18/07/2005 06:04 GMT+7

Tôi đi bốc vác với các chị, các bà

Bài, ảnh: TĂNG KHÁNH LY
Bài, ảnh: TĂNG KHÁNH LY

TT - Mới 7g sáng mà trời nắng như thiêu đốt, người đi lại tất bật, ồn ào đủ thứ âm thanh. Tôi nhanh chóng nhận ra những “đồng nghiệp” của mình.

ibbV4Gfk.jpgPhóng to

Đội nữ bốc vác đang ngồi chờ xe về bến

TT - Mới 7g sáng mà trời nắng như thiêu đốt, người đi lại tất bật, ồn ào đủ thứ âm thanh. Tôi nhanh chóng nhận ra những “đồng nghiệp” của mình.

Họ ngồi một hàng dài trên những ghế nhựa sát ngay cạnh mấy chiếc ôtô để chờ việc. Mỗi người một dáng vẻ lam lũ...

Một ngày nặng nhọc như mọi ngày

Tôi lân la làm quen một chị có cái tên thật đàn ông: Súng. Chị Súng đang vô tư gác chân lên ghế, nhẩn nha nhai ổ bánh mì nhỏ. Tất cả đều ở trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” với đầy đủ trang bị: nón, khẩu trang và găng tay.

Hôm trước tôi đã gặp các chị để “xin việc” nên sáng nay không phải làm thủ tục “ra mắt”. Tôi mỉm cười chào các chị và cũng tự chọn cho mình một chỗ ngồi gần đó để chờ đợi.

Trước khi vào việc, tôi đã kết thân với chị Hà Thị Lơ, 40 tuổi, nhà ở xóm Vạn Đò, phường Phú Bình để học bài nhập môn: phải nhanh chân mới có việc. Xe vào bến là mình theo ngay...

Một chiếc xe khách nhỏ vào bến. Tôi liền bật dậy chạy theo hai, ba chị nữa, bu lấy chiếc xe...

Xe bắt đầu đổ về bến nhiều hơn. Một chiếc từ Truồi mới lên chất kín hàng. Chị Nguyễn Thị Á, 36 tuổi, trẻ nhất trong nhóm, dáng người to cao, phóng ngay lên xe, nhanh nhẹn lôi những bao hàng chất đầy xuống sát cửa. Những người còn lại phụ nhau khiêng ra xe đẩy.

“Chừng ni 500đ được không?”. “Không! Nặng lắm, 1.000đ” - tiếng mặc cả của chị Lửng dứt khoát. Cuộc ngã giá xong, tôi cùng chị Lửng đẩy hàng sang con đường nhỏ sát bên chợ. Mùi hoa quả thối pha với nhiều tạp chất khác xộc thẳng vào mũi khiến tôi choáng váng.

Từ 8g sáng trở đi, xe từ các nơi về nhiều và công việc cũng dồn dập hơn. Ai nấy đều tất bật, chạy như con thoi quanh chợ. Chủ hàng thuê gì bốc nấy, không phân biệt loại hàng và trọng lượng.

Càng về trưa, cái nắng càng trở nên gay gắt. Ai cũng vã mồ hôi như tắm. Tôi cùng các chị ngồi nghỉ nhờ bóng mấy chiếc ôtô, uống cốc nước chè chờ việc tiếp. Chị Nguyễn Thị Lợi, 47 tuổi, nhìn tôi ái ngại, khuyên tôi còn trẻ không nên làm nghề này.

“Em kiếm cái xe kem hoặc bánh mì mà bán, chớ làm chi cái việc của đàn ông, sức không chịu nổi, già khọm chừ mà thôi”. Chị Súng ngồi bên cạnh tôi, tay giở nắm tiền công, bỏ thêm vào đó một tờ 500đ đã cũ, rồi nhìn tôi: “Tui năm nay 43 mà giống như bà già ri”.

Tôi kéo ghế ngồi lại gần chị Võ Thị Phượng. Hai chân chị cho lên ghế, tay xoa vết thương nơi đầu ngón chân cái. Thấy tôi ái ngại nhìn vết nứt toác sâu, bụi và đất bẩn bám đầy xung quanh, chị cười: “Không can chi mô, vấp hòn đá thôi mà”.

sioDJWrD.jpgPhóng to
Ngày nào bà Nguyễn Thị Gái, 60 tuổi, cũng vác trên vai những bao hàng nặng như thế này
Tôi định hỏi han thêm thì một chiếc “xanh” vào bến. Xanh là ám chỉ màu của chiếc xe chạy hướng Huế - Đông Hà - Huế. Họ tự qui ước như vậy để cho tiện và chỉ có người trong nghề mới hiểu. Xe này thường nhiều hàng nên tất cả cùng làm.

Chị Nguyễn Thị Lập, 52 tuổi, cùng tôi trèo lên xe đẩy những thùng hàng to nặng ra sát bậc lên xuống cho mấy chị khác ghé vai vào đỡ. Bà Nguyễn Thị Rảnh, 62 tuổi, ngang tuổi bà nội tôi, chân chậm chạp, mắt đã mờ nhiều vẫn cố ghé vai vào những bao hàng nặng trịch bỏ lên xe đẩy.

Tôi ghé tay vào phụ giúp bà đẩy chiếc xe đầy hàng. Giao hàng, bà chủ hàng còn nhờ vần qua vần lại rồi đặt lên bàn cân. “Bao nhiêu tiền ri?”. “Bác đưa bao nhiêu cũng được”.

Tôi trả lời theo sự đồng ý của bà Rảnh. 6.000đ tiền công cho bốn bao, mỗi bao nặng 60kg. Bà Rảnh gật đầu: “Rứa cũng được rồi”.

10g30 trưa, xe về bến ít dần. Đội quân nữ bốc vác bắt đầu nghỉ trưa. Chị Lơ tranh thủ đếm nắm tiền mới rút ra trong túi áo. “Từ sáng đến giờ được khá không chị?” - tôi hỏi. “Khoảng mười mấy ngàn”. “Mỗi ngày chị kiếm được bao nhiêu?”.

“Cũng tùy ngày. Nhiều hàng thì hai ba chục, mưa thì ít hơn”. Nói xong chị Lơ lật đật đi mua cơm trưa và không quên mua cả phần cơm cho tôi. Suất ăn 3.000đ với một tô đầy cơm, ít cá kho và bát canh bí “toàn quốc”.

Đồng bạc nghĩa tình

Hai giờ chiều, các xe hàng lại về và những công việc bốc hàng, bỏ hàng hối hả trở lại. Cho đến tầm 7g30 tối, khi những chiếc xe cuối cùng rời bến là lúc chấm dứt một ngày của đội quân nữ bốc vác.

Họ ngồi quanh một chiếc nón đựng những đồng tiền nhàu nát và đẫm mồ hôi để chia đều kết quả lao động của một ngày. Mỗi người cầm, đếm lại số tiền vừa chia và trầm ngâm theo đuổi những suy tính, lo toan riêng.

JXQIBneA.jpgPhóng to
Trong những lần đến bến xe Đông Ba (Huế), một hình ảnh cứ khiến tôi day dứt, đó là những người phụ nữ già có, trẻ có kiếm sống bằng một công việc nặng nhọc: bốc vác. Nhân những ngày nghỉ học, tôi rời nhà trọ sinh viên tìm đến bến xe bên cạnh khu chợ trung tâm của thành phố Huế đi tìm việc, và tôi đã có những ngày mang vác quần quật với những người bằng tuổi mẹ, thậm chí bằng tuổi bà nội mình...
Dưới bóng điện chiếu từ khu nhà chờ xe, tôi thấy mắt chị Lơ ánh lên niềm vui: “Hôm ni tiền công cũng tạm. Lát tui về ghé qua tiệm thuốc tây mua thuốc cho chồng”. “Tiền công vậy có đủ thuốc thang không chị?”. “Mỗi hôm 11.000đ, nhiều khi không đủ tiền phải đi vay để mua trước rồi đi làm trả dần”.

Bà Gái ngồi trên chiếc xe đẩy hàng, miệng ngậm điếu thuốc lá sắp tàn, nhẩm đếm số tiền công. Tôi kéo ghế lại gần bà hỏi: “Mệ lớn tuổi rồi sao không nghỉ ở nhà để con cháu phụng dưỡng?”.

Bà nhìn tôi chua xót rồi tâm sự: “Không nghỉ được. Nhà tui ba đứa con. Hai đứa đầu có gia đình, ra ở riêng. Tui làm nuôi thằng út Tường ở nhà. Nó bị cụt bàn tay trái năm tui 53 tuổi. Năm nay nó 30 tuổi rồi mà chưa có vợ. Nhà mình nghèo quá, ai người ta chịu...”.

Chị Á với chiếc bụng bầu to còn mấy tháng nữa là sinh đang loay hoay xếp tấm bìa thùng cactông. Mọi người chọc chị vì “tài ngụy trang” quá khéo với chiếc áo rộng. Chị cười: “Lúc mang bầu ai cũng phải làm thế, nếu không có chủ hàng sợ “dớp” không dám thuê làm. Chồng tui chạy xe thồ nhưng dạo này ế lắm, khách ít mà xăng dầu tốn quá”.

Rồi chị kể về mấy khoản chi tiêu từ “lương”: “Chừ về, hai vợ chồng bỏ ống mỗi người 5.000đ để có tiền lúc sinh. Riêng 2.000đ góp dành sửa xe thồ lúc hỏng. Rồi còn 8.000đ gửi mệ ngoại trông giùm hai đứa đầu cả ngày nữa. Nhiều khoản cần chi tiêu mà tiền có bấy nhiêu”.

Chị Lập ngồi gần đó, nhìn cậu con trai năm nay vào lớp 6, nghỉ hè cùng theo mẹ ra chợ rồi mỉm cười: “Đến bữa đóng tiền học thì đi vay trước rồi lại làm trả dần. Quanh năm cứ nợ rồi trả, nợ rồi trả như rứa”...

Tôi rời bến xe của những người lao động nghèo khi những chiếc bóng cuối cùng của đội quân nữ bốc vác đã trở về với gia đình của họ. Tôi là “lính mới”, chỉ làm chân phụ việc nhưng cũng được 5.000đ tiền công.

Cầm tờ bạc 5.000đ cũ nhàu trên tay, tự dưng mắt tôi cay xè. Và rồi tôi quyết định giữ nó làm kỷ niệm...

Bài, ảnh: TĂNG KHÁNH LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên