Phóng to |
Có vẻ như rất bình thường, hợp lý: trong trường quay có nhiều thầy cô, phụ huynh của thí sinh đến cổ vũ con em mình, chưa kể quan khách và khán giả. Thí sinh xưng em là xưng với những người lớn này.
Thế nhưng, nếu hỏi dấn tới "Trò chơi này dành cho ai?", câu trả lời chắc chắn sẽ là "Dành cho các học sinh".
Như vậy, nhân vật chính trong trò chơi là học sinh (dù là người đang chơi hay đang xem). Số người lớn có mặt chỉ là nhân vật phụ. Và như thế, các thí sinh nên xưng hô phù hợp hơn với các bạn cùng lứa. Có thể "Kính thưa thầy cô, thưa quý vị khán giả", nhưng phần sau nên là "cùng các bạn học sinh, tôi tên là...". Sao lại xưng em với những người đồng trang lứa với mình, mất thế lắm!
"Em rất hạnh phúc với thành tích này. Và em hứa sẽ cố gắng hơn nữa để tiếp tục có những thành tích tốt hơn". Hàng triệu trái tim Việt Nam rộn ràng xúc động trước hình ảnh vận động viên Việt Nam với cờ Tổ quốc trên vai, đang hổn hển bộc bạch tấm lòng sau những huy chương vàng quý giá có được trên đấu trường quốc tế.
Trong hàng triệu trái tim Việt Nam ấy có những người thuộc hàng cha chú họ, có những người là bạn đồng trang lứa, và cũng có cả những em bé đang ngời ngời niềm tự hào rạng rỡ dành cho các thần tượng của mình. Vậy mà thần tượng lại xưng Em, và nói kiểu công thức đúng như một học sinh tiểu học!
Tất nhiên, danh xưng em chỉ để trả lời phóng viên đang phỏng vấn mình, nhưng vận động viên quên rằng hình ảnh phát đi là cho tất cả người Việt Nam đang ngồi trước màn hình, những người đã trao gửi cho họ cả niềm tự hào của dân tộc Việt Nam để đối mặt với những dân tộc khác.
Cháu/chú - cô..., em/anh - chị..., đó là những xưng hô có tính cá nhân trong các giao tiếp hằng ngày theo văn hóa ứng xử của người Việt, bộc lộ sự tôn trọng đối với bậc trưởng thượng trong mối quan hệ cộng đồng. Nhưng đừng bao giờ nên để sự xác định ngôi thứ này tạo ra một thói quen xấu trong suy nghĩ của những người trẻ.
Lúc nào cũng là em, là cháu, lúc nào cũng nhỏ bé và ngoan ngoãn, quên hẳn rằng trong rất nhiều trường hợp quan trọng và quyết định của cuộc đời mình, mình chỉ là Tôi, là chính Tôi, một cá thể hoàn toàn độc lập.
Trước một cánh rừng bị lạc vào, Tôi phải tự tìm đường ra, không cô chú anh chị nào làm thay được. Trước một tai họa thảm khốc, Tôi phải tự nghĩ cách cứu giúp các nạn nhân, không thể chờ được chỉ bảo từ bất cứ ai. Trên các đấu trường, không huấn luyện viên hay giám đốc sở nào chạy trên đường piste hay bay vọt qua xà, ra đòn hay đá bóng vào lưới..., mà chỉ có Tôi, chính Tôi phải thực hiện điều ấy...
Hãy luôn là Tôi, là chính mình, xác định sự độc lập, bình đẳng của mình với tư cách là một thành viên xã hội.
Nếu bản thân bạn không tự tin vào bản thân mình, làm sao những người khác có thể gửi niềm tin vào bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận