Ông Huỳnh Công Hùng, ủy viên thường trực HĐND TP.HCM, nhận định như vậy sau khi nghe các đơn vị báo cáo tiến độ thực hiện ba hồ điều tiết: Gò Dưa (Q.Thủ Đức), Khánh Hội (Q.4), Bàu Cát (Q.Tân Bình) trong buổi giám sát tại UBND TP về thực hiện giải pháp giảm ngập nước trên địa bàn TP, ngày 27-10.
Ông Hùng cho rằng với việc đầu tư không đồng bộ, thiết kế hệ thống thu gom nước mưa dẫn về hồ chưa có, giải tỏa đền bù chưa xong...thì dự kiến kế hoạch đến năm 2020 xây dựng xong các hồ điều tiết là không có cơ sở, không khéo hồ điều tiết trở thành hồ chứa nước thải.
Giải thích vì sao TP đã đầu tư nhiều công trình chống ngập nhưng ngập nước vẫn là bức xúc của người dân, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho rằng số lượng công trình chống ngập được đầu tư thời gian qua mới đáp ứng 10% nhu cầu.
Ngoài ra, do biến đổi khí hậu nên tần suất những cơn mưa lớn vượt thiết kế cống, triều cường lên cao ngày càng nhiều. Ông Tín cũng nhìn nhận một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập là công tác quản lý nhà nước về chống ngập và ý thức người dân còn kém.
Về các giải pháp chống ngập thời gian tới, ông Tín cho biết sẽ tập trung vào việc nạo vét, chỉnh trang kênh rạch như rạch xuyên tâm, Tham Lương - Bến Cát đồng bộ với việc cải tạo xây mới hệ thống cống thoát nước. Song song đó là việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và triển khai xây dựng 9 cống kiểm soát triều cùng hệ thống hơn 85km đê bao (theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)...
Ông Tín cũng tiếp thu các ý kiến phản ánh của đại biểu HĐND TP và yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP, các đơn vị liên quan trên cơ sở tổng rà soát các quy định đề xuất cơ chế mang tính đột phá trong việc triển khai thực hiện các dự án chống ngập, vì theo trình tự thủ tục như hiện nay là quá chậm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận