TTO - Một trận bán kết Champions League mùa này sẽ là giữa hai đội ngựa ô. Dù chặng đường của "kẻ diệt rồng Ajax" đã được nhiều người gọi là câu chuyện cổ tích của mùa giải. Nhưng nhìn lại, đối thủ của họ, Tottenham Hotspur mới xứng đáng hơn với danh hiệu "kẻ lật đổ của mùa bóng".

Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2018, Tottenham làm nên lịch sử khi trở thành CLB đầu tiên ở Premier League (Giải ngoại hạng Anh) không mua một cầu thủ nào. Họ cũng không bổ sung nhân sự trong mùa đông.

Bất chấp điều đó, HLV Mauricio Pochettino đã xoay xở đưa được Spurs vào bán kết League Cup, nơi họ thua Chelsea trên chấm phạt đền, đeo bám cuộc đua vô địch Premier League tới 3/4 mùa giải trước khi thật sự hụt hơi so với Liverpool và Manchester City. Tất cả những điều này thật ý nghĩa trong thời đại mà bóng đá bị đồng tiền chi phối gần như tuyệt đối.

Tottenham - Truyện cổ kiểu Anh - Ảnh 1.
Tottenham - Truyện cổ kiểu Anh - Ảnh 2.

Tottenham là một trong 2 "ngựa ô" của Champions League mùa này - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất của Tottenham là góp mặt ở bán kết Champions League lần đầu tiên trong lịch sử đội bóng. 

Người ta đã nói rất nhiều về Ajax, một đội bóng trẻ trung, không biết sợ hãi, và đậm màu lãng mạn nhưng chính hành trình của Spurs tới bán kết mới gian khó và nhiều kịch tính hơn.

Tính tới thời điểm này của mùa giải, "Gà trống" đã chơi 50 trận liên tục không ngừng nghỉ ở mọi giải đấu. Đồng thời, họ phải chiến đấu với sự vắng mặt của các trụ cột quan trọng nhất: Harry Kane, Dele Alli, Jan Vertonghen và Eric Dier vì nhiều lý do khác nhau. 

Họ cũng phải xoay xở mà không có Son Heung Min trong hai giai đoạn khác nữa vì anh phải về phục vụ đội tuyển Hàn Quốc.

Dù chơi nhiều hơn Spurs một trận tính tới giờ phút này nhưng Ajax có mùa giải bắt đầu từ tận tháng 7 với một kỳ nghỉ đông dài gần một tháng, điều tối quan trọng với những đội bóng phải vắt sức cho nhiều chiến dịch. Ngoài ra, họ cũng không mất trụ cột nào vì chấn thương trong một giai đoạn dài. 

Tottenham - Truyện cổ kiểu Anh - Ảnh 3.

Thêm một điều quan trọng, Tottenham chơi ở một trong những giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh. Trong khi đó, không thể nói điều tương tự về Giải vô địch Hà Lan Eredivisie, nơi đội bóng của HLV Erik ten Hag đang dẫn đầu.

Chặng đường của Spurs ở Champions League cũng kịch tính hơn nhiều. Vòng bảng, họ lách qua khe cửa không thể hẹp hơn: hai lần, chỉ còn vài phút là đội bóng của Pochettino bị loại khỏi giải đấu và đấy mới là khởi đầu cho rất nhiều diễn biến ngoạn mục nữa. 

Nhìn lại cả hành trình đó, nếu Tottenham đăng quang tại Madrid vào ngày 1-6 tới, những gì họ trải qua xứng đáng là chất liệu cho một bộ phim Hollywood ăn khách.

Spurs khởi đầu cuộc chinh phục với việc lọt vào một trong những bảng đấu khó nhất khi có mặt Barcelona, Inter Milan và PSV. Sau 3 trận đầu, họ chỉ có trong tay vỏn vẹn 1 điểm và có vẻ sẽ phải sớm chia tay giải sau khi để thủng lưới ngay phút thứ 2 trước PSV trên sân nhà ở lượt trận thứ tư.

Tuy nhiên, thầy trò Pochettino đã không bỏ cuộc: một cú đúp của Kane, với bàn thứ 2 được ghi ở phút 89 giúp họ có chiến thắng đầu tiên. Trong lần chết hụt thứ hai ở vòng bảng, Spurs bị Barcelona dẫn trước tới tận phút 85 ở Nou Camp ở lượt cuối, khi họ cần ít nhất 1 điểm. Một phút trước đó, pha dứt điểm của Philippe Coutinho (Barca) đập cột dọc. 

Tottenham - Truyện cổ kiểu Anh - Ảnh 4.

Nếu tình huống đó thành bàn, Tottenham đã hết cơ hội). Bàn gỡ hòa của Lucas Moura là vừa đủ để Spurs thoát hiểm. Nếu tính thêm bàn thắng duy nhất của Christian Eriksen trong chiến thắng trước Inter ở lượt thứ 5,  Spurs đã đi tiếp bằng 3 bàn thắng được ghi từ phút 80 trở đi trong 3 trận liên tiếp của vòng bảng.

Sau đó, họ  thắng dễ Borussia Dortmund ở lượt loại trực tiếp đầu tiên với tổng tỉ số 4-0. Tuy nhiên, cuộc đọ sức còn nóng hổi với Manchester City ở tứ kết lại là một kịch bản kiểu Hollywood nữa.

HLV Pochettino sắp xếp đội hình ra quân trong cả 2 lượt trận mà không có Dier, Erik Lamela và Serge Aurier. 

Lượt đi trên sân nhà, thủ thành Hugo Lloris cứu được một quả phạt đền từ chân Sergio Aguero trước khi Tottenham đón tin xấu nhất mùa giải của họ: Kane tập tễnh rời sân và được xác định sẽ vắng mặt tới hết mùa. Nhưng họ đã trụ vững và thắng trận nhờ một bàn thắng đẹp mắt của Son.

Tottenham - Truyện cổ kiểu Anh - Ảnh 5.

Những tưởng Harry Kane bị chấn thương sẽ khiến Tottenham gặp khó khăn nhưng thực tế đội bóng thành London vẫn chơi tốt khi vắng Kane - Ảnh: REUTERS

Lượt về, Spurs vẫn bị đánh giá thấp hơn dù dẫn trước. Không có Kane và vắng nhiều cầu thủ khác, họ phải hài lòng với tiền vệ trụ Victor Wanyama, người mới chơi tất cả 374 phút cả ở Premier League và Champions League tính cho tới thời điểm đó của mùa bóng.

Vào lúc Man City đang dẫn trước 3-2 ở phút 41, Tottenham hứng chịu thêm một tổn thất nữa: Moussa Sissoko, một trong những cầu thủ chơi hay nhất mùa của họ bị chấn thương. 

Do chỉ còn lại tiền vệ 18 tuổi Oliver Skipp trên ghế dự bị nên Pochettino đã chơi một canh bạc mạo hiểm khi tung Fernando Llorente vào sân. Một quyết định can đảm được đền đáp xứng đáng khi Llorente ghi bàn thắng muộn đưa Spurs đi tiếp. Toàn bộ những tranh cãi trước, trong và sau trận đấu liên quan tới công nghệ VAR càng khiến cuộc đọ sức đậm màu kịch bản điện ảnh.

Tottenham - Truyện cổ kiểu Anh - Ảnh 6.
Tottenham - Truyện cổ kiểu Anh - Ảnh 7.

Son Heung Min là một trong những ngôi sao sáng nhất của Tottenham mùa này - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, bỏ qua những ồn ào đó, tạm quên đi những cảm xúc điên rồ về trận đấu, có một sự thật đơn giản và rõ ràng: Tottenham là đội chuyển hóa cơ hội tốt hơn. Ở tứ kết, mỗi đội đã ghi 4 bàn, nhưng trong khi Man City trung bình phải tạo ra 3,7 cơ hội rõ ràng mới có 1 bàn thắng, thì Spurs chỉ cần 1,6 (thống kê của trang FiveThirtyEight).

Lý do của thống kê ấn tượng đó một phần là do quyết tâm của Spurs, một phần là bởi vận may  nhưng phần quan trọng nhất mang tên Son Heung Min. Nhiều trang mạng đã chơi chữ "Son Rises" (Son đọc giống Sun, tiếng Anh nghĩa là mặt trời, "Son Rises" vừa là "Mặt trời mọc", vừa là "Son thi đấu nổi bật").

Tiền vệ tấn công người Hàn Quốc thậm chí đã được so sánh với Lionel Messi, và không phải theo kiểu nói chơi cho vui như rất nhiều cầu thủ châu Á đã được gọi là Messi- tên quốc gia (Chanathip Songkrasin là Messi "Thái Lan", Egy Maulana Vikri là Messi "Indonesia" hay Jong Tae Se là Messi "Triều Tiên").

Son Heung Min tỏa sáng rực rỡ khi ghi ba bàn thắng giúp Tottenham vượt qua Manchester City ở hai lượt trận tứ kết Champions League - Ảnh: REUTERS

 "Hầu hết các cầu thủ ghi số bàn thắng tương đối ổn định trong một quãng thời gian cụ thể, nhưng một số ít người, như Messi và Son, liên tục dứt điểm với một tỉ lệ cao hơn nhiều" – trang ESPN viết. Trang này dẫn lại số liệu từ Understat cho thấy 6 năm qua, Son đã ghi 53 bàn ở các giải đấu quốc nội trong số gần 38 cơ hội rõ ràng. 

Đội trưởng đội tuyển Hàn Quốc còn dứt điểm khéo léo bằng cả hai chân: 30 bàn chân phải, 21 bàn chân trái  và nếu Tottenham lần đầu tiên đăng quang ở đấu trường danh giá nhất châu lục đó sẽ là hai lý do rất quan trọng. 

Không may là Son sẽ bị treo giò ở lượt đi trận gặp Ajax nhưng 90 phút lượt về vẫn sẽ còn  đủ để anh phô diễn tài năng của mình nếu đấy là một ngày đẹp trời với Spurs.

Với một cầu thủ mà năm 2016 từng tiết lộ suýt đã rời nước Anh vì áp lực quá lớn ở Premier League, những bước tiến vừa qua thật khó tin. 

Rời quê nhà để tới CLB Hamburg (Đức) khi mới 18 tuổi. Son thành công nhanh chóng ở Bundesliga sau khi ra mắt vào tháng 10-2010, ghi 20 bàn trong 78 trận cho Hamburg trước khi gia nhập Bayer Leverkusen tháng 6-2013. Và anh giúp đội bóng này giành quyền dự Champions League trong cả 2 mùa ở đó.

Tottenham - Truyện cổ kiểu Anh - Ảnh 9.

Thành tích 29 bàn trong 87 trận của anh thuyết phục được Tottenham bỏ ra 22 triệu bảng (30 triệu USD) cho Son vào năm 2015. 

Kể từ đó, danh tiếng của anh chỉ có gia tăng, nhất là ở mùa này, với những bàn thắng giúp Spurs giữ vị trí trong top 4 Premier League và vào bán kết Champions League, chưa kể phần thưởng cộng thêm HCV Asiad vào tháng 9, chiến thắng giúp anh được miễn nghĩa vụ quân sự.

Những tuần lễ vừa qua đã đặc biệt đáng nhớ với tuyển thủ Hàn Quốc và Tottenham này. Khác biệt lớn nhất nơi Son, nhất là so với các đồng nghiệp châu Á của anh từng thử sức tại những giải đấu lớn tại châu Âu, có lẽ là quyết tâm sắt đá trước áp lực. Thực ra, có vẻ như áp lực càng lớn, Son chơi càng hay.

Son Heung Min là sự thay thế xứng đáng khi Kane bị chấn thương - Ảnh: REUTERS

Vào lúc Kane tập tễnh rời sân ở trận gặp Man City, Son đã bước lên, như thể được tạo thêm động lực bởi gánh nặng mà anh phải mang. 

Khéo léo về kỹ thuật, bền bỉ về thể lực, mạnh mẽ về tinh thần, Son còn là một cầu thủ đặc biệt với nụ cười tỏa rạng, anh nói được vài ngôn ngữ và ghi những bàn thắng tuyệt đẹp. Ngay lúc này, các CĐV Tottenham sẽ không phải đi xem phim siêu anh hùng khi họ đã có một người như thế để chiêm ngưỡng trên sân cỏ.

Với việc Kane vắng mặt, Spurs giờ cần Son hơn bao giờ hết. Đây không phải là lần đầu tiên như thế khi Kane từng bỏ lỡ 7 trận vì chấn thương vào tháng 1 và 2, Son đá 4 trận trong đó, trận nào cũng ghi bàn và Spurs thắng cả 4. Thật ra, có thể thấy rằng khi Kane rời sân, Son chơi tích cực hơn hẳn, di chuyển và có bóng nhiều hơn, dứt điểm bạo dạn hơn, và ghi bàn.

Có thể gọi tất cả những điều đó là một nghịch lý Son Heung Min - Harry Kane của Spurs. Nhưng chẳng phải cả mùa giải này Tottenham đã tiến lên qua những nghịch lý đó sao: họ không mua cầu thủ nào và đã tiến xa hơn bao giờ hết ở Champions League, đánh bại những đối thủ mạnh hơn, và giờ bước vào vòng bán kết với đội hình chắp vá nhất trong 4 đội. 

Vì vậy, nếu họ đăng quang, mùa giải này có thể được gọi là mùa giải của nghịch lý Tottenham.

Tottenham - Truyện cổ kiểu Anh - Ảnh 11.
Tottenham - Truyện cổ kiểu Anh - Ảnh 12.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên