05/10/2011 02:36 GMT+7

Tôn vinh những người khám phá bí mật vũ trụ

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Số phận của vũ trụ sẽ ra sao? Giãn nở mãi mãi hay co lại và chết trong lửa đỏ? Câu hỏi đó đã ám ảnh loài người gần 100 năm qua kể từ khi lý thuyết Vụ nổ lớn ra đời.

Giải Nobel Vật lý thuộc về 3 nhà khoa học Mỹ và Úc

o7uxfrqO.jpgPhóng to

Giáo sư Saul Perlmutter - Ảnh: AFP

Theo các nhà khoa học đoạt giải Nobel vật lý 2011, ngôi nhà chung của vạn vật sẽ tồn tại vĩnh viễn trong màn đêm băng giá.

Ngày 4-10, Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển (RSAC) công bố ba nhà vật lý thiên văn Saul Perlmutter, Adam Riess (Mỹ) và Brian Schmidt (Úc) đã giành giải Nobel vật lý năm 2011 nhờ công lao phát hiện vũ trụ giãn nở không ngừng với tốc độ tăng dần thông qua việc nghiên cứu, quan sát các vụ nổ sao (supernova). RSAC khẳng định phát hiện của ba nhà khoa học đã làm thay đổi tư duy của con người về vũ trụ.

dQMaPgRS.jpgPhóng to 71bBH7s6.jpg

Giáo sư Adam Riess - Ảnh: AFP

Giáo sư Brian Schmidt - Ảnh: Reuters

Phát hiện gây chấn động

Năm 1998, ngành vũ trụ học thế giới chấn động khi hai nhóm nghiên cứu Supernova Cosmology Project tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ) và High-z Supernova Search Team cùng công bố phát hiện vũ trụ giãn nở với tốc độ ngày càng tăng. Cả hai nhóm cùng chạy đua để vẽ bản đồ vũ trụ bằng việc quan sát các vụ nổ sao ở những nơi xa xôi nhất trong vũ trụ. Cả hai cùng tập trung quan sát các vụ nổ sao nhóm 1a, tức các vụ nổ của những ngôi sao già nặng tương đương Mặt trời nhưng chỉ nhỏ bằng Trái đất.

Một vụ nổ sao nhóm 1a có thể phát ra nhiều ánh sáng tương đương với cả một thiên hà. Hai nhóm nghiên cứu tìm thấy hơn 50 vụ nổ sao nhóm 1a ở sâu thẳm trong vũ trụ. Khi đó, cộng đồng khoa học toàn cầu cho rằng vũ trụ đang giãn nở với tốc độ chậm lại. Điều đó có nghĩa là ánh sáng từ các vụ nổ sao xa xôi phải ngày càng sáng lên khi quan sát từ Trái đất. Tuy nhiên, hai nhóm nghiên cứu nhận thấy ánh sáng này ngày càng mờ nhạt đi, cho thấy tốc độ giãn nở của vũ trụ tăng lên.

“Trong gần 100 năm qua, chúng ta biết rằng vũ trụ liên tục giãn nở sau Vụ nổ lớn 14 tỉ năm trước. Tuy nhiên, việc phát hiện tốc độ giãn nở tăng dần thật sự gây chấn động - RSAC cho biết - Nếu tốc độ giãn nở của vũ trụ tiếp tục tăng, vũ trụ sẽ chấm hết trong giá băng”. Phát hiện này đã được tạp chí Khoa Học (Mỹ) trao giải thưởng “Đột phá của năm” vào năm 1998. Hai nhóm nghiên cứu Supernova Cosmology Project và High-z Supernova Search Team cũng giành giải thưởng Gruber vũ trụ học năm 2007.

Giới khoa học cho rằng vật chất tối là nguyên nhân khiến vũ trụ giãn nở với tốc độ tăng lên. Tuy nhiên, đến nay vật chất tối vẫn là câu hỏi lớn nhất đối với ngành vũ trụ và vật lý học. Điều duy nhất các nhà vật lý có thể chắc chắn là vật chất tối chiếm tới 3/4 vật chất vũ trụ. “Phát hiện của các nhà khoa học đoạt giải Nobel vật lý 2011 đã giúp vén màn bí mật về vũ trụ mà khoa học mới chỉ hiểu được một phần nhỏ” - RSAC đánh giá.

Giáo sư Saul Perlmutter là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu Supernova Cosmology Project. Còn giáo sư Brian Schmidt lãnh đạo nhóm High-z Supernova Search Team, trong khi chuyên gia Adam Riess đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của nhóm. “Khi đó, chúng tôi thấy kết quả này thật quá điên rồ, ngoài sức tưởng tượng nên cứ đổ công đổ sức tìm xem mình đã sai chỗ nào - Reuters dẫn lời giáo sư Schmidt hồi tưởng - Lúc đó, tất cả mọi người trong nhóm nghiên cứu đều cảm thấy sợ hãi”.

“Vui như khi con chào đời”

Theo trang Nobelprize.org, giáo sư Saul Perlmutter sinh năm 1959 tại Champaign-Urbana, Mỹ. Ông tốt nghiệp hạng ưu ĐH Harvard năm 1981 và lấy bằng tiến sĩ ở ĐH California, Berkeley năm 1986. Ngoài giải Nobel vật lý năm 2011, ông đã giành rất nhiều giải thưởng khoa học danh giá như giải thưởng vật lý E.O. Lawrence của Bộ Năng lượng Mỹ năm 2002, giải Nhà khoa học California của năm vào năm 2003. Năm 2006 ông đoạt giải thưởng thiên văn học Shaw cùng hai giáo sư đoạt giải Nobel vật lý 2011.

Giáo sư Brian Schmidt mang hai quốc tịch Úc và Mỹ, sinh năm 1967 ở Missoula, Mỹ và lấy bằng tiến sĩ ĐH Harvard năm 1993. Nhà thiên văn Adam Riess sinh năm 1969 ở Washington, Mỹ và lấy bằng tiến sĩ ĐH Harvard năm 1996. Cũng như giáo sư Perlmutter, cả hai chuyên gia Schmidt và Riess đã rất nhiều lần được cộng đồng khoa học thế giới tôn vinh. Giáo sư Schmidt tâm sự khi nhận được tin đoạt giải Nobel vật lý, ông cảm thấy “như thể khi con tôi chào đời”. “Tôi cảm thấy mất hết cả sức lực, nhưng cực kỳ phấn khích - AFP dẫn lời giáo sư Schmidt - Tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ đoạt giải Nobel. Đó là một trong những điều bạn không bao giờ tin rằng sẽ đến với bản thân mình”.

RSAC thông báo giáo sư Perlmutter sẽ nhận 50% của phần thưởng 10 triệu kronor Thụy Điển (1,48 triệu USD), trong khi hai giáo sư Schmidt và Riess nhận 50% còn lại. Họ sẽ chính thức được tôn vinh vào ngày 10-12 tới tại Stockholm (Thụy Điển).

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên