29/09/2009 08:16 GMT+7

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Phải đổi mới phương thức lãnh đạo công tác Mặt trận

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT (Hà Nội) - Sáng 28-9, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN lần thứ VII đã khai mạc tại Hà Nội.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Phải đổi mới phương thức lãnh đạo công tác Mặt trận

* Dân chủ là nền tảng cho giám sát và phản biện xã hội

TT (Hà Nội) - Sáng 28-9, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN lần thứ VII đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc đại hội, Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ VN Huỳnh Đảm cho biết đại hội lần này có nhiệm vụ nhận định, đánh giá về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kiểm điểm việc thực hiện chương trình hành động của MTTQ VN nhiệm kỳ VI (2004-2009)... đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và chương trình hành động của MTTQ VN nhiệm kỳ VII (2009-2014)...; thông qua điều lệ MTTQ VN (sửa đổi, bổ sung); hiệp thương dân chủ cử ra Ủy ban trung ương MTTQ VN nhiệm kỳ mới theo hướng mở rộng, tăng cường tính đại diện, tính tiêu biểu và tính thiết thực...

ImageView.aspx?ThumbnailID=364483

Thay mặt BCH T.Ư Đảng, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã trao tặng MTTQ VN bức trướng - Ảnh: TTXVN

Báo cáo chính trị của Ủy ban trung ương MTTQ VN khóa VI do ông Vũ Trọng Kim (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN khóa VI) trình bày, đề cập năm nội dung trong chương trình hành động của MTTQ VN nhiệm kỳ 2009-2014. Trong đó có việc mở rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động xã hội đang triển khai, nghiên cứu phát động các phong trào có sự lan tỏa nhanh về xây dựng nếp sống văn minh và tiến bộ, trước mắt tổ chức tốt cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”, thi đua sản xuất kinh doanh làm ra những mặt hàng có chất lượng.

Tại đại hội, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu quan trọng. Tổng bí thư nêu rõ: “Là một thành viên của Mặt trận, Đảng Cộng sản VN tích cực ủng hộ, thực hiện chương trình hành động chung; tạo những điều kiện thuận lợi nhất để Mặt trận vươn lên làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước”.

Tổng bí thư nhấn mạnh: “Qua đại hội MTTQ các cấp, một vấn đề rất quan trọng được các đại biểu đề cập là Đảng phải thật sự đổi mới sự lãnh đạo của mình đối với công tác Mặt trận. Sự quan tâm đó là rất chính đáng. Bởi trong cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, hiện nay muốn tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, trước hết Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo của mình đối với công tác Mặt trận theo yêu cầu của thời kỳ mới. Phải coi sự tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những điểm mấu chốt để Mặt trận tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của mình”.

Dân chủ là nền tảng để phản biện xã hội

Chiều cùng ngày, đại hội thảo luận tại năm nhóm. Ở nhóm thảo luận có chuyên đề “MTTQ VN với vai trò phát huy dân chủ XHCN, tham gia giám sát và phản biện xã hội”, ông Nguyễn Văn Pha - ủy viên thường trực Ủy ban trung ương MTTQ VN - dẫn luận: vai trò này của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tuy đã được Đảng đề ra tại nghị quyết đại hội X nhưng cũng do chưa có cơ chế cụ thể và đầy đủ để thực hiện nên việc triển khai có nhiều khó khăn. Hoạt động phản biện của Ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên chủ yếu mới là hoạt động góp ý kiến, kiến nghị với các cơ quan Đảng và Nhà nước trong quá trình dự thảo các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đến tổ chức, hoạt động của MTTQ VN.

Luật sư Trương Thị Hòa (TP.HCM) cho rằng dân chủ là nền tảng để Mặt trận tham gia giám sát và phản biện xã hội, theo đó nguyên tắc của hoạt động giám sát và phản biện là “phải tin nhau”, “Đảng tin dân và dân tin Đảng”, nếu không có nguyên tắc này thì ngay cả việc góp ý cũng còn phải e ngại. Nhà sử học Dương Trung Quốc đồng quan điểm: “Mục tiêu là giám sát và phản biện xã hội, còn công cụ là dân chủ XHCN. Nhưng trước hết phải làm rõ khái niệm dân chủ XHCN. Nếu tiếp cận vấn đề từ góc nhìn lịch sử, chúng ta đã quen thuộc với câu nói dân chủ là để dân được mở miệng ra. Điều đáng sợ nhất là người dân không nói gì, vì đó là một biểu hiện của sự mất lòng tin”.

GS Tương Lai cho rằng nói MTTQ “tham gia giám sát và phản biện xã hội là không đúng”, bởi vì ở đây MTTQ phải “thực hiện” chứ không chỉ “tham gia”, hay nói cách khác MTTQ chính là chủ thể của hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Theo ông Trần Trọng Tân (nguyên trưởng Ban Tư tưởng - văn hóa trung ương), cần tiến tới việc luật hóa sự lãnh đạo của Đảng để từ đó nhân dân tham gia giám sát và phản biện xã hội. Còn GS Phan Đình Diệu nhận định hiện nay chúng ta cần dân chủ không chỉ để làm tốt phản biện xã hội mà còn cần dân chủ để tiếp tục sự nghiệp đổi mới.

VÕ VĂN THÀNH

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên