![]() |
Cô bạn Su Min (giữa) “bị” hai sinh viên VN (bên phải là tác giả) kèm cặp trong một chuyến “thám hiểm” Suối Tiên (Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: C.V. |
Đó là công việc của tôi gần đây. Không biết tự gọi là “free guide” (hướng dẫn viên miễn phí) như thế có đúng không?
Con đường trở thành cô giáo dạy tiếng Việt của tôi rất đơn giản: một lần có một chị người Hàn Quốc ngồi học đối diện nhờ tôi đọc một số chữ Việt. Sau đó tôi bỗng thành “free guide”. Chị người Hàn Quốc tên là Hong Su Min, sang VN học tiếng Việt khoảng một năm. Học để làm gì chị cũng chưa biết, chỉ bảo thấy thích VN và muốn học tiếng Việt, vậy thôi. Khi quen với chị Su Min, tôi đã quen thêm được một số bạn Hàn Quốc khác cũng học ở trường tôi. Có bạn học để làm việc, vì tò mò (về văn hóa, thắng cảnh của VN, về một vùng đất nhiều xe máy...), cũng có người học vì “VN đang rất nổi tiếng ở Hàn Quốc” - theo lời anh Seo Young Joo, một người Hàn Quốc cũng đang học tiếng Việt tại trường tôi.
Một chữ Hàn Quốc bẻ đôi tôi cũng không biết, nên đành dùng tất cả vốn tiếng Anh rất ít ỏi của mình, cộng thêm mọi cử động tay chân, tất cả khả năng hội họa hiếm hoi để diễn đạt.
Mệt thì đúng là mệt thật, có những lúc tôi như muốn điên lên do trình độ sư phạm bằng... 0 nên dạy một hồi mà “học trò” không đọc được. Tôi còn dạy chị Su Min cách đánh vần tiếng Việt như khi tôi học tiểu học.
Quen, thế là tôi cùng “học trò” đi chơi ở các khu du lịch, tư vấn nơi đâu du lịch như thế nào… Dạy họ cách ăn bánh xèo miền Trung, giới thiệu với họ cháo cá miền Tây, bún bò Huế, bún chả cá Nha Trang, và tất nhiên phở thì tôi không cần phải giới thiệu...
Chúng tôi đã trao đổi với nhau rất nhiều điều về văn hóa, địa danh… các nước trên thế giới.
Ngoài ra là việc mua sắm những vật dụng cần thiết. Tôi đã dẫn họ đến nhiều nơi để mua trái cây, quần áo đẹp mà rẻ, chở họ đi mua bánh sinh nhật tặng bạn, đưa họ đi chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP.HCM) để mua hoa rẻ, tìm trung tâm bảo hành điện thoại cùng họ...
Tôi còn mất cả giờ đồng hồ để cùng ngồi bàn luận với một anh đang có người yêu là một cô gái người VN, về cách khắc phục những khó khăn vì sự khác biệt văn hóa giữa VN - Hàn Quốc. Chẳng hạn, nếu yêu thật sự thì việc chuẩn bị bữa sáng ở nhà chẳng có gì đáng suy nghĩ (anh lấy ví dụ đơn giản là việc hay ăn sáng ở ngoài của người VN)...
Tiền lương của tôi? Tiền lương của tôi, đầu tiên đó chính là niềm hứng thú trong tôi, sau đó là sự tin cậy của những người bạn dành cho tôi. Tiền lương của tôi chính là lượng kiến thức mà tôi tích góp được khi trò chuyện với họ. Ngoài ra, khi trả lời những thắc mắc của họ về VN, tôi đã có thể nhớ lại kiến thức mà mình được đào tạo. Tiền lương của tôi còn là những lần tôi nói “teng teng ichita”, tiếng Hàn Quốc có nghĩa là... “trốn học”, những người bạn - học trò đều nhắc nhở “cô”: “Không! Là sinh viên em phải học chăm chỉ, không teng teng ichita!”. Thế là chiều hôm đó tôi đã không dám bỏ một buổi học. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận