26/11/2005 17:05 GMT+7

Tội nghiệp bồ câu

AN HẠ - VIỆT TIẾN
AN HẠ - VIỆT TIẾN

TTCN - Hai họng súng đen ngòm từ từ hướng lên đỉnh nóc chùa, nơi lũ bồ câu đang vô tư mơn trớn bên nhau. Tạch… Tạch… Tiếng súng vừa dứt, xác hai con bồ câu xấu số rơi bịch xuống sân chùa.

N1ROqim2.jpgPhóng to
Đội “hành quyết” đang hạ thủ bồ câu trên nóc chùa Tân Ninh

Máu đỏ bết trong đám lông bay tứ phía. “Nó là loài chim tình nghĩa nhất đấy” - xạ thủ Phương vừa nói vừa bẻ gập nòng súng nhét đạn chì vào…

Theo lịch thì sáng nay (22-11) đội “hành quyết”… bồ câu sẽ chia làm hai kíp: một đi tuyến đình Hải Châu, phố Lý Thái Tổ, Lê Duẩn, Đà Nẵng; kíp còn lại đi cánh phố Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Tri Phương. “Mục tiêu không chỉ mỗi bồ câu, tất cả những loài chim nếu gặp đều bắn hạ không thương tiếc” - ông Trần Phước Thành, thành viên đội phản ứng nhanh, sang sảng nói.

Đúng 8g30, ba xe máy chở ba xạ thủ gồm Phương, Đê và Tuấn lao nhanh vào sân Sở Thủy sản nông lâm, đại bản doanh của đội chống dịch cúm gia cầm. Gọi là xạ thủ bởi cả ba người này có thâm niên không dưới 10 năm ôm báng súng. Phương năm nay 42 tuổi nhưng có đến 18 năm “ngắm đầu ruồi”.

Họng súng oan nghiệt

pgu22cUr.jpgPhóng to
“Tìm và diệt”
Vạch lộ trình xong, đội thợ săn lập tức xuất phát. Điểm đến đầu tiên đó là đình làng Hải Châu, nơi có gốc cổ thụ tỏa bóng mát xuống mặt hồ xanh trong. Ngay giữa nội thành mà lại có một điểm yên tĩnh đến như vậy quả là hiếm thấy. Có lẽ thế nên xưa nay họ lông vũ đã chọn nơi đây làm điểm dừng chân vui đùa trước khi đi kiếm ăn mỗi sáng. Cả một không gian yên tĩnh, chỉ có tiếng ríu rít của lũ chim sâu chuyền cành lẫn tiếng gù của đám bồ câu trống…

Sau một hồi dừng quan sát, Phương thò tay bẻ gập nòng, móc túi lấy viên đạn chì to bằng đầu đũa nhét vào, rồi rê rê nòng súng xen qua kẽ lá. “Nếu nói về súng hơi thì thằng Tiệp là số dách. Khẩu tôi đang dùng sản xuất từ năm 1986, tuy vậy vẫn còn tốt chán. Trăm phát trăm trúng. Súng 7 ký nhưng độ lò xo lên 9 ký nên sức công phá lớn lắm. Cỡ như chim sẻ, chim sâu chỉ có banh xác” - Phương bảo.

Gù, gù…gù, tiếng gọi bạn tình của lũ chim bồ câu phát ra từ nóc nhà kế bên đã khiến kíp thợ săn chú ý. Phương dừng lại, rón rén rồi đặt họng súng hướng về đôi chim có bộ lông trắng mướt. Chúng là đôi bạn tình. Ngón tay trỏ của viên thợ săn ấn mạnh cò súng. Đoàng.

FQeY5pAt.jpgPhóng to
Một bồ câu vừa bị bắn hạ
Viên đạn đầu tiên mất dạng, đôi chim tình nhân nghe âm thanh lạ liền lúc lắc chiếc đầu xinh xinh quan sát nhưng không hề di chuyển vị trí. Phương bẻ nòng nhét viên đạn thứ hai, rồi rê súng lên ngắm tiếp. “Tạch”. Lần này thì không thể trật được. Một con chim trúng đạn đập cánh đành đạch rồi lăn từ mái ngói xuống. Con còn lại hốt hoảng vụt bay lên. Máu của con chim xấu số rơi xuống từng giọt đỏ tươi, tạo thành vệt nhỏ trên mặt đất.

Lập tức đội thu gom tiến đến tóm gọn thả vào bao tải. Con bồ câu tội nghiệp… nấc lên mấy cái rồi khép đôi mắt trong veo. Trên cao, con chim ban nãy cứ vờn qua vờn lại, mắt dáo dác lượn tìm người tình bên dưới mặt đất. Ở góc đằng kia, lại thêm một con chim xấu số khác cùng chung số phận bởi họng súng oan nghiệt của một thợ săn.

Vĩnh biệt “bồ câu không đưa thư”!

Với chiến dịch “Tìm và diệt”, sau gần một tuần ra quân, Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch cúm gia cầm TP Đà Nẵng đã bắn và tiêu hủy hơn 3.000 chim cảnh các loại, trong đó có hơn 350 chim bồ câu.

Có lẽ Đà Nẵng là địa phương duy nhất trên cả nước thành lập đội bắn hạ chim trời.

Đang phục chờ con mái quay trở lại thì Phương nhận được tin báo “Khu vực chùa Tân Ninh có hơn 50 con bồ câu hoang”. Lập tức, đội “hành quyết” rồ ga vọt đi trong sự ngơ ngác của người dân sống trong khu vực. Sau một ngày mưa dầm, nên khi mặt trời vừa ló lên lập tức lũ chim đua nhau chui ra khỏi tổ sưởi ấm bằng cách tụ tập từng đàn trên nóc cao của ngôi chùa. Chúng vô tư xòe cánh, chăm tỉa lẫn nhau…

Thế nhưng oái oăm thay, trong khi lũ chim đang nô đùa thì bên dưới mọi thủ tục xin phép nhà chùa được hạ sát lũ chim vô tội kia cũng vừa hoàn tất.

“Diệt được đàn chim này không dễ bởi chúng đậu quá xa, chắc là một đổi năm (một xác chim đổi năm viên đạn)” - Vừa lên đạn, Đê - một xạ thủ khét tiếng ở Khuê Trung - vừa lẩm nhâm - Với loài chim khá lớn như bồ câu thì hoặc là bắn trúng vào đỉnh đầu, hoặc vào ức chứ bắn vào cánh thì chỉ nhọc công”.

Chưa đầy nửa tiếng, các xạ thủ đã liên tiếp hạ gục gần chục chú bồ câu.

Đấy là chim của phật tử đem đến phóng sinh nay chúng tụ tập thành bầy, đàn rồi sinh con đẻ cháu đó chứ không phải chim của chùa nuôi” - một chú tiểu chùa Tân Ninh nói. Còn bà Trần Thị Ước (1/1 Lê Thánh Tôn) cho biết gia đình bà nuôi bồ cầu từ những năm 1990: “Lúc đầu chỉ có hai đôi, về sau chúng sinh đàn cháu đống. Nó là loài chim nghĩa tình nhất, cứ thấy bóng người quen là sà xuống quấn quít. Vậy mà nay phải bị tiêu diệt. Tội nghiệp quá” - bà Ước nói trong nuối tiếc.

FznmBcw5.jpgPhóng to
Thu gom xác bồ câu

Đã hơn tháng nay kể từ ngày chiếc loa phóng thanh trước đường ra rả đọc tin về đại dịch cúm gia cầm, phường, tổ vận động, gia đình bà Ước đành chở nguyên chuồng chim qua tít bên bán đảo Sơn Trà thả.

Mới thả buổi sáng, buổi chiều bà đã thấy chúng kéo nhau tìm về lại chỗ cũ... Để rồi một sáng đội thợ săn xuất hiện và gõ cửa xin được trèo lên gác để bắn hạ cho chính xác.

11 giờ trưa, đội thợ săn dừng chân nghỉ ngơi sau khi đã rảo qua khu vực nội thành. Dưới gốc si già, đội thu gom đang đổ bao tải ra đếm xác những chú chim. Những giọt máu tươi dính trên cổ chim giờ đã chuyển sang màu tím, 50 chú bồ câu đã bị bắn chết trong một buổi sáng đẹp trời...

Trên đường trở về, bất chợt một khúc nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên vẳng ra từ một góc cà phê nghe đến xót xa:

"Bồ câu không đưa thư, hay lòng ai không dám! Bồ câu không đưa thư cho lòng ai bàng hoàng than thở".

AN HẠ - VIỆT TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên