27/11/2018 08:29 GMT+7

TP.HCM chưa có kịch bản ứng phó mưa 400mm

D.N.HÀ thực hiện
D.N.HÀ thực hiện

TTO - Mặc dù bão số 9 đã giảm thành áp thấp nhiệt đới khi đi vào đất liền khu vực TP.HCM nhưng lượng mưa lớn, thời gian mưa kéo dài và trên diện rộng gây khó khăn nhất định cho công tác ứng phó của TP.HCM.

TP.HCM chưa có kịch bản ứng phó mưa 400mm - Ảnh 1.

Nhiều ôtô ngập nước chết máy “chịu trận” nằm chờ từ tối 25 đến sáng 26-11 trên đường Phan Huy Ích (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC KHẢI

Trận bão vừa rồi như muốn thử nghiệm sự kiên trì của TP về công tác phòng chống lụt bão. Tuy lãnh đạo TP và các lực lượng đã chuẩn bị trước nhưng lượng mưa lớn và kéo dài cũng vượt quá dự kiến của các lực lượng túc trực.

Ông NGUYỄN VĂN TRỰC

Ông Nguyễn Văn Trực - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phó Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM - cho biết:

- Đây là một cơn bão có lộ trình kỳ lạ: bão đi rất chậm, lâu tan, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới lưu lại trên địa bàn TP thời gian dài.

Tuy bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi vào TP.HCM nhưng cường độ mưa vượt quá dự đoán của đài khí tượng thủy văn ban đầu. Lượng mưa cao đột xuất, trên bình diện rộng và thời gian dài đã gây ngập úng một số nơi trên địa bàn TP.

Đây là lần đầu tiên TP.HCM đón nhận lượng mưa lớn, thời gian dài và trên diện rộng như vậy.

Các địa phương, đơn vị đã cố gắng hết sức để ứng phó khắc phục, xử lý sự cố nhưng cơ sở hạ tầng của TP có chừng mực nên một số nơi vẫn bị ngập úng thời gian dài. Điều này gây trở ngại cho sinh hoạt, đi lại của người dân.

Ảnh hưởng cơn bão số 9, Sài Gòn ngập nặng - Video: TVO

* Dự báo ban đầu như thế nào, thưa ông?

- Theo dự báo của đài khí tượng thủy văn thì lượng mưa cao nhất từ 200 - 220mm. Nhưng thực tế lượng mưa ngày 25-11, khi bão số 9 thành áp thấp trên địa bàn TP.HCM khá cao, có chỗ 300mm, thậm chí đến hơn 400mm (Tân Bình).

Trong ngày 25-11, các lãnh đạo của TP cũng đã tích cực thị sát thực tế, trực chỉ huy ở những nơi xung yếu như Cần Giờ, Nhà Bè, khu vực trung tâm TP... để kịp thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị khắc phục. Nhờ vậy mà thời gian ngập úng rút ngắn nhiều.

* Mưa lớn vượt dự báo như vậy thì TP có bị động trong ứng phó với bão không?

- Trận bão vừa rồi như muốn thử nghiệm sự kiên trì của TP về công tác phòng chống lụt bão. Tuy lãnh đạo TP và các lực lượng đã chuẩn bị trước nhưng lượng mưa lớn và kéo dài cũng vượt quá dự kiến của các lực lượng túc trực.

* Cơ sở hạ tầng và vật chất của TP có ứng phó được lượng mưa lớn như vậy không?

TP.HCM chưa có kịch bản ứng phó mưa 400mm - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Trực - Ảnh: D.N.HÀ

- TP chưa xây dựng được kịch bản cũng như cơ sở vật chất để ứng phó với lượng mưa 400mm. Hiện chương trình chống ngập của TP đang được tính toán trên lượng mưa trung bình khoảng 200mm.

Nếu TP xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng theo quy hoạch hiện nay thì có thể rút ngắn thời gian ngập khi có lượng mưa khoảng 200mm, không làm ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân.

Việc đầu tư cơ sở vật chất đang thực hiện nhưng còn phải dựa trên nguồn lực ngân sách TP và khía cạnh cực đoan của khí hậu.

* Với lượng mưa lớn vượt dự kiến lần này, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão có ý định tham mưu cho UBND TP tăng cấp khả năng ứng phó với bão lụt trong thời gian tới?

- Đúng là lượng mưa những năm gần đây ngày một lớn và thất thường do biến đổi khí hậu.

Để ứng phó với hiện tượng này, TP cũng đã rất quyết liệt trong việc thực hiện các công trình chống ngập từ đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình xây dựng cơ bản, đắp đê kè làm sao có điều kiện giải quyết việc ngập úng. Tuy nhiên việc đầu tư hiện còn chừng mực.

TP.HCM chưa có kịch bản ứng phó mưa 400mm - Ảnh 5.

11h30 ngày 26-11 trên đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM vẫn còn ngập nặng, xe cộ qua lại bị chết máy, nhà cửa bị ngập nước - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Theo tôi, TP cần có những công trình tầm cỡ, có những hồ điều tiết chứa nước ngầm thì sẽ rút ngắn thời gian ngập úng.

Nếu TP chưa có kinh phí xây dựng ngay những hồ điều tiết lớn thì nên xây những hồ nhỏ, tại nhiều nơi như công viên, các chung cư, các sân bóng... Có như vậy mới có thể chống chọi được với hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan.

Nếu quyết tâm đầu tư thì dần dần cũng sẽ có được hệ thống cơ sở vật chất để ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống người dân.

Ban sẽ tham mưu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống hạ tầng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

* Ông đánh giá sao về việc phối hợp của người dân trong việc phòng chống bão số 9 vừa qua?

- Trong đợt ứng phó bão lần này, TP đã tổ chức nhắn tin qua điện thoại để người dân không bị bất ngờ và có kế hoạch đối phó với bão.

Tuy nhiên, qua sự việc trên cho thấy việc nhắn tin cảnh báo không chưa đủ. Sắp tới, hướng của TP là cập nhật diễn biến trên truyền thông để người dân có thể nắm bắt sát tình hình, lên kế hoạch công việc, sinh hoạt cho phù hợp, giảm thiểu thiệt hại về vật chất.

Nhiều ôtô ngập nước chết máy “chịu trận” nằm chờ từ tối 25 đến sáng 26-11 trên đường Phan Huy Ích (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC KHẢI

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, toàn TP có hơn 100 tuyến đường bị ngập sâu từ 10 - 70cm, đến rạng sáng 26-11 còn 31 tuyến đường bị ngập sâu từ 10 - 40cm.
D.N.HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên