![]() |
Nhớ năm 1991-1992, chị lớn học xong đi lấy chồng còn lại ba anh em trai tôi. Sống ở một vùng quê xứ Thanh nghèo lắm. Có những đứa trẻ trạc sáu, bảy tuổi như tôi chẳng biết bóng điện là gì chứ đừng nghĩ đến chuyện xem tivi hay trò chơi điện tử.
Trong làng hồi đó có mỗi nhà ông Đa, cán bộ quân đội về hưu, có cái tivi 14 inch, có đầu quay băng chạy máy nổ, chiếu phim lấy tiền. Bố tôi giao hẹn "ban ngày giúp bố và học hành chăm chỉ, tối thứ bảy cho 600 đồng đi xem phim" (600 đồng lẻ hồi đó quê tôi mua được sáu bó rau muống). Vì thương bố mẹ nên chúng tôi đều học tốt, nhưng hôm nào cũng bày trò trốn đi chui rào xem phim. Mỗi lần đi anh em tôi lấy quần áo đắp ba hình người giả, tắt đèn dầu, phủ chăn lại. Bố mẹ thường đi làm về mệt, ngủ sớm, nằm ngoảnh mặt ra phía vườn hứng gió mát đỡ phải dùng quạt mo cau mãi mỏi tay nên chúng tôi lẻn đi rất dễ.
Hôm tôi bị đau chân, nằm ở nhà bên hai hình người giả bằng quần áo. Bố tôi vào dẹm màn, đi ra bảo với mẹ: "Tôi thương lũ trẻ quá. Chắc chúng nó mang theo sách vở, vừa cắt cỏ, chăn trâu vừa học hay sao mà tối nào cũng lăn ra ngủ sớm". Mẹ tôi bảo: "Em thương các con lắm nhưng nhà mình nghèo thế này lấy đâu ra hôm nào cũng cho sắp nhỏ đi xem phim. Ba đứa 600 đồng, ăn rau muống ba ngày đấy mình ạ”.
Sau cái thở dài thườn thượt, hình như mẹ đưa tay lau nước mắt. Kế hoạch trốn đi xem không bị lộ nhưng tối đó tôi nằm khóc. Và câu thơ đầu tiên của tôi bắt đầu từ đó (mới là thơ con cóc thôi). Tôi với tay ghi vào cuốn vở học trò "Con thương mẹ, thương cha/ chả có gì sánh được...".
Từ đó tôi mua cho mình một cuốn sổ nhật ký, ngồi một mình viết những câu thơ ngô nghê, vụng về nhưng thấy mình nhẹ nhàng hơn. Cũng vì túng bấn, bố mẹ tôi thường có những bận cãi nhau. Lúc đó tôi buồn lắm, trốn vào buồng và lại ghi thơ. Có lần vô tình bố đọc được, rồi ít cãi nhau với mẹ hơn.
Năm 18 tuổi, tôi nuôi ước mơ trở thành một nhà văn, nhà báo. Tôi thi Học viện báo chí Hà Nội và trượt với số điểm hai môn là 14. Sau này có một quãng thời gian tôi day dứt chính thơ và nỗi buồn làm cho tôi thi rớt. Chả là hôm tối chuẩn bị thi môn thứ ba, tôi vô tình gặp đứa trẻ 7 tuổi tên Lâm, mẹ vừa chết do một tai nạn giao thông. Vốn vô gia cư, sống tha hương, nó chẳng có nơi nào để về, ngồi góc hành lang và khóc trong sợ hãi. Chủ nhà không cho vào ngủ cùng, tôi cùng em đi lang thang rồi ngủ vạ vật trong công viên Xanh, phố Tô Hiệu, Hà Nội. Sáng mai thức dậy, chẳng chạy kịp đến phòng thi, tôi buồn phát khóc.
Trước khi đưa Lâm vào trại mồ côi, tôi viết tặng bài thơ Có điều gì còn lại. Đó cũng là bài thơ đầu tiên tôi được in báo Tiền Phong Chủ Nhật. Bây giờ gặp lại Lâm, em trưởng thành và học giỏi từ trại mồ côi Hà Nội, tôi lại thấy sung sướng và cảm ơn cái lần mình đã lang thang gần hết đêm cùng em rồi trễ thi. Mỗi lần kể về kỷ niệm này cùng bài thơ tôi tặng, Lâm lại rưng rưng nước mắt.
Hồi đó rớt đại học, ở quê cũng chẳng có việc gì làm. Mấy sào ruộng thì năm được, năm mất. Tôi xin bố mẹ vào Biên Hòa làm thuê. Những hôm tăng ca đến 12 giờ một ngày cộng với nỗi nhớ nhà da diết, tôi lại mang cuốn nhật ký ra tập làm thơ. Viết xong thấy nhẹ đi bao nhiêu nỗi nhớ và buồn. Tôi bắt đầu rung động, bắt đầu thấy có gì khang khác khi đứng trước một bạn gái đẹp, quyến rũ. Nhưng ước mơ thành người viết văn, viết báo thôi thúc tôi đóng chặt cửa ôn bài sau những giờ làm công nhân.
Tôi thích những mất mát, buồn đau trong thơ Tagore, thích rùng rợn, hoang hoải trong giằng xé mãnh liệt của thơ Hàn Mặc Tử, nhưng cũng thích trầm lắng. Tôi chọn Đại học Đà Lạt - nơi mộng mơ nhưng trầm mặc và buồn - làm điểm đến sau những ngày dài ôn thi. Nỗi sung sướng xen lẫn cồn cào sau hơn một tháng chờ đợi cuối cùng tên tôi cũng xuất hiện trên phụ trương báo Tuổi Trẻ mục "những thí sinh đạt điểm cao". Nhưng lạ thay lúc đó tôi không làm được câu thơ nào.
"Từ ngày chia tay/ Hồi hương trong anh là những đêm dài day dứt/ Là vết bóng nhẵn nơi đuôi mắt lặn dần/ Là sự giành giật của vô vàn nếp nhăn". Những câu thơ viết cho cuộc tình đã lỡ từ sâu thẳm nỗi buồn, tôi đã mang đi chia sẻ cùng nhà thơ Nguyễn Tấn On cùng một số bạn thơ khác. Một số người bảo tôi: "Nỗi buồn của mày là một thứ vô giá trị”. Lúc đó tôi thấy lòng nghiêng chao, trì nặng. Cũng may anh Tấn On đồng cảm và sau này nó được in báo. Cái quan trọng không phải viết ra giấy hay in báo, cái quí giá hơn hết thảy là đã có người cùng san sẻ.
Những người làm thơ, dù là những người kỳ cựu hay người đang tập tành như chúng tôi luôn tồn tại một khát khao muốn chia sẻ, nhất là những nỗi buồn và mất mát.
Còn nhớ có những ngày hết tiền, tôi mặc bộ đồ cũ đi làm hồ. Người bán vé số ngày hôm qua thấy tôi quần áo thư sinh, sạch đẹp họ năn nỉ mua, hôm nay thì họ lướt qua. Ông chủ thầu kêu tôi đi hầu rượu rồi cho thêm mười ngàn, tôi không thèm. Ông ta chửi tôi "kiết xác mà làm kiêu". Tôi không lồng lộn lên cũng không vùng vằng như trước nữa, bởi tôi còn có một chỗ là thơ. Thơ đã giúp tôi thanh thản và lại có thể mỉm cười. Nhiều khi tôi vẫn đọc câu thơ Phùng Quán để làm mẫu cho mình: "Những phút ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy".
Áo Trắng số 29 (ra ngày 1-8-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận