng ưu tiên để chống ngập hiệu quả

Mới đây, tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND TP.HCM đã đồng ý đầu tư 23.000 tỷ đồng nhằm tăng cường công tác chống ngập trên địa bàn.

Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức rà soát một cách tổng thể các dự án chống ngập đang triển khai thực hiện.

Có thể thấy việc tăng cường nguồn lực, tập trung đầu tư cho công tác chống ngập thể hiện quyết tâm lớn của TP.HCM đối với công tác quan trọng này.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại nếu đầu tư dàn trải và lệch hướng ưu tiên, có thể việc chống ngập sẽ tiếp tục không đạt hiệu quả như mong đợi. Bài toán đặt ra là làm thế nào để số tiền đầu tư các công trình chống ngập ở mức thấp nhất nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.

Theo PGS.TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP.HCM), trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn, thành phố cần phải có bước đi phù hợp sao cho hiệu quả kinh tế-kỹ thuật cao nhất.

Giải pháp tối ưu là nên khoanh vùng ngập thành từng vùng quy mô nhỏ để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập theo mức độ, tiến độ ưu tiên.

Thực tế cho thấy, việc chia nhỏ dự án chống ngập lớn thành các tiểu dự án thành phần với quy mô hợp lý sẽ dễ hơn để thực hiện cũng như kêu gọi đầu tư. Bài học này đã được minh chứng qua việc thực hiện dự án Tham Lương-Bến Cát tại lưu vực phía bắc của thành phố.

Tương tự, thành phố có thể áp dụng đối với việc thực hiện kiểm soát triều cho lưu vực phía nam như gợi ý của dự án hỗ trợ kỹ thuật kiểm soát ngập TP.HCM do nhóm tư vấn Hà Lan đề xuất từ năm 2013.

Cụ thể, theo đề xuất này, vành đai bảo vệ TP.HCM về phía nam nên được bố trí dọc theo hướng tuyến đường vành đai 3, tập trung hình thành hệ thống cống ngăn triều quy mô nhỏ và trung bình để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Để nâng cao hiệu quả công tác chống ngập, song song với việc kiểm soát triều, hệ thống thoát nước nội thị (kênh, cống ngầm, trạm bơm) cũng cần được nâng cấp cho khu vực ngoại thành, đặc biệt là những khu vực đã đô thị hóa; ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để hình thành các trục thoát nước chính, đồng thời tập trung kêu gọi xã hội hóa để hoàn chỉnh các hạng mục thứ cấp.

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ nét, việc tiến hành quy hoạch và xây dựng các hệ thống điều tiết dòng chảy tràn đô thị cũng nên được quan tâm thích đáng.

Theo đó, không chỉ tập trung xây dựng các hồ điều tiết lớn mà phải quan tâm cải tạo, xây dựng các hạng mục như vỉa hè thấm nước, mái nhà xanh, công viên đa chức năng, hầm chứa nước mưa, hồ cảnh quan trong các khu đô thị mới…

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên