13/01/2019 09:00 GMT+7

TP.HCM sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề Thủ Thiêm

MAI HƯƠNG - MAI HOA - TIẾN LONG
MAI HƯƠNG - MAI HOA - TIẾN LONG

TTO - Lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh như vậy tại cuộc làm việc ngày 12-1 của trung ương với TP.HCM về tình hình thực hiện kết luận số 21 của Bộ Chính trị và nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

TP.HCM sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Góc nhìn Thủ Thiêm (quận 2) từ quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trung ương Đảng, Chính phủ tin tưởng TP.HCM luôn là địa phương đổi mới, sáng tạo quyết liệt vượt lên khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi đề nghị TP phải so sánh với Thượng Hải, Hong Kong, Singapore chứ không phải với các TP trong nước, phải yêu cầu cao như thế với đô thị trung tâm.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

"Tinh thần là chúng ta cùng xắn tay áo với TP.HCM, cùng tháo gỡ khó khăn, cùng xốc tới đưa TP phát triển" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu cuộc làm việc với TP.HCM như vậy.

Thủ tướng đánh giá bên cạnh những mặt TP.HCM đạt được, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần thảo luận để tháo gỡ, đặc biệt tạo cơ chế giao quyền mạnh mẽ hơn cho TP.HCM ở một số vấn đề.

Tham dự buổi làm việc còn có ông Trần Quốc Vượng (thường trực Ban Bí thư), ông Võ Văn Thưởng (trưởng Ban Tuyên giáo trung ương), ông Trương Hòa Bình (phó thủ tướng thường trực Chính phủ), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương...

Giảm quy mô khu phức hợp thông minh

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định năm 2019, TP.HCM sẽ tăng cường đối thoại trực tiếp để giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, tạo đột phá trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trọng tâm là giải quyết 12 vụ việc khiếu nại kéo dài, trong đó có dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm là ưu tiên số 1.

Ông Nhân cũng cho hay hiện khâu đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng là khâu khó nhất, chậm nhất. Hiện TP.HCM đang xây dựng một quy trình rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật, sẽ trình trung ương xem xét, cho ý kiến.

Liên quan khu đất 4,3ha được xác định nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng chấp thuận ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt phạm vi, ranh giới, diện tích của khu vực này để TP.HCM triển khai các chính sách đền bù cho 321 hộ dân nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất của người dân.

Về dự án khu phức hợp thông minh tại khu chức năng 2A - khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng giảm quy mô dự án từ 10 lô đất, tổng mức đầu tư 2,1 tỉ USD xuống còn 6 lô đất, với tổng mức đầu tư dự kiến 900 triệu USD. Lý do giảm vì các lô đất còn lại đang vướng giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, TP.HCM cũng kiến nghị được rút gọn thành phần nhà đầu tư tham gia dự án từ 7 nhà đầu tư xuống còn 4 nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Lotte thực hiện dự án.

Khu phức hợp thông minh trong khu chức năng 2A là một trong những dự án có ý nghĩa rất quan trọng, có mục tiêu hình thành và phát triển một khu tài chính, thương mại - dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với TP.HCM về việc cần sớm giải quyết các vấn đề phát sinh xung quanh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, giao các ngành chức năng hỗ trợ TP.HCM trong việc xác định ranh, tạo điều kiện để thực hiện công tác đền bù hỗ trợ.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt với TP.HCM trong thực hiện kết luận kiểm tra, chú trọng giải quyết những kiến nghị, bức xúc của người dân.

TP.HCM sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề Thủ Thiêm - Ảnh 3.

Đồ họa: V.Cường

Rà soát hơn 12.800 nhà đất công

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định việc triển khai nghị quyết 54 sau một năm đã mang đến những tác dụng tích cực.

Cụ thể là nâng cao được tính chủ động, tự chịu trách nhiệm như việc ủy quyền của chủ tịch UBND TP cho chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc các sở, làm cho các quyết định được thực hiện gần cơ sở hơn, nhanh hơn, vì vậy có hiệu quả thực tế cao hơn.

Năm 2019, ông Nhân nhấn mạnh TP.HCM sẽ tập trung, giám sát công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Bên cạnh đó, tập trung công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài chính, tài sản công (quản lý và sử dụng mặt bằng nhà đất), các dự án đầu tư công.

Liên quan đến việc quản lý nhà đất công, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết hiện có tới 12.819 địa chỉ nhà đất của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM.

Do vậy, ông Phong kiến nghị Thủ tướng ban hành cơ chế phối hợp giữa TP.HCM và các bộ, ngành trong việc rà soát sắp xếp lại và xử lý các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP.

"Trước mắt kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, UBND TP.HCM kiểm tra, rà soát tổng thể nhà đất của các cơ quan, đơn vị đang quản lý sử dụng trên địa bàn TP.HCM để báo cáo kết quả thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo nghị định 167 của Chính phủ" - ông Phong nói.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ bổ sung cơ chế xử lý hành chính (quy định về trình tự, thủ tục thu hồi và cưỡng chế thu hồi) đối với trường hợp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích...

Trong thời gian chờ bổ sung cơ chế, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn TP thực hiện công tác thu hồi nhà đất đối với các trường hợp này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tinh thần là đồng ý với những kiến nghị này, trước mắt giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và TP.HCM rà soát tổng thể nhà đất của các đơn vị đang quản lý sử dụng trên địa bàn TP.HCM, báo cáo kết quả cho Thủ tướng. "Không thể để tình trạng cho thuê bán bia, bán cửa hàng, thất thoát tài sản rất lớn" - Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng trừ một số cơ quan rất hạn chế, các cơ quan đầu não cần đặt trụ sở đại diện ở TP.HCM, còn lại phải giải tán các văn phòng đại diện từ đó có hướng tính toán, sắp xếp lại cho hợp lý.

Sớm gỡ vướng cho tuyến metro số 1, số 2

Về dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành chủ trì, phối hợp TP.HCM sớm hoàn thành các thủ tục thẩm định, trình phê duyệt tổng mức đầu tư dự án theo quy định, đồng thời ưu tiên bố trí vốn giải ngân cho dự án theo hiệp định vay đã ký, theo tiến độ thực hiện và theo quy định của Luật đầu tư công.

qd_metro_batdongsan_quanbinhthanh_4a 3(read-only)

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Bộ Chính trị đã có thông báo về vấn đề này, đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm trình Thủ tướng để có hướng xử lý ngay.

Năm 2019 TP.HCM cần làm gì?

Quản lý minh bạch tài sản công, tìm nhân tài mới, đánh thức đất đai... là những kế sách mà các chuyên gia trao đổi với Tuổi Trẻ về những việc TP.HCM cần làm trong năm 2019 để phát huy mạnh mẽ hơn nữa cơ chế đặc thù.

Quản lý minh bạch tài sản công

Ở TP.HCM có một nghịch lý đang tồn tại: ngân sách chưa đủ chi thường xuyên và phát triển, nhưng chi tiêu, đầu tư còn dàn trải, cào bằng, thậm chí có cả lãng phí... Câu hỏi đặt ra: với tất cả các nguồn lực sẵn có, hằng năm thành phố tạo ra bao nhiêu doanh thu/giá trị gia tăng? Các tài sản công đã được khai thác với hiệu suất cao nhất hay chưa?

Một trong những ví dụ dễ thấy nhất là hệ thống quản lý tài sản công tại thành phố còn lãng phí vì thiếu tính minh bạch, định giá chưa chính xác, chưa tối ưu hóa quy trình và cơ quan quản lý khối tài sản khổng lồ. Và vì được quản lý phân tán, phải thực hiện nhiều mục tiêu mâu thuẫn, phân bổ kiểu kế hoạch hóa tập trung... nên mục tiêu tối đa hóa giá trị trên khía cạnh hiệu quả tài chính của thị trường trong nhiều trường hợp bị coi nhẹ.

Trong bối cảnh mới, TP.HCM cần có cách làm mới để huy động nguồn lực, đặc biệt là quản lý hiệu quả tất cả tài sản công trong thẩm quyền. Hai nhiệm vụ trọng tâm có thể bắt đầu từ 2019 bao gồm rà soát và xây dựng lại một hệ thống quản lý tài sản công bài bản với việc phân biệt rõ ràng giữa tài sản công có khả năng sinh lợi nhuận thương mại và tài sản công phục vụ mục tiêu chính sách. Đi cùng với đó là việc chuyển đổi (thí điểm) Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) thành một công ty quản lý vốn nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại đúng nghĩa.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Tìm nhân tài mới và giữ chân nhân tài cũ

Cơ chế đặc thù được thiết kế với rất nhiều kỳ vọng. Nhưng năm 2018, TP.HCM bận bịu với nhiều việc cấp bách, tập trung xử lý, dọn dẹp các sai phạm giai đoạn trước đây, dẫn tới một số kỳ vọng từ nghị quyết 54 chưa thành hiện thực, trong đó có vấn đề trọng dụng và thu hút nhân tài.

Thứ nhất, đề án thu nhập tăng thêm đã gắn liền với thang đo lường mức độ hoàn thành công việc (KPI) nhưng chưa ban hành được các nguyên tắc thiết kế KPI cho từng ngành, từng cơ quan, vì thế mới chỉ tạo ra "căn cứ nâng cao thu nhập" mà chưa tạo chuyển biến tích cực rõ rệt trong nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, chưa phát huy đặc thù ngành, cơ quan, bộ phận.

Thứ hai, các đề án thu hút nhân tài vẫn theo mô hình cũ, tiếp tục giải ngân cho việc nâng cao bằng cấp của cán bộ thì vẫn chưa có cơ chế khai thác đội ngũ sẵn có tại các viện, trường vốn có các công trình công bố được quốc tế thừa nhận. Hay nói cách khác, chưa biết phát huy cơ chế tài chính để "thuê ngoài" (outsource) một số hoạt động chuyên môn trình độ cao.

Thứ ba, trong năm vừa qua, TP.HCM đã lên kế hoạch các đề án về thu hút người tài, cán bộ khoa học giỏi, lao động sáng tạo trẻ, đây là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy vậy, trước khi thu hút người giỏi, người tài mới từ phương xa về thì người giỏi, người có khả năng ở TP.HCM hiện nay đã được trọng dụng, tạo điều kiện làm việc, cũng như được đãi ngộ xứng đáng chưa?

PGS.TS VÕ TRÍ HẢO (trưởng khoa luật, Đại học Kinh tế TP.HCM)

Đánh thức nguồn tài nguyên đất đai

Từ góc độ quy hoạch chiến lược, TP.HCM cần đầu tư vào các hướng khác nhau để mở ra những cơ hội phát triển mới thay vì chỉ dồn lực vào những khu vực mà tiềm năng đã quá rõ ràng, nơi mà rủi ro ít và dòng vốn tư nhân đã sẵn sàng.

Hiện nay khu phía đông đang được quan tâm đặc biệt với dự án Thủ Thiêm và khu đô thị sáng tạo, và khu vực phía nam đã hình thành từ nhiều năm với dự án đô thị Nam Sài Gòn, đô thị cảng Hiệp Phước và quy hoạch Cần Giờ. Nhưng khu vực phía bắc kết nối sang Campuchia và khu vực phía tây về phía ĐBSCL, những nơi còn quỹ đất lớn và những dự án hạ tầng chiến lược sẽ dần xuất hiện như đường sắt cao tốc Sài Gòn - Cần Thơ thì lại chưa được đưa vào tầm ngắm để phát triển kinh tế có định hướng.

Như vậy quy hoạch và đầu tư công của TP.HCM chưa có vai trò dẫn dắt thị trường và mở ra những cơ hội mới về phát triển kinh tế. Việc phát triển kinh tế và đô thị đều hơn theo các hướng vừa giải quyết vấn đề quỹ đất, vừa cung cấp thêm nhiều lựa chọn về nhà ở cho người dân và vị trí khai thác thương mại cho doanh nghiệp, lại vừa giãn áp lực về giao thông và hạ tầng cho một số khu vực.

Chuyên gia quy hoạch NGUYỄN ĐỖ DŨNG (Singapore)

Thủ tướng làm việc với TP.HCM: Thủ tướng làm việc với TP.HCM: 'Rà soát nhà đất công'

TTO - “Trừ một số cơ quan rất hạn chế, đầu não cần đặt trụ sở đại diện ở TP, còn lại phải giải tán các văn phòng đại diện từ đó tính toán lại cho hợp lý”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như trên tại cuộc làm việc với TP.HCM ngày 12-1.

MAI HƯƠNG - MAI HOA - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên