Sau bài báo "Mẹ không về nữa":
![]() |
Làm sao hình dung được tương lai của các em - Ảnh: Hoài Nam |
Hình ảnh một người mẹ quên mình giữa những xoáy nước hung hãn để cứu người, hình ảnh bảy đứa con nheo nhóc đứng bên sông ngóng mẹ đã thành một câu chuyện bi tráng trên báo Tuổi Trẻ mấy ngày qua.
Có bạn đọc đề nghị phong anh hùng cho chị Mai, có người yêu cầu Nhà nước phải nuôi con chị, có người sụt sùi mang đến khoản lương đầu tháng... Những hiệu ứng nối dài bài báo, nối dài tình cảm từ người viết đến độc giả, đến nhân vật cứ tiếp tục, như đã từng tiếp tục biết bao lần ở phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Chuyện đặc biệt nhất hôm nay là một cuộc điện thoại: “Phóng viên báo Tuổi Trẻ hãy đưa tôi đến thôn Hậu Thành, xã Phù Hóa. Tôi muốn nói với mấy đứa nhỏ rằng: Mạ đã về...”.
Là mẹ của hai đứa con cùng ngang tuổi với những đứa con của chị Mai, tôi biết và hiểu là chị Mai thương và lo cho con như thế nào, đồng thời những đứa con của chị cần và thương mẹ như thế nào từ trước đến giờ, và nhất là trong tương lai của chúng. Chị đã không quản thân mình. Một hành động không dễ có trong đa số chúng ta. Cứ thử đặt mình trong hoàn cảnh của chị, nếu có gặp hoạn nạn, việc đầu tiên của tôi sẽ là ôm lấy con tôi và lo chạy khỏi nơi tai nạn. Cho dù chị có làm như vậy, tôi nghĩ cũng không ai trách vì đó là phản ứng rất tự nhiên của con người. Chị đã không làm như vậy! Tôi rất khâm phục chị, dù chưa một lần gặp mặt hay nghe đến chị. Tôi mong rằng Chính phủ, Nhà nước có chính sách đúng đắn cho các con của chị. Theo tôi, đây là nguyện vọng cuối cùng, mà nếu có cơ hội chị cũng sẽ nói như vậy. Đây cũng là việc làm của mọi người trước di chúc của một anh hùng. |
Chị là Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, nhà ở thị trấn Chợ Lách, Bến Tre. Chị Mỹ chưa bao giờ ra miền Trung, không biết những dòng sông nhỏ lúc thì trơ cát trắng khi lại cuồn cuộn chảy xiết ngoài đó khác với con sông ngập phù sa quê mình ra sao.
Chị cũng chưa tưởng tượng được âm sắc Quảng Bình khác giọng nói miền Tây, phong vị muối mặn của người ngoài đó khác với xứ dừa của chị thế nào. Nhưng chị quả quyết: “Tôi muốn thay chị Mai nuôi mấy đứa con chị ấy, cả bảy đứa...”.
Hôm qua, khi đang ngồi trong sạp hàng của mình ở chợ, đọc bài báo “Mẹ không về nữa” (Tuổi Trẻ 1-12-2004) chị Mỹ đã trào nước mắt trước câu chuyện về cuộc đời chị Mai. Giúp đỡ bằng cách đóng góp tiền? Biết bao nhiêu cho đủ với cả cuộc đời phía trước mấy đứa trẻ.
Nhận một, hai đứa nhỏ về nuôi nấng? Chia lìa mấy chị em chắc bọn nhỏ sẽ một lần nữa cạn nước mắt. Nhận cả bảy đứa trẻ từ 3-13 tuổi? Các bạn hàng xúm lại bàn tán vì biết chị Mỹ đã muốn giúp ai thì sẽ giúp bằng được.
Đa số mọi người đều cản ngăn vì có bảy đứa nhỏ xuất hiện trong nhà chắc chắn sẽ sinh ra rất nhiều khó khăn, phức tạp. Ngay buổi chiều, chị Mỹ tổ chức một cuộc họp gia đình. Đọc xong bài báo, chồng chị gật đầu, mấy cô em gái cũng nồng nhiệt: “Chị Ba liên hệ sớm để nhận mấy đứa nhỏ về. Nếu sau này lo không nổi tụi em sẽ phụ...”.
Gọi đến báo Tuổi Trẻ rồi, chị cứ ngồi cạnh cái điện thoại để chờ tin. Chị lại cho chúng tôi số điện thoại của chủ tịch xã, của Hội Chữ thập đỏ nơi chị thường xuyên tham gia công tác xã hội để có thể xác minh thiện ý của mình.
Chị kể ngay từ nhỏ đã từng thay mẹ nuôi các em, rồi nuôi con, nuôi cháu ngoại: “Tui mát tay lắm, mấy đứa nhỏ giao cho tui chắc chắn sẽ lớn khỏe, học hành đàng hoàng. Lớn một chút, tự lập được, chúng lại trở về quê sống với cha, với bên nội, bên ngoại”.
Chúng tôi nói rằng nuôi dạy bảy đứa trẻ ở độ tuổi đã biết nhận thức, biết thể hiện cá tính không đơn giản như nuôi một đứa bé vừa lọt lòng, nhưng chị Mỹ vẫn rất tự tin: “Chúng là con chị Mai. Có một người mẹ như thế, chắc chắn đó là những đứa trẻ ngoan lắm. Chị Mai cũng sẽ theo phù hộ cho con. Thế thì có chi mà lo”.
Chị Mỹ có thể trở thành “mạ” của mấy đứa con chị Mai không, điều ấy chúng tôi cũng chưa thể biết. Cùng với chị Mỹ, còn có bác sĩ Phương Tần (làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ), chị Thanh Xuân (Viện Nghiên cứu châu Á) mong muốn được nhận nuôi mấy đứa trẻ. Mất mẹ, nhất là một người mẹ như chị Mai, với các em là một mất mát không gì bù đắp được.
Nhưng những hụt hẫng trên con đường rất dài trước mắt các em chắc sẽ được thăng bằng ít nhiều nhờ hành động dũng cảm đầy tình nghĩa của người mẹ, và nhờ những người phụ nữ khác đang sẵn lòng chờ được các em gọi bằng “mạ” như chị Mỹ.
Nỗi băn khoăn cuối cùng của chị Mai là “biết lấy chi nuôi bảy đứa con” đã có những người phụ nữ khác sẵn lòng gánh vác. Yên lòng, chị Mai nhé...
Việc chúng ta làm lúc này không chỉ là trách nhiệm phải làm đối với cái ơn cuộc đời đã nợ chị, mà còn thể hiện tình cảm tương thân tương ái giữa con người với con người. Nghĩ lại hành động của chị Mai tôi thật sự xót xa quá! Cái khổ, cái nghèo của cuộc sống đã không làm mòn đi ở chị tình người cao quí, sẵn sàng xả thân vì người khác. Chị chỉ là một người dân bình thường, thật bình thường như bao con người khác, nhưng trước nguy cấp chị đã vụt sáng thành một "anh hùng trong thời bình" của đất nước. Chị Mai - một người mẹ với bảy đứa con đã hi sinh để cứu bảy đứa con của những người mẹ khác, còn nghĩa cử nào đẹp đẽ và xúc động hơn nghĩa cử ấy. Chị đã thật sự tạo nên hình ảnh con người VN hiền hòa nhưng mạnh mẽ, không lùi bước trước khó khăn, gian khổ. Chúng tôi, những con người may mắn còn được sống trên đời, xin kính cẩn trước hương hồn chị. Xin chị hãy yên lòng vì chúng tôi sẽ không bao giờ quên hành động cao đẹp của chị cũng như không quên gia đình chị. Cuộc đời vẫn còn những người tốt như chị ạ...! |
96.887.000 đồng Là tổng số tiền bạn đọc giúp đỡ gia đình chị Trần Thị Mai (Quảng Bình) sau ba ngày, kể từ ngày 30-11-2004; đã chuyển cho gia đình chị Mai 17 triệu đồng ngay ngày đầu tiên 30-11-2004 để giải quyết những khó khăn trước mắt. Số tiền còn lại báo Tuổi Trẻ sẽ bàn với địa phương và gia đình để có hướng sử dụng căn cơ hiệu quả nhất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận