27/06/2005 12:24 GMT+7

Tôi muốn làm bạn với cha mẹ!

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Một phụ huynh đã email đến Tuổi Trẻ Online một câu chuyện có lẽ không còn xa lạ với đời sống gia đình hiện nay. Một bức email đầy trăn trở của người cha khi con mình... "nổi loạn":

OmA2OiRU.jpgPhóng to
Quang cảnh bàn tròn trực tuyến - Ảnh: Thanh Đạm

Vốn là dân trong giới âm nhạc, anh N. thẩm định được chất giọng của nam ca sĩ này nên phản đối kịch liệt sự thần tượng của con. Anh cho rằng con mình đang nhìn âm nhạc chứ không phải nghe và thưởng thức âm nhạc.

Khổ nỗi càng phản đối thì S. càng lao vào. Không cho đi xem thần tượng hát, S. khóc suốt một ngày. S. không thèm lấy vé các chương trình ca nhạc bố có mà tình nguyện bỏ tiền đi chung với các fan khác (để được ngồi thành nhóm). Các ca sĩ hát mở màn toàn thấy đám fan nói chuyện riêng, nhưng khi thần tượng xuất hiện thì cả đám la hét, lao lên sân khấu tặng hoa, thú nhồi bông… Thần tượng hát xong lui vào bên trong sân khấu thì đám fan cũng đồng loạt đứng dậy bỏ về. Anh N. tức giận: “Đây là một hành động rất vô văn hóa!”.

Biết S. có khiếu viết lời, các fan phân công S. cải biên những bài ca sĩ X thường hát thành những lời ca ngợi thần tượng. Mới đây S chìa một xấp bài hát cho bố thủ thỉ: “Bố giới thiệu cho con một phòng thu âm tốt để con làm thành đĩa CD bán lại cho các bạn trong fanclub lấy tiền ủng hộ nạn nhân chất độc da cam”, anh N. tá hỏa: “Có khùng không? Làm như vậy là vi phạm bản quyền tác giả, ở tù như chơi đó con!”.

Dù ý thức được cách giáo dục con nhưng với nhiều “cuộc chiến” vẫn không đơn giản như chuyện của anh N. Biết con rất giỏi vi tính, anh gợi ý S. nên dành thời gian làm một trang web định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên (có sự hỗ trợ của các nhân viên của bố), nhưng cô bé từ chối, anh lại quay sang khuyến khích con sáng tác nhạc về bạn bè, thầy cô, cha mẹ, ông bà… S. chỉ ậm ừ. “Dù gì thì cũng không được bó tay với con” – anh N. tuyên bố.

- Chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai: Anh N. thân mến! Trong giao tiếp bao giờ cũng có yếu tố nghe - nhìn, trong đó yếu tố nhìn là yếu tố đầu tiên, do vậy việc cháu có thích ngắm nhìn ngoại hình của một ca sĩ, thông qua trang phục, thông qua trang điểm... cũng là một điều tự nhiên. Hơn nữa, ở độ tuổi này, các cháu đang bắt đầu quan tâm đến đời sống của người lớn, trong đó có người ca sĩ mà mình yêu thích. Như vậy thì anh cũng đừng quá lo lắng!

Việc giúp cháu thẩm định chất lượng nghệ thuật là rất quan trọng, do cháu chưa đủ trình độ để cảm thụ giá trị của tác phẩm âm nhạc vì cháu chưa được trang bị kiến thức âm nhạc. Việc cháu gia nhập nhóm chỉ là một hình thức ham vui như bạn bè của mình và cũng muốn khẳng định quyền tự do chọn lựa, chủ yếu đối với các cháu vui là chính. Khi thần tượng của cháu biểu diễn xong cháu bỏ ngang chương trình và ra về, cũng chưa thể gọi đó là hành động vô văn hóa được!

Có lẽ anh cũng nên xem lại việc tập cho cháu những hành vi ứng xử lịch sự trước đám đông bởi đây là thói quen cần phải được rèn luyện từ khi cháu còn rất nhỏ. Còn về quyền tác giả của tác phẩm, cháu chưa biết về điều này nên anh cứ giới thiệu cháu đến một phòng thu nào đó để chính phòng thu từ chối thì cháu sẽ dễ được thuyết phục hơn.

Vấn đề định hướng cảm nhận nghệ thuật cho con thì rất tốt đẹp nhưng phải cần có thời gian và có sự đồng cảm giữa cha mẹ và con cái, cũng không nên ép buộc con phải làm theo sở thích của mình. Nói khác hơn giáo dục con tức là vừa phải dạy, vừa phải dỗ con! Tránh cách nhìn trẻ con là một người lớn thu nhỏ. Mặc dù cha mẹ có thể trao đổi và tranh luận với con nhưng tránh cách nói mang tính áp đặt và làm tổn thương con. Chúc anh thành công!

* Một bạn trẻ gửi đến TTO: Em thấy bố mẹ bảo vệ con quá chặt chẽ, dường như cứ muốn "đóng khung" con trong sự bảo bọc của gia đình. Làm cho con cái cảm thấy như mình là một "búp bê trong tủ kính". Giữa bố mẹ và con cái hình như không có được một sự trao đổi, tâm sự nào cả. Mọi việc con cái đều phải làm theo ý bố mẹ, nếu tranh luận lại với bố mẹ một vấn đề nào đó mình cho là không đúng thì bị khép tội "vô lễ với bố mẹ" ví dụ như xin đi chơi xa với bạn bè nhưng bố mẹ không cho phép, bảo như thế là không tốt, "con gái ra đường coi chừng có ngày bị hư"...

Làm thế nào để có được một sự trao đổi cởi mở và thẳng thắn giữa bố mẹ và con cái trong khi bố mẹ luôn cho rằng mình là đúng, mọi quyết định của mình luôn tốt cho con nhưng bố mẹ không hiểu được con đang nghĩ gì, làm gì? (một bạn SV 20 tuổi).

- Chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai: Trước hết cô chia sẻ với tâm trạng của em, nhưng em đã rất may mắn khi có bố mẹ quan tâm chăm sóc. Em cũng nên thông cảm với cha mẹ về sự lo lắng cho con cái, đó cũng là điều bình thường, bởi vì với kinh nghiệm sống và tâm lý của cha mẹ là bao giờ cũng muốn bảo bọc con trước mọi cái xấu. Để thuyết phục được cha mẹ, có lẽ em nên xem lại thái độ và hành vi của em có làm cho cha mẹ yên tâm không?

Quan trọng là cách nói và cách đặt vấn đề của em để cha mẹ có thể đồng ý với những yêu cầu chính đáng của em. Tóm lại em cần chứng minh được sự trưởng thành của mình trong lối sống, trong cách đặt vấn đề để cha mẹ chấp nhận là mình đã lớn và có đủ khả năng để tự bảo vệ mình, từ những việc như giao tiếp với bạn bè, ứng xử trong cuộc sống hàng ngày, nề nếp trong sinh hoạt...

vb5uX49U.jpgPhóng to
Chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai - Ảnh: Thanh Đạm
* Nhưng ngược lại, cũng có nhiều bậc bố mẹ quá buông lỏng trong việc quản lý con cái. Nhiều bậc phụ huynh vì bận trăm công nghìn việc nghĩ rằng chỉ cần cung cấp đủ tiền cho nó là đủ, chính vì thế họ đã bỏ mặc việc con cái với một đống tiền, mặc cho con cái muốn làm gì thì làm. Con cái được hưởng sự tự do thật sự, muốn học gì, chơi gì, làm gì thậm chí bỏ nhà đi chơi vài hôm bố mẹ cũng không quan tâm đến. Sự tự do quá mức như thế này liệu có cần thiết hay không?

- Chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai: Thường thì các bạn ít khi nào bằng lòng với những gì mình đang có. Đối với trường hợp ở trên thì lại cho rằng cha mẹ quá khắt khe, bảo bọc, đối với trường hợp này thì ngược lại. Cái cảm giác được buông lỏng của bạn có thể đúng như bạn nói là do cha mẹ không có thời gian để quan tâm tới con. Nhưng cũng có thể là do cha mẹ hoàn toàn tin tưởng và tôn trọng bạn nên mới để cho bạn tự do trong mọi sinh hoạt.

Khi bạn đặt vấn đề tự do quá mức là bản thân bạn đang cảm thấy không yên tâm với cách sống hiện nay của bạn. Bạn đừng quên tự do cao nhất là tự do sống và làm việc trong khuôn khổ. Mong những bạn trẻ đang được cha mẹ tạo điều kiện tự do "quá mức" nên xem lại thời gian và cách sinh hoạt của mình sao cho có ý nghĩa.

* Giới tính vẫn là một câu chuyện được coi là tế nhị trong gia đình Việt Nam hiện nay. Những câu hỏi rất ngây ngô của con trẻ như: "Mẹ ơi, con được sinh ra từ đâu?". Một, bị mắng cho ngay một trận. Hai là được trả lời một cách vu vơ: "Có một con cò xách con mang đến cho mẹ". Lớn lên, những chuyện tình cảm nam nữ, chuyện rung động tuổi đầu đời đều bị bố mẹ cho là: "Không cần thiết, tạm gác lại một bên, tập trung cho việc học trước đã".

Việc cần biết, không được cho biết, nên các bạn trẻ sẽ tự tìm hiểu qua mạng, và có rất nhiều website, cả tốt lẫn xấu cung cấp những thông tin đó. Rồi đến một ngày, với những nhu cầu tự nhiên của tuổi đang yêu, chuyện gì tới nó sẽ tới, thậm chí không khéo chúng còn có thể quan hệ tình dục với nhau. Và khi đó bố mẹ sẽ là người lãnh nhận trách nhiệm về việc này. Con số độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của "thanh niên" Việt Nam là 14,2 tuổi đã chứng tỏ rằng dù bố mẹ có muốn hay không thì chúng vẫn sẽ làm những điều mà người lớn cấm chúng làm. Làm thế nào để có thể tâm sự được với bố mẹ những chuyện rất tế nhị ấy?

- Chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai: Trước hết cần thông cảm với các bậc cha mẹ khi phải làm cha mẹ mà có thể bản thân họ chưa được thông qua một trường lớp nào nên sự lúng túng và lảng tránh những "chuyện khó nói" với con cũng là tự nhiên. Sợ con cái xao nhãng việc học tập nên cấm chuyện yêu đương, đó cũng là quyết định chung của các bậc cha mẹ. Nhưng thực ra, những rung động của tình yêu và việc học tập không hề loại trừ nhau, nếu như cha mẹ biết dạy con học yêu thế nào cho đúng.

Cần lưu ý rằng tuổi trẻ hiện nay có thể tiếp xúc với mọi phương tiện thông tin mà người lớn không thể kiểm soát hết được, cách tốt nhất là không nên cấm nhưng cần trang bị cho trẻ những hiểu biết để có thể phân biệt được những gì phù hợp với độ tuổi và những điều nên tránh. Chính cách trao đổi cởi mở và thân thiện của cha mẹ sẽ khiến cho con cái tin tưởng để có thể thổ lộ được những thắc mắc băn khoăn rất chính đáng của mình. Nói khác hơn, cha mẹ cũng cần phải được trang bị bản lĩnh và kiến thức về vấn đề nhạy cảm này mới có thể là chỗ dựa tin cậy cho con cái.

- TS Đinh Phương Duy: Xã hội đang có nhiều phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, các vấn đề xã hội được tiếp cận theo nhiều khuynh hướng khác nhau, trong đó vấn đề giới tính cũng đối diện với nhiều băn khoăn và trăn trở của các bậc phụ huynh. Hiện nay giới tính không còn là lĩnh vực bí mật hoặc khó nói nữa khi các bạn nhỏ có đủ mọi cách để biết và hiểu về nó, do đó nếu cứ "bưng bít" hoặc cố tình lơ đi thì có thể có những phản hồi ngược từ trẻ.

Nói cho trẻ biết sự thật về giới tính là cách thức có thể chấp nhận khi trẻ cảm nhận được sự tin cậy của người lớn vào mình, vì vậy trẻ sẽ dễ nghe hơn nếu người lớn có ý kiến tham vấn , trẻ sẽ dễ dàng tự tin hơn khi trao đổi về giới tính. Vấn đề quan trọng là nói cho trẻ biết như thế nào, nói những gì không làm cho trẻ cảm thấy thiếu. Vẽ đường cho hươu chạy đúng đường thì cũng nên vẽ chứ, phải không ạ.

Con cái thường ngại nói về giới tính với bố mẹ , vì vậy thái độ và cách thức "khuyến mãi" của bố mẹ rất quan trọng để nghe được suy nghĩ của con. Các bậc cha mẹ nên chủ động đề cập , trao đổi vấn đề này với con trước khi con có thắc mắc.

83LQA6CQ.jpgPhóng to
TS Đinh Phương Duy - Ảnh: Thanh Đạm

* Tại sao con tôi năm nay 6 tuổi, cháu bắt đầu vào lớp 1 tháng 9 này, cháu đang học lớp dự bị vào lớp 1. Mấy ngày đầu thì cháu rất vui khi đến trường nhưng đến tuần này thì cháu không chịu đi, cháu bảo là không vui bằng lớp ở trường 19/5. Tôi cũng đã giải thích với cháu bây giờ là vào học lớp 1 là con sẽ làm quen với các bạn mới và thay đổi điều kiện sống nên phải cố gắng hội nhập.

Nhưng cứ đến sáng là cháu khóc và không chịu đi học. Tôi cố gắng mãi không được nên một lần đã tức giận đánh cháu mấy cái. Tôi biết thế là không tốt nhưng không thể kiềm chế được sự nóng giận. Xin TS vui lòng hướng dẫn tôi cách giáo dục cho cháu. (Nguyen Thi Loan Anh, 34 tuổi, lanhngt@yahoo.com)

- TS Đinh Phương Duy: Thông thường khi thay đổi môi trường hoạt động, con người cần một khoảng thời gian nhất định để thích nghi và hòa nhập. Khi chuyển sang bất kỳ một giai đoạn lứa tuổi nào, con người cũng sẽ gặp một số khó khăn, thậm chí khủng hoảng nếu không có sự chuẩn bị chu đáo. Người trưởng thành có nhiều kinh nghiệm nên việc thích nghi có thể dễ dàng hơn các cháu. Vì vậy các bậc cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì để giúp con mình vượt qua các giai đoạn khó khăn và nhạy cảm này.

Việc cháu cảm thấy không thích thú lắm với lớp học sau một tuần vui vẻ, có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ cháu, từ cô giáo hoặc các bạn nữa... Lúc ở mẫu giáo, cháu chỉ toàn chơi là chính, khi vào lớp 1 mà không có thời gian nghỉ ngơi thỏa đáng là cháu cảm thấy bị dồn ép vì các bài học lạ lẫm so với các trò chơi trước đó. Hiện cháu chưa đủ "bản lĩnh" để thấu hiểu được mọi điều. Nên tác động đến cháu bằng các hoạt động nhẹ nhàng...

Các bậc cha mẹ nếu có thời gian nên lắng nghe trẻ sẽ hiểu được nên làm gì... Lắng nghe con không phải chỉ yêu cầu con nói ra mà có thể thông qua các hình thức "hợp tác" giữa cha mẹ và con: cùng chơi với con, trò chuyện với con một cách thoải mái về nhiều vấn đề "linh tinh"... để đón được suy nghĩ và tâm trạng của các cháu.

Chị đã căng thẳng khi đánh cháu, điều đó có thể làm cháu cảm thấy hụt hẫng và mất tự tin trong các lần trò chuyện nhưng chị có thể yên tâm vì sự cố ấy có thể nhanh chóng qua đi vì tuổi cháu rất vô tư và mau quên, đặc biệt khi Mẹ vẫn thương cháu như thường. Việc dành nhiều thì giờ cho con là một yêu cầu quan trọng, chị có thể cùng con đến lớp vài buổi, cùng dạo chơi với con sau khi đón cháu về, cùng làm bài tập với con để cháu không cảm thấy học là một gánh nặng, cháu sẽ quen dần với việc đến lớp. Thân ái!

* Có thật là hầu hết bố mẹ thường hay áp đặt cho con mình về việc lựa chọn tương lai hay không? Em là học sinh chuẩn bị thi ĐH và em biết là cả nhà đều mong em thi đậu. Nhưng cũng vì đó mà áp lực càng lúc càng tăng khủng khiếp! Thật sự có cần phải thi đậu ĐH hay không? Em nghĩ đó không hẳn là con đường cần thiết nhất mà chỉ là con đường tốt nhất! Còn việc đi trên còn đường nào, phải là tùy vào mình... (Bùi Trần Nhan Nghiem, 17 tuổi, enless_love@hopthu.com)

- Chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai: Đúng là có nhiều con đường lựa chọn cách vào đời nhưng chọn cách nào thì trước hết phải phù hợp cao nhất với khả năng của bản thân và ý nguyện của gia đình. Để chọn con đường tốt nhất đúng là do em quyết định, nhưng việc tham khảo và lắng nghe ý kiến của những người có kinh nghiệm cũng là điều cần thiết, trong đó có ý kiến của cha mẹ - những người yêu thương em nhất. Chúc em thành công!

* Con tôi những lúc bình thường thì cháu ngoan và vâng lời, nhưng đôi khi cháu rất bướng và không chịu nghe lời gì cả, chỉ thích làm theo ý của mình. Tôi rất lo là vì nếu cháu lớn thêm một chút nữa sẽ rất khó dạy dỗ! (huynh thi thu thao, 40 tuổi, thanhthuy201@yahoo.com)

- TS Đinh Phương Duy: Các cháu nhỏ thường "cảm nhận" được tình thương yêu của bố mẹ dành cho mình nên đôi lúc trở chứng để được quan tâm. Nhiều cháu không chịu nghe lời cha mẹ, thậm chí rất dữ vì chung quanh mình là sự cưng yêu thái quá của người lớn. Cháu sẽ thay đổi cách "ứng xử" khi người lớn vừa nghiêm khắc vừa âu yếm cưng chiều. Để giúp cháu "hiền" hơn, bố mẹ có thể tạo điều kiện cho cháu tiếp xúc với các sinh hoạt mang tính "lắng đọng" hoặc các trò chơi trí tuệ để tinh thần và phản ứng "mềm" hơn.

cPq7IvW2.jpgPhóng to
* Tôi và bố tôi rất ít khi có thể ngồi nói chuyện được với nhau. Tôi có những dự định, kế hoạch cho cuộc sống, cho gia đình nhưng hai cha con tôi chỉ nói được vài câu là bố tôi cho tôi là trẻ con, mặc dù tôi đã giữ nhiều chức vụ cao ở những công ty khác nhau. Ngoài xã hội, tôi cũng tạm được gọi là người thành đạt. Nhưng hình như bố tôi luôn muốn áp đặt mọi chuyện cho con cái mình. Tôi luôn có ý thức muốn làm bạn với cha mẹ nhưng không biết cách nào để thành công! Mong qua chương trình này, quý vị sẽ cho tôi một giải pháp... (Ngoc An, 28 tuổi)

- Chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai: Có lẽ do bạn quá bận rộn nên ít có thời gian để gần gũi tâm sự cùng bố mẹ nên chưa tạo được bầu không khí cảm thông trong gia đình. Nếu bạn đã là người thành đạt ngoài xã hội thì tôi tin rằng bạn sẽ biết cách chọn thời điểm và cách thức trò chuyện cùng bố mẹ. Một khi bố mẹ hiểu được sự thành công của bạn, điều ấy sẽ làm cho bố bạn yên tâm và tự hào về bạn. Khéo léo trò chuyện và lắng nghe ý kiến của bố sẽ làm bố hài lòng và bạn sẽ dễ dàng tiếp cận bố hơn. Bạn thử áp dụng xem có thể xóa đi khoảng cách giữa hai bố con không nhé!

* Vì sao ba mẹ ít quan tâm theo dõi tâm lý của trẻ, có phải vì vấn đề kinh tế hay không? (hoang thu, 28 tuổi, vinexad.danang@dng.vnn.vn)

- TS Đinh Phương Duy: Sự thay đổi tâm lý của con có nhiều biểu hiện và không phải lúc nào cũng bộc lộ một cách rõ ràng, do đó có nhiều lúc bố mẹ không kịp nhận thấy các thay đổi đó. Mặc khác , với áp lực công việc ngày càng cao cùng với sự lo toan về kinh tế gia đình nên hiện nay bố mẹ có rất ít thời gian quan tâm đến con. Bố mẹ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình thì sẽ có nhiều điều kiện hiểu được những thay đổi tâm lý của con mình.

* Xin được trao đổi với TS Duy về câu trả lời giới tính mà TS vừa gửi đến bạn đọc: TS có nói rằng "Các bậc cha mẹ nên chủ động đề cập, trao đổi vấn đề này với con trước khi con có thắc mắc".

Nhưng theo tôi về vấn đề này đa số bố mẹ cũng không hiểu biết gì mấy, nói một cách nào đó là so với nhu cầu hiểu biết của con cái họ thì họ hoàn toàn không đủ sức đáp ứng. Ví dụ như con cái họ đã biết thế nào là quan hệ tình dục, biết cách dùng bao cao su thế nào, nếu lỡ mang bầu rồi thì phải làm sao... trong khi đó thì bố mẹ hầu như chẳng biết gì về điều đó, nếu biết thì cho đó là chuyện của người lớn không nên nói cho trẻ con hay.

Bố mẹ thật sự không biết rằng con cái họ đã "tỏ tường đường đi lối về" họ cứ tưởng rằng con cái họ vẫn còn rất ngây thơ nhưng sự thật hiện nay giới trẻ, thậm chí là học sinh, biết rất nhiều điều về giới tính (thông tin trong luồng lẫn ngoài luồng). Theo tiến sĩ thì bố mẹ không biết nhiều (vì hồi xưa chưa được giáo dục) thì làm thế nào có thể giáo dục con cái được?

Zb0HI0xt.jpgPhóng to
TS Đinh Phương Duy: "Hiện nay, một số bố mẹ rất lúng túng trong việc nuôi dạy con, nhất là ở tuổi dậy thì, vì vậy khi lập gia đình, các cặp vợ chồng trẻ nên được trang bị kiến thức và kỹ năng làm cha mẹ" - Ảnh: Thanh Đạm
- TS Đinh Phương Duy: Việc một số bố mẹ có ít hiểu biết về các vấn đề giới tính là một sự thật "đáng buồn" vì điều đó sẽ làm họ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình định hướng cho con. Hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin để tham khảo về vấn đề giới tính, đặc biệt trong chương trình giáo dục sức khoẻ sinh sản, bố mẹ có thể tham khảo để có tư liệu và "tự tin" vào cuộc cùng con.

Hiện nay, một số bố mẹ rất lúng túng trong việc nuôi dạy con, nhất là ở tuổi dậy thì, vì vậy khi lập gia đình, các cặp vợ chồng trẻ nên được trang bị kiến thức và kỹ năng làm cha mẹ. Khi con vào tiểu học thì bố mẹ cần chú ý tìm hiểu về vấn đề giới tính và giáo dục giới tính cho con trẻ.

* Thưa cô Mai, em sinh ra trong một gia đình có bốn chị em, em là con đầu, hiện học ở TP. Em thương cha mẹ lắm! Vì lo cho em ăn học, nên em thấy nhiều lúc mình là gánh nặng. Có nhiều lúc mẹ nói đùa là chỉ lo cho em ăn học hai năm thôi. Em biết đó chỉ là lời nói đùa nhưng trong em luôn nghĩ điều đó là đúng vì sau em còn ba đứa em nữa mà gia đình lại ở quê nên không đầy đủ điều kiện lắm! Em chỉ mong sao khi ra trường sẽ tìm được một công việc ổn định để lo cho các em ăn học... Và sau này khi có gia đình thì em sẽ thiên về gia đình hơn. Không biết suy nghĩ như vậy có đúng không! Mong cô cho em một lời khuyên... (Kim, 19 tuổi, nguoitinhcuabien2211@yahoo.com)

- Chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai: Trước hết em hãy lo học thật tốt để không phụ lòng cha mẹ và có thể lo được cho các em như ước nguyện của em. Hoàn cảnh gia đình càng khó khăn càng khiến em phải quyết tâm hơn để đền đáp lại công ơn cha mẹ là điều chính đáng. Còn việc thiên về gia đình của em sau khi kết hôn lại là một vấn đề khác, bởi vì khi lập gia đình là sẽ có tứ thân phụ mẫu. Trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ đôi bên là trách nhiệm chung. Hiểu được điều ấy em sẽ không còn phải băn khoăn như hiện nay.

* "Làm con nhà giàu thật khổ" đó là tâm sự của không ít bạn trẻ hiện nay. Kinh tế ngày càng khá giả hơn thì gia đình lại càng ít quan tâm đến con cái nhiều hơn. Trong xã hội dường như những sân chơi thật sự dành cho các bạn con nhà giàu hình như không có, họ cũng là thanh niên, cũng có những nhu cầu tự khẳng định mình như bao bạn trẻ khác chỉ có điều là nhu cầu của họ khác với những thanh niên khác, họ có tiền nhiều hơn nhưng lại không biết xài vào việc gì, làm thể nào để dùng số tiền đó để tự khẳng định bản thân mình họ hoàn toàn không hề biết. Có lẽ vì thế mà họ đã lao vào cơn nghiện lắc, họ cho rằng đó là sành điệu, là chứng tỏ bản thân mình, là việc làm để khẳng định "đẳng cấp" dù là đẳng cấp ăn chơi của mình.

Một cán bộ Đoàn gần đây khi nói về cơn đại dịch lắc đã thốt lên rằng "Đoàn chưa tiếp cận được, vì họ là con nhà giàu". Có cảm giác rằng những thanh niên đó đang bị bỏ rơi, gia đình bỏ rơi, xã hội chưa đủ sức tiếp cận họ. Có phải chúng ta đang bế tắc trong việc giáo dục "con nhà giàu"?

- Chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai: Làm con nhà giàu không khổ, nếu biết chia sẻ hạnh phúc ấy cho mọi người. Bạn sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi biết định hướng và sống có lý tưởng. Đừng đòi hỏi xã hội phải tạo sân chơi cho mình trong việc khẳng định vị trí "con nhà giàu". Một khi bạn tạo được hơi ấm trong gia đình, bạn sẽ không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Hãy biết san sẻ sự may mắn của mình cho những mảnh đời bất hạnh, bạn sẽ hiểu được mình hạnh phúc dường nào. Chọn cách sống và lối sống nào thì phải trả giá cho lối sống đó. Chính lối sống có trách nhiệm với xã hội sẽ khẳng định đẳng cấp của bạn với mọi người.

Sự sa sút về phẩm chất của một bộ phận trong giới trẻ là điều có thật. Sự sa sút này xuất hiện gồm có nhiều lý do khác nhau, vì thế việc ngăn chặn cũng cần phải được thực hiện bằng nhiều biện pháp chứ không riêng gì vai trò của Đoàn. Thanh niên tầng lớp nào cũng cần được hưởng sự giáo dục như nhau nên không chỉ căn cứ vào một bộ phận nhỏ thiếu hợp tác để cho rằng Đoàn không thể tiếp cận được với thanh niên "con nhà giàu" là chưa thỏa đáng.

- TS Đinh Phương Duy: Đúng là như bạn nói, làm con nhà giàu khổ thật! Khổ khi không biết dùng tiền như thế nào để có thể "chơi" được khi họ đang thiếu sân chơi. Tuy vậy con nhà nghèo càng khổ hơn khi không có tiền để hoạch định một kế hoạch "chơi" nào cả. Đó là nói "chơi" với nhau thôi nhưng thực ra đó là một vấn đề thật sự bức xúc của xã hội hiện nay, đặc biệt là trong lớp trẻ. Tại sao một số các bạn trẻ lao vào các quán bar để lắc, có phải hầu hết trong họ đều là con nhà giàu có?

Tiền chỉ là một phương tiện để thực hiện các "ý đồ" của mình, nhưng việc xài tiền như thế nào mới là cách thức giới thiệu giá trị thật sự của mình. Con nhà giàu có nhiều tiền, sống trong một môi trường đầy đủ vật chất thì các nhu cầu của họ có thể khác so với người nghèo, nhưng mọi nhu cầu nếu phù hợp với văn hóa và hướng tới các giá trị nhân bản thì sẽ được đánh giá cao. Khi được cho nhiều tiền , các bạn trẻ sẽ cố gắng xài bằng hết để chứng minh sự "tiến bộ" của mình và để được... cho thêm nên con nhà giàu cảm thấy thiếu sân chơi là vậy, khi họ không thiếu thứ gì.

Cảm giác "bị bỏ rơi" xuất hiện ở một số bạn giàu có là một hiện tượng tâm lý đáng quan tâm, đó là tâm trạng lạc lỏng khi mình không được "chia sẻ" với những trò chơi hoặc những ý tưởng tiêu khiển của mình bởi vì hiện nay, số lượng "con nhà giàu" không phải là đa số. Thật sự, có nhiều tiền cũng "khổ" khi dùng tiền không khéo sẽ bị người ta cho là "hâm" hoặc chơi trội. Do đó, việc định hướng sử dụng tiền là điều rất quan trọng để chứng minh khả năng và tâm hồn của chính mình.

Đã có nhiều bạn trẻ xài tiền một cách "vô tư" vì họ không thấu hiểu được sự "khổ cực" của bố mẹ để có được tiền và vì họ chưa cảm nhận được sự khổ cực ấy bằng hoạt động. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần cho các con hiểu về giá trị của đồng tiền để các bạn biết quí trọng và sử dụng một cách thích hợp. Mặc khác, hãy làm cho các con hiểu được rằng, mình có nhiều tiền nhưng còn nhiều người đang rất thiếu thốn, do đó hướng con vào các loại hoạt động xã hội đa dạng để làm đẹp tâm hồn các bạn đang khao khát được thể hiện.

Cám ơn quý bạn đọc đã theo dõi buổi bàn tròn trực tuyến hôm nay! Xin chào và hẹn gặp lại!

* Trong lúc bàn tròn trực tuyến đang diễn ra, một bạn đọc đã e-mail cho Tuổi Trẻ Online để cùng trao đổi những suy nghĩ với các chuyên viên tư vấn và bạn đọc:

"Tôi muốn được bố mẹ đối xử như với Bill Gates"

Tôi có được đọc cuốn Con đường phía trước (The road ahead) của Bill Gates, trong đó ông kể rằng khi đang học ở đại học Harvard năm thứ hai ông đã bỏ ngang việc học đại học và ra thành lập một công ty phần mềm. Giả sử có một bạn trẻ nào đó làm việc đó ở Việt Nam thì sao nhỉ, chắc chắn sẽ bị gia đình phản đối mãnh liệt, coi đó là một ý định điên rồ. Dĩ nhiên là tôi không muốn bỏ ngang việc học như Bill Gates nhưng tôi lại muốn bố mẹ tôi có một tinh thần như bố mẹ của Bill Gates, lắng nghe và tôn trọng những suy nghĩ và quyết định độc lập của con mình, cho dù mình cho rằng quyết định đó là điên rồ.

Tôi thường nghĩ rằng những sáng kiến vĩ đại và lớn lao thường bắt đầu từ những suy nghĩ điên rồ nhất. Không ai có thể tưởng tượng được rằng công nghệ thông tin lại phát triển nhanh chóng và Bill Gates có thể trở thành một ông vua phần mềm giàu nhất thế giới. Để có được điều này tôi cho rằng có sự góp phần không nhỏ của bố mẹ ông, những người đã cảm thông cho những hành động điên rồ ấy.

Trở lại vấn đề tôi cảm thấy rằng mặc dù tôi và nhiều bạn trẻ đã qua tuổi trưởng thành từ lâu nhưng hình như chúng tôi chưa được phép bố mẹ cho phép trở thành người trưởng thành. Mọi suy nghĩ của tôi đều bị bố mẹ cho là còn quá trẻ con, muốn đi tình nguyện Mùa hè xanh cũng phải xin phép, không được đồng ý thì cũng phải đành chịu bởi vì cãi lại thì bị cho là vô lễ, nhất quyết "khăn gói tham gia" thì sẽ làm cho bố mẹ buồn lòng. Đó là điều tôi không mong muốn tí nào.

Mỗi khi nhắc đến chuyện đi làm thêm thì bố mẹ lại bảo "khoan đã, phải tập trung vào việc học". Dường như với bố mẹ, cái bằng đại học loại giỏi là tốt nhất còn tất cả những chuyện khác đều đáng bị vứt vào sọt rác. Phải chi tôi là bố mẹ nhỉ, tôi sẽ ủng hộ những suy nghĩ điên rồ nhất của nó như thành lập một trang web mua bán trực tuyến trên mạng chẳng hạn. Có thể nó sẽ thất bại nhưng dù sao thì "không thành công cũng thành nhân". Còn hơn là không được phép làm gì cả, chỉ học và học mà thôi.

D.L.

Và các nhà tư vấn của chúng ta đã cùng chia sẻ với bạn D.L:

- Chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai: Ý nguyện được cha mẹ lắng nghe, tôn trọng những suy nghĩ và quyết định độc lập của bạn là một điều rất hay. Tuy nhiên, muốn thể hiện mình là người trưởng thành và được quyết định mọi việc theo ý của mình trước hết bạn phải chứng tỏ được khả năng độc lập trong tư duy cũng như trong hành động mới có thể thuyết phục được cha mẹ chẳng hạn: bạn phải đủ tuổi trở thành ngưới lớn, hoàn tất được những nền tảng căn bản của việc học để trở thành một người bình thường trước đã. Có lẽ, không nên lấy cái không phổ biến như trường hợp của Bill Gates để thay cho cái phổ biến bạn nhé.

Thử sức mình trong một lĩnh vực mới là điều có thể được phép nhưng sẽ tốt hơn khi bạn cũng biết lắng nghe, và thảo luận với những người có kinh nghiệm về lĩnh vực này để chọn cho mình một quyết định đúng nhất. Đây cũng chính là thái độ của một người trưởng thành và đầy bản lĩnh. Chúc bạn thành công.

- TS Đinh Phương Duy: Vì thương con, dưới mắt cha mẹ, bao giờ con mình cũng cần được bảo ban nhưng vì quá lo lắng nên nhiều phụ huynh tỏ ra quá đáng và tạo căng thẳng khi "cảnh giác" cao độ với những đề nghị của con. Một ý tưởng độc đáo, thậm chí lập dị có thể là khởi đầu của sự thành công vượt bậc như Bill Gates nhưng thông thường nó lại bị "nghi ngờ" vì chưa có cơ sở để tin cậy. Bố mẹ thường không muốn con mình "phiêu lưu" vì sợ con mình sẽ thất bại khi mới bước vào đời, đó là điều bình thường , tuy nhiên điều đó có thể làm các con cảm thấy bị "trói buộc" và ức chế.

Muốn thực hiện được ý tưởng của mình, muốn thuyết phục bố mẹ chấp nhận cho sự "điên rồ" của mình thì phải có quyết tâm và kiên trì và cần một bản lĩnh thật sự. Bản lĩnh của mình sẽ được thể hiện trong công việc cụ thể mình đang làm đủ để bố mẹ tin rằng mình có thể làm được điều gì đó. Ví dụ khi muốn thực hiện ý định theo nghề kinh doanh trước khi tốt nghiệp đại học cần chứng minh khả năng quản lý hoặc thực thi nghề nghiệp bằng một kế hoạch cụ thể và có cơ sở thuyết phục...

NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên