13/10/2004 06:02 GMT+7

Tôi mất hơn 10 năm cày cật lực...

TRẦN NGUYÊN thực hiện
TRẦN NGUYÊN thực hiện

TT - Lê Mạnh Hùng khoác bên ngoài một vẻ thanh lịch, sang trọng và hợp mốt. Dĩ nhiên, vì anh đang là chủ nhân của một thương hiệu nữ trang thuộc loại có giá hiện nay.

Vj93pSKd.jpgPhóng to
Hùng sử dụng nhân công là những người bán vé số, thợ rừng... - những người có cùng hoàn cảnh xuất thân như mình, cùng sống, cùng làm với họ để "cùng phát triển" - Ảnh: T.Nguyên
TT - Lê Mạnh Hùng khoác bên ngoài một vẻ thanh lịch, sang trọng và hợp mốt. Dĩ nhiên, vì anh đang là chủ nhân của một thương hiệu nữ trang thuộc loại có giá hiện nay.

Nhưng phía sau sự lấp lánh của vàng bạc đá quý là một câu chuyện đầy thú vị về một thằng bé sai vặt, “tay tà lọt ở bãi xaphia Xuân Điền”...

Anh giải thích về biệt danh này:

- Nó có từ năm 1986, khi tôi mới từ Thanh Hóa trôi dạt vào Di Linh, Lâm Đồng sống cùng người chị. Đi học về phải trông cháu hoài cũng chán, nhà nghèo, quyết định thử thời vận ở bãi xaphia Xuân Điền - điểm nóng của dân đào vàng lúc bấy giờ. Nhỏ người, bé tuổi và cũng chẳng có gì trong tay, đành trở thành lính bét, ai sai gì làm nấy. Sốt rét vàng cả mắt mà chỉ đủ ăn…

* Và lúc đó anh bắt đầu mơ làm giàu?

- Không. Lúc đó tôi chỉ muốn tìm một cái gì đó bớt khổ hơn chứ chẳng nghĩ ngợi xa vời gì cả. Vào Vĩnh Long, thời ấy chưa tách tỉnh, nhờ người chị thứ xin vào làm bảo vệ ở Công ty Vàng bạc đá quý Cửu Long...

* Nghe nói anh học nghề sau giờ làm bảo vệ. Và sau hai năm, cứng nghề, lên thành phố lập nghiệp. Ngày đầu tiên đến Sài Gòn của anh như thế nào?

- Chỉ có một từ để diễn tả: ê chề. Cứ tưởng có nghề trong tay là không đói. Thế mà lê mòn gót chẳng ai nhận, nghề thợ bạc vốn không tin người lạ. Chẳng biết thế nào, tôi đến trước cửa Việt Nam Quốc tự, bèn vào lễ Phật. Và điều xin đầu tiên đã thành sự thật: tôi trở thành một thợ phụ việc ở trung tâm nữ trang 168 Lê Thánh Tôn.

* Dân gian vẫn nói “lấy chồng thợ bạc...”, nhưng không thể từ một chân thợ phụ thoắt cái hóa thành ông chủ được. Phải có “kỳ tích” gì đó xảy ra chứ?

- Nói “thoắt cái” là không chính xác, tôi mất hơn 10 năm cày cật lực. Mỗi ngày ngủ chưa đầy bốn tiếng. Không có kỳ tích, nhưng có một cơ hội cực tốt: mặt hàng bạch kim đang thịnh hành lúc ấy nhưng không có nhiều thợ gia công được, nguồn thợ chủ yếu từ Campuchia sang thì không mấy mặn mà lắm với việc cày bừa...

* Cày giỏi thì không lạ với giới kinh doanh. Nhưng đang có trong tay hơn 100 công nhân, hai cửa hàng kinh doanh và khá nhiều mối mang làm ăn, sao tự nhiên lại “giảm biên chế” xuống còn chưa đầy 40 người và thu hẹp việc gia công hàng hóa?

- Nói ra thì hơi ngượng. Nhưng ba năm liên tiếp tôi đoạt giải thưởng trong hội chợ nữ trang của SJC. Nhìn một món hàng được chăm chút và thổi vào nhiều chất xám, rõ ràng là giá trị của nó khác hẳn các món hàng cùng loại. Tôi bèn tự hỏi sao mình lại cứ làm mãi những món giống người khác mà không đầu tư làm những thứ mà giá trị của nó không được tính bằng vàng, bạc hay chất liệu làm ra nó, mà giá trị ở chỗ nó do ai làm, làm như thế nào...

* Nói thật, anh bảo là đang muốn xây dựng thương hiệu, nhưng câu slogan của Cửu Long có người nói... “sến” và dài dòng: “Dấu ấn kỷ niệm ân tình khó phai”.

CSdGe2ZD.jpgPhóng to
Lê Mạnh Hùng
- Có lẽ điều này không sai. Nhưng tôi thích thế. Nó là con đẻ của tôi và dù nó có ra sao tôi vẫn xem nó là tuyệt vời nhất. Hơn nữa, mặt hàng chủ lực của tôi là nhẫn cưới. Nói xin lỗi, dù cho cuộc hôn nhân từ đôi nhẫn này có hạnh phúc hay đau khổ, không bao giờ người ta có thể quên giây phút trao nhẫn cho nhau. Nó là một dấu mốc trong cuộc đời thì chẳng là “dấu ấn kỷ niệm ân tình khó phai” là gì.

* Hôm nọ, chúng tôi ghé vào cửa hàng của anh tại trung tâm thương mại Saigon Tourist và đã lục tung mọi thứ lên, “hành hạ” nhân viên của anh cả buổi mà chẳng mua gì. Có lẽ nhân dịp này cho phép xin lỗi...

- Tôi không chấp nhận lời xin lỗi này, bạn không có lỗi gì cả. Bạn là khách hàng, có quyền được thỏa mãn những yêu cầu về món hàng mà bạn cần. Bây giờ bạn không mua hàng, nhưng bạn được hài lòng thì sẽ có ngày bạn quay lại cùng những người quen khác của bạn. Nguyên tắc mà tôi luôn tuân thủ là muốn trở thành hàng hiệu thì phải có con người hiệu.

* Nhưng sau khi ITC không còn, Cửu Long chỉ còn một cửa hàng kinh doanh có vẻ không hiệu quả lắm về mặt doanh thu và lượng công nhân thì giảm hơn một nửa...

- Chính xác là cửa hàng đi từ lỗ đến hòa vốn. 38 công nhân hiện nay tập trung cho việc thực hiện hàng chất lượng cao, vài hợp đồng gia công nho nhỏ cũng đủ để trang trải chi phí. Người xưa mất cả trăm năm mới có được cái gọi là hàng hiệu, tôi chỉ có hai năm là mơ cao lắm. Nhưng tôi tin và toàn bộ 38 anh em trong công ty đều tin vào tương lai.

* Anh tự cho mình là một người... ngông cuồng, lại có khá nhiều nguyên tắc trong kinh doanh và quản lý nhân viên. Vậy con người thật của anh tuân theo nguyên tắc nào?

- Rõ ràng: đúng và sai, trắng và đen.

* 32 tuổi, bỏ học sớm, kiến thức nền không vững, liệu có quá liều khi tham gia một cuộc chơi không có chỗ cho người thiếu bản lĩnh và yếu tim?

- Tôi tuổi Quý Sửu, không còn trẻ nhưng cũng chưa già, nghĩa là vẫn có quyền mơ và xây lại giấc mơ khác. Kiến thức là một món mà nếu không học từ trường, ta có thể học bằng trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, tôi vẫn ôm cặp đi học và tự “đổ móng” lại cho cái nền của mình. Tất cả chỉ mới bắt đầu…

TRẦN NGUYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên