Hầu hết ý kiến nhấn mạnh trách nhiệm của gia đình và nhà trường, cụ thể là sợi dây tình cảm chưa thật sự đủ bền chặt giữa các thành viên trong gia đình, là chương trình giáo dục chưa trang bị cho học trò kỹ năng sống.
Đặc biệt, một số bạn đọc chia sẻ tâm sự từng có ý định tìm đến cái chết ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" vì những lý do mà rất có thể người lớn cho là "lãng xẹt".
Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau, chia sẻ quan điểm riêng và tham gia thực hiện thăm dò ở cuối bài.
3 học sinh lớp 7 "chết cùng nhauĐau đớn cái chết của ba học sinh lớp 7Tìm nguyên nhân 3 nữ sinh "chết cùng nhau"
Phóng to |
Có những bạn trẻ muốn tìm đến cái chết vì những lý do mà rất có thể người lớn cho là "lãng xẹt" - Ảnh chỉ mang tính minh họa: từ Internet |
Tôi từng muốn tự tử vì câu nói của mẹ
Tôi từng trải qua giai đoạn tuổi trẻ, từng có ý nghĩ sẽ kết liễu cuộc đời mình chỉ vì một vài câu nói "không đáng có" của mẹ. Sau kỳ thi đại học, tâm lý tôi cực kỳ không ổn định vì nhiều lý do: làm bài thi đại học không tốt, vừa xa bạn bè sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng mẹ tôi đã không hiểu được điều ấy, bà vô tình nói: "Con cũng là học sinh khá, sao mấy bạn con đứa nào cũng có giấy báo đậu đại học mà con chờ mãi không thấy?".
Sau khi bà đi khỏi nhà, cộng dồn tất cả những chuyện không vui lại với nhau tôi quyết định sẽ tự tử. Bây giờ ngồi đây, viết những dòng này rõ ràng tôi là người may mắn vì đã không làm cái việc quá dại dột kia.
Tôi cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp đến để đăng báo tìm con vì lý do rất đơn giản: "Cháu bỏ nhà đi không nói với bố mẹ vì nghe đâu bị thầy cô la mắng nên giờ ra chơi cháu đã đi ra khỏi trường và đi đâu không rõ".
Từ tâm lý của chính tôi và một số trường hợp tôi gặp, tôi thấy rằng ở cái tuổi "ăn chưa no và lo chưa tới", tâm lý của các em rất rất dễ bị tác động bởi ngoại cảnh, nếu không tinh ý, nếu không có sự động viên kịp thời của thầy cô và gia đình chắc chắn sẽ có những hậu quả đau lòng từ những chuyện và những câu nói vô ý không đáng gì.
Mong người lớn hãy dành thời gian hơn nữa bên con trẻ, tâm sự, chia sẻ với con như những người bạn của con để hiểu hơn nữa về chúng, ngoài ra sự quan tâm dạy dỗ và cách đối xử của thầy cô với con trẻ cũng là những việc ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của các em.
Tôi rất sợ học trò mình tự tử
Là giáo viên, tôi thường tâm sự với học trò của mình. Rất nhiều điều chúng nói làm tôi bất ngờ vì chúng thiếu quá nhiều kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng vượt qua khủng hoảng tinh thần.
Tôi luôn sợ khi có cú sốc nào đó xảy ra chúng sẽ nghĩ đến tự tử. Vì vậy khi dạy bất cứ học trò nào tôi cũng phải dành thời gian "quảng bá" về cuộc sống tươi đẹp, rằng chết là ngu dại. Nhưng ngặt một nỗi chương trình quá nặng, "chỉ tiêu" từ trên xuống cứ ầm ầm, còn nhiêu thời gian đâu cho cô và trò nói chuyện bên lề.
Đã đến lúc Bộ Giáo dục - đào tạo cởi bỏ chiếc áo "thành tích", chương trình nặng nề để giáo viên chúng tôi có dịp chia sẻ cùng các em nhiều điều hữu ích cho cuộc sống chứ không phải là dò đi dò lại một bài học về cơ chế phản ứng mà tôi biết rằng có đến 99% học trò của mình chẳng bao giờ dùng nó để làm gì.
Phóng to |
Những dòng tâm sự trong cuốn nhật ký của em Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đang được gia đình giữ - Ảnh: Đức Lập |
Không thể "khoán trắng" con cho nhà trường
Theo tôi, trong việc này tất cả lỗi ở bố mẹ, không thể đổ lỗi cho nhà trường và xã hội. Một gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thờ ơ với con cái, kinh tế khó khăn... ảnh hưởng rất lớn đến tuổi mới lớn.
Mong các bậc phụ huynh phải thật sự quan tâm nhiều đến con em mình và hãy tự hỏi có khi nào mình ghé thăm thầy cô chủ nghiệm, ghé thăm thầy giáo bộ môn để hỏi thăm về tình hình học tập, đạo đức của con không hay là giao phó cho thầy cô và nhà trường?
Học lệch, nhân cách lệch?
Câu chuyện đau lòng ở Trường THCS Phan Chu Trinh tỉnh Đắk Nông cũng có thể xảy ra ở các nơi khác. Là giảng viên đại học gần 30 năm nay, tôi xin nói thêm đôi điều: hiện nay các môn học đạo đức và công dân của chúng ta không ổn, mở rộng ra cho các môn học xã hội nhân văn cũng có những vấn đề bất cập.
Học sinh phổ thông bây giờ cắp sách đến trường chỉ có một áp lực, nhưng đó là một áp lực khủng khiếp, không phải tất cả học sinh nào cũng đều vượt qua được, đó là áp lực phải học giỏi những môn thi vào đại học!
Những môn học như đạo đức, công dân, văn, sử, địa, thể dục, kỹ thuật... đều được học sinh, phụ huynh, thậm chí một bộ phận thầy cô giáo xem là môn phụ, học cốt để đối phó. Thử hỏi như vậy thì làm sao nhân cách của các em không bị lệch lạc cho được?
Những gia đình nào may mắn có ông bà và bố mẹ quan tâm giáo dục con cái về đạo đức và thái độ công dân thì con em gia đình đó phát triển hoàn thiện. Ở những gia đình bố mẹ đầu tắt mặt tối suốt ngày lo kiếm tiền nuôi con ăn học thì con em họ sẽ chịu thiệt thòi nhiều thứ.
Nói đến chuyện cha mẹ quan tâm con cái thì quả là một điều quá "xa xỉ". Họ chỉ biết đặt tất cả trách nhiệm đối với học sinh lên vai nhà trường. Vậy vai trò nhà trường, vai trò hệ thống giáo dục thì sao? Chỉ có cách giải quyết thật thỏa đáng những câu hỏi này thì mới mong hạn chế được những chuyện thương tâm như đã xảy ra!
Đừng coi thường cảm xúc con trẻ Đọc những dòng tin về việc ba học sinh lớp 7 chết cùng nhau, tôi nhớ lại nhiều sự việc tương tự và nhớ một bài viết của Tuổi Trẻ Vấn nạn tự tử trong thanh thiếu niên. Các bậc làm cha làm mẹ, làm thầy cô dành chút thời gian ít ra là đọc những cuốn sách về tâm sinh lý tuổi mới lớn để chí ít có thể hiểu được phần nào con mình, học trò của mình. Và cũng đừng tự tiện cho rằng ôi cái tuổi như thế này biết gì đâu mà đau khổ, buồn phiền và cũng nên nhớ thế hệ con trẻ bây giờ đã khác xa thế hệ cách đây 10 năm, 20 năm rồi. Như bài viết Vấn nạn tự tử trong thanh thiếu niên, tự tử luôn là sự thất bại: thất bại của bản thân người tự tử, thất bại của gia đình của nhà trường và dĩ nhiên là thất bại của xã hội. |
Theo bạn, việc học sinh tự tử tập thể là do:
Vì gia đình thiếu quan tâm, chia sẻ, đồng cảmVì đặc điểm tâm lý lứa tuổi, dễ nghe theo lời rủ rê của bạn bè Vì bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện tự tử biết được qua truyền thông Ý kiến khác
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận