Với hai dây điện nối qua chiếc bình được thiết kế có thể mang trên vai, một người đi xiệc có thể bắt được hàng chục ký cá tôm loại lớn mỗi đêm. Những người xiệc cá trên đìa hay ruộng có thể không ấn tượng bằng nghề xiệc ghe cào trên các dòng sông lớn, đang trở thành một vấn đề đáng báo động trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
![]() |
Đi “xiệc” cá ban đêm |
Nỗi khiếp đảm của mọi loài cá tôm
Tròng cái bình xiệc lòng thòng dây điện lên vai, anh T. nhoẻn miệng cười nói với tôi: "Nể mặt lắm mới cho chú em đi theo chứ xưa nay anh chỉ đi xiệc một mình!". Tôi hí hửng cảm ơn rồi vội vàng lột đôi dép cho hành trình lội bùn, lội ruộng tiếp theo. Đêm nay lần đầu tiên trong đời: tôi đi xiệc!
Từ lúc chập tối anh T. đã lúi húi mắc dây điện vào cái bình ắcquy để chuẩn bị một màn tận mắt để đời theo yêu cầu của tôi. Ở xã Lương Tâm (Long Mỹ, Hậu Giang), anh T. có thể xem là một "chuyên gia" về chế tạo bình xiệc. Tốt nghiệp trung cấp ngành điện, anh chẳng đi làm như bè bạn mà về nhà mở một cửa hàng sửa điện kiêm luôn chế tạo bình xiệc bán cho người có nhu cầu. 100.000 đồng tiền vốn ban đầu sau khi hoàn thành bán với giá 500.000 đồng thật sự là nguồn thu nhập khá ở quê. Mỗi tháng anh cho ra lò 4-5 cái bình như thế nên biệt danh "ông trùm" quả là không ngoa chút nào.
"Nhưng chỉ làm cho những mối quen thôi. Ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long đều có người đến mua nhưng chỉ làm khi có người quen giới thiệu vì sợ bị bắt!" - anh T. bộc bạch. Không dám sản xuất bán công khai nhưng sửa bình xiệc thì làm. Ngôi nhà anh ngổn ngang những bình người ta mang đến sửa. Nhìn số bình xiệc nằm la liệt tôi chợt rùng mình. Nếu số bình này hoạt động hết công sức thì mỗi đêm ít gì người ta bắt cũng bắt vài trăm ký cá, chưa kể một lượng lớn cá nhỏ bị chết vạ lây nhưng chẳng ai màng tới!
Sau khi lội qua mấy bờ xoài, anh T. nhảy ùm xuống cái đìa của nhà cha mẹ vợ. Những người đi xiệc đêm thường là xiệc lén. Họ xiệc dưới ao, đìa vắng chủ hay cách xa nhà người chủ! Hai cây trúc kẹp theo hai sợi dây điện vừa chạm nước thì một con cá lóc nổi lềnh lên quằn quại vì bị trúng điện. Dưới ánh đèn pha sáng ngời, tôi thấy lố nhố cá rô, cá sặc, tép rong cùng nổi theo nhưng anh T. chẳng buồn vớt chúng bỏ vào thùng. Người đi xiệc chỉ bận tâm những con cá lớn, mọi thứ khác sẽ chìm xuống đáy đìa và sáng mai lại trương sình nổi lên mặt nước!
Cầm cái thùng đi theo mà tôi tiếc hùi hụi khi thấy sự hoang phí ấy. Chưa nói đến chuyện làm chết cá tôm hàng loạt thì việc giết xong rồi bỏ, cũng đủ thấy con người tệ bạc với thiên nhiên như thế nào. Anh T. vẫn kiên trì lần vào những hang ngách. Bỗng anh hét ầm lên vì tay bị dòng điện ngược lên giật trúng. Tôi vội vàng xé một nắm lá chuối khô để anh lót dưới tay nhằm hạn chế sự tiếp xúc với dòng điện. Nhiều người đã chết khi đi xiệc nhưng chủ yếu là những người xiệc điện "sống" (điện kéo trực tiếp từ nhà ra). Dòng điện đó cực mạnh. Nếu vừa rồi là điện "sống" chắc tôi chỉ biết la làng rồi kêu người khiêng anh về an táng!
Không có những con cá lớn nhưng mỗi lần hai cây trúc anh T. chạm xuống nước thì hàng loạt cá nhỏ nổi lên phơi bụng, lảo đảo mấy vòng rồi chìm xuống mặt nước. Kiên trì đi thêm mấy đìa nữa nhưng cũng chẳng có con cá nào. "Chắc tại không có cái vỉ sắt nên điện không mạnh được!" - anh T. biện minh sau hành trình thất bại vừa rồi. Cái vỉ sắt nối ở đầu một sợi dây điện sẽ làm việc xiệc cá hiệu quả hơn. Không có nó thì sức sát thương sẽ giảm, những con cá lớn chỉ bị giật ngất ngư chứ không chết được. Cũng may cho anh T.. Nếu nguồn điện đạt mốc 240V như thiết kế ban đầu thì chẳng biết anh sẽ như thế nào sau cú giật ngược vừa rồi!
Chuyện kể dưới ánh đèn pha
"Xiệc" là loại hình đánh bắt hủy diệt các loài sinh vật dưới nước phổ biến hiện nay. Dù pháp luật đã cấm nhưng nhiều người vẫn lén lút làm vì đó là cách bắt cá tôm hiệu quả nhất. Thiết nghĩ cần có sự phối hợp tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa với bà con nông dân mới mong hạn chế sự hủy diệt tràn lan như hiện tại. Đó là cách duy nhất có thể cứu các loài tôm cá thoát khỏi sự tàn sát của con người, khi môi trường đồng bằng sông Cửu Long đang dần biến đổi! |
Ở đồng bằng sông Cửu Long xiệc cá với nhiều người là một nghề kiếm sống hẳn hoi. Người anh T. khâm phục nhất về tài xiệc cá là ông N. Từ bàn tay trắng mà ông cất được nhà lầu chỉ với nghề xiệc cá. Mỗi đêm ông N đi hai lần (9g tối và 3g sáng), sáng sớm bà vợ mang cá ra chợ bán 400.000-500.000 đồng, không giàu sao được.
Anh T. kể về người hàng xóm hay sang nhà anh sửa bình xiệc, giọng đượm buồn "Ổng sẽ chết sớm thôi. Cứ mang cái bình xiệc mỗi ngày thì sức khỏe nào chịu nổi với năng lượng từ nó tỏa ra!" Trường hợp của anh L. bị điện giật khi hai sợi dây điện chập mạch, để lại vợ và ba đứa con nheo nhóc. Có lẽ sinh nghề tử nghiệp là như thế chăng?
Tôi hỏi: "Nếu nguồn điện không đủ mạnh để giết mấy con cá ngay lập tức thì hôm sau chúng có chết?". Anh T. bảo không. Nếu không chết liền thì những con cá này đều sống nhưng chúng chẳng bao giờ sinh sản hay phát triển được nữa. Dòng điện làm tê liệt các tế bào và thân hình những con cá sẽ teo dần theo năm tháng.
Lúc vừa bị điện giật theo phản xạ chúng sẽ oằn mình để chống lại nỗi đau đớn và rồi từ đó chúng thay hình đổi dạng! Anh T. bông đùa: "Tát đìa mà thấy con cá nào đầu to tổ chảng, mình ngoằn ngoèo là biết ngay từng bị điện giật!". Không biết có bao nhiêu chú "dị cá” như thế trên đời này? Tôi cảm thương cho chú cá lóc vừa thoát khỏi anh T. lúc kết thúc buổi đi xiệc. Nó nhảy ùm mạnh mẽ thế đấy nhưng rồi sẽ trở thành một "dị cá” vào ngày mai. Và khi tát đìa, thấy nó người ta sẽ xót thương hay cười hô hố vì hình thù kỳ quái!
Áo Trắng số 21 (ra ngày 15/11/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận